- Tôi đã làm vụ trưởng, tôi chỉ cần 2 vụ phó thôi nhưng ông thủ trưởng của tôi nói tôi phải cần 4 vụ phó - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền trao đổi nghịch lý khó tăng lương vì bộ máy cồng kềnh.
Trao đổi bên lề phiên họp QH, ông Nguyễn Đình Quyền dẫn ngay thực tiễn của mình làm chứng.
Ông kể khi còn làm chuyên viên, công việc 1 tuần ông làm 2 ngày là hết, thời gian còn lại ông dành đi học ngoại ngữ, nghiên cứu. Lúc lên vụ phó, công việc 1 tuần ông làm 3 ngày là hết.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền |
“Tức định biên của mình không rõ nên những người có năng lực dư sức làm, vừa làm vừa chơi được nhưng khổ nỗi chúng ta không có cơ chế gì khuyến khích người ta làm. Người ta dư sức làm việc của 2 anh vụ phó, của cả 3 anh chuyên viên mà mình không có cơ chế gì để khuyến khích. Thậm chí người ta làm nhiều càng va chạm, khi bỏ phiếu, bình bầu lại mất phiếu” - ông nói.
Kéo theo đó là nghịch lý người được việc lương cũng như người vô tích sự. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ ra thực trạng chỉ có khoảng 60% làm được việc, còn lại có thể thải 40%.
Không ít ý kiến tại QH đề cập đến tình trạng tăng lương khó do bộ máy cồng kềnh, càng tinh giản biên chế càng phình to?
Theo quy trình hiện nay, tinh giản biên chế không dễ dàng chút nào cả. Tôi đã làm vụ trưởng, tôi chỉ cần 2 vụ phó thôi nhưng ông thủ trưởng của tôi nói tôi phải cần 4 vụ phó. Tôi chưa cần lấy thêm người, ông thủ trưởng tôi đã bảo phải lấy thêm…
Tức người đứng đầu của đơn vị không có thẩm quyền trong việc quyết định số lượng cán bộ, muốn tăng, muốn giảm thì phải ông trên nữa, trên nữa. Tính tự chủ của mỗi đơn vị, cơ quan bị chi phối rất nhiều. Trong khi đó muốn tinh giản thì tính tự chủ phải đi đôi với tính tự chịu trách nhiệm.
Theo ông, muốn tinh giản biên chế để cải thiện tiền lương phải làm gì?
Chúng ta cần cải cách theo định biên. Nghĩa là mỗi vị trí công tác phải xác định là công việc như thế nào, cần bao nhiêu người làm.
Đã có một số ngành định biên được như kiểm sát viên, điều tra viên định biên trong một tháng người ta xử bao nhiêu số vụ thành con số để tính biên chế. Còn lại nhìn chung chưa định biên được. Chưa định biên được là giảm biên chế rất khó khăn.
Phải có bàn tay nào đó rất mạnh mẽ. Có lần tôi nói: “Tôi làm chủ nhiệm VPQH, tôi có thể thải được 40% ra khỏi bộ máy, nếu cho phép tôi toàn quyền”.
Quan trọng nhất phải tính được định biên. Đặc biệt giao quyền tự chủ cho người đứng đầu như bộ trưởng, vụ trưởng cho người ta quyền và phạm vi trách nhiệm người ta hoàn toàn làm được.
QH phải tính toán kỹ lắm lắm mới quyết định tăng 5% lương dù rất nhiều ý kiến muốn tăng hơn nữa. Nhưng vẫn có ý kiến lo ngại không đủ bù trượt giá?
Tăng lương 5% chỉ bù một phần nào đó của trượt giá. Nói về lương có rất nhiều câu chuyện phải xem xét lại.
Tôi ngạc nhiên tại sao các tập đoàn kinh tế lương hàng mấy chục triệu như vậy. Bởi vì địa tô chênh lệch đó không phải anh ta tạo ra mà do cán bộ nhà nước và ngân sách nhà nước đầu tư tạo nên. Chẳng hạn nhà nước đầu tư các dự án thủy điện, nhiệt điện tỷ tỷ đồng nhưng khi bắt đầu kinh doanh tạo ra địa tô chênh lệch 1, địa tô chênh lệch 2 thì ngành anh hưởng. Như vậy vô cùng bất hợp lý.
Hai ông tài năng chưa biết ông nào hơn ông nào nhưng một ông vào bộ máy nhà nước, lương thứ trưởng khoảng 14 triệu đồng còn một ông vào tập đoàn kinh tế được hưởng lương 50 triệu đến 70 triệu đồng.
Trong bộ máy nhà nước đúng là chúng ta đang trả lương cho một bộ phận không làm được tích sự gì, nuôi “báo cô” nhưng đồng thời chúng ta cũng có tội với những người làm được việc. Hiện nay chúng ta đang cào bằng như thế.
Nhà nước phải tính, nếu không sẽ ngày càng triệt tiêu động lực phát triển. Người có năng lực đến một lúc nào đó sẽ oải, buông xuôi thì bộ máy sẽ trì trệ.
Thu Hằng ghi