Ghi nhận của PV.VietNamNet, tại chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) các quầy hàng từ rau, củ, quả, thịt cá, áo quần, giày dép…tiểu thương để sẵn mã QR Code để người mua dễ dàng quét mã thanh toán.

Việc triển khai mô hình chợ 4.0 tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại. Nhiều khách hàng trẻ, rành công nghệ sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt khi đến chợ mua đồ.

Chợ Túy Loan triển khai mô hình chợ thanh toán không tiền mặt

Bà Nguyễn Thị Diệp, tiểu thương quầy thịt cho biết, cuối tháng 7/2023 khi UBND huyện Hòa Vang triển khai mô hình “chợ thanh toán không dùng tiền mặt", bà đã đăng ký tạo tài khoản và mã QR Code.

“Từ khi có mã QR, nhiều bạn hàng, bà nội trợ đến mua ở quầy tôi chọn cách trả trực tuyến. Việc thanh toán này rất nhanh chóng, chỉ cần quét mã là thanh toán xong đúng số tiền, tôi cũng đỡ phải mất thời gian thối tiền lại như trước đây”, bà Diệp chia sẻ.

Quầy hàng của bà Vân đặt sẵn mã QR để các bà nội trợ thuận tiện quét mã thanh toán

Bà Tán Thị Vân, tiểu thương quầy rau củ cho biết, nhiều bà nội trợ trẻ đến mua hàng dưới 100.000 đồng vẫn chọn cách quét mã thanh toán. Theo bà Vân, việc thanh toán trực tuyến giúp đảm bảo an toàn và tiện lợi.

“Nhiều người đi chợ sợ mang theo tiền dễ mất, hay quên mang tiền đi thì chỉ cần cầm điện thoại với một thao tác nhỏ là đã thanh toán xong. Với tôi thì hình thức thanh toán này rất tiện lợi cho người bán vì không phải chuẩn bị tiền lẻ để thối, mà chỉ cần kiểm tra tiền vào tài khoản trên tin nhắn điện thoại”, bà Vân nói.

Theo tìm hiểu, đến nay, tại chợ Túy Loan có tổng 250/570 hộ có tài khoản ngân hàng, có sử dụng điện thoại thông minh và cài đặt Internet banking, sẵn sàng cho giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện, Ban quản lý chợ vẫn tiếp tục phối hợp triển khai cài đặt ứng dụng cho các hộ tiểu thương còn lại.

Việc thanh toán trực tuyến mang lại thuận tiện, nhanh chóng cho cả người bán và người mua

Theo UBND huyện Hòa Vang, ngoài chợ Túy Loan, huyện đã triển khai Chợ thanh toán không tiền mặt tại chợ Miếu Bông, chợ Lệ Trạch và các chợ hạng 3 tại các xã; tổ chức mô hình mỗi xã một khu vực, một tuyến đường thương mại thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay, các xã đã phối hợp với 8 ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông mở hơn 2.000 tài khoản và được in mã QR Code cho người buôn bán.

UBND huyện đã đầu tư hệ thống Internet cáp quang phục vụ miễn phí tại chợ với 7 đường truyền wifi tốc độ cao, góp phần thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số tại chợ, trong đó có giao dịch, thanh toán điện tử, thanh toán số giữa hộ tiểu thương và người dân.

Lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang chia sẻ, việc ra mắt mô hình Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện giúp đa dạng hóa phương thức thanh toán, thực hiện các giao dịch một cách tiện lợi và nhanh chóng. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của TP Đà Nẵng.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV