- 6 tuổi, tự biết xúc cơm ăn, biết tự tắm, tự bỏ rác vào đúng cái thùng phân loại rác, và còn hơn thế nữa…
Thằng cháu tôi, mới 6 tuổi tiếng Việt bập bõm (tất nhiên tiếng Anh mẹ đẻ thì lưu loát rồi) mà biết "tự lực cánh sinh" theo đúng nghĩa của nó. Nó tự biết xúc cơm ăn, biết tự tắm, biết tự ngăn nắp đồ chơi và sách vở, còn hơn thế nữa, biết tự bỏ rác vào đúng cái thùng phân loại rác. Còn 1 chuyện nữa, nó không biết sợ ma.
Tôi nhiều lúc cứ tự hỏi, điều gì làm nên 1 con người như vậy?! Ah, đơn giản thôi. Nó đi học, cô giáo của nó dạy dỗ hết, gia đình dạy dỗ thêm 1 phần. Nó bảo, ở trường cô giáo mở youtube cho nó xem ở bên Phi Châu con nít nó khổ vì thiếu ăn như thế nào, những nước đang phát triển trẻ con không được đi học, phải lấy than đen vẽ xuống đất mà tập viết. Cái đó làm nó sợ, nó sợ một ngày nào đó nó sẽ bị rơi vào hoàn cảnh tương tự, nó sợ cái cảm giác thiếu thốn, nó sợ bị đói. Và nó đã biết trân trọng thức ăn và từng món ăn nó đang có.
Ảnh minh họa |
Mỗi nhà ở Mỹ thường có 3 cái thùng rác, mỗi cái phân biệt công năng qua cách phân biệt màu sắc: Xanh lá cây dùng để đựng rác hữu cơ từ cây cối, cỏ,... Màu xanh dương dùng đựng những thứ có thể tái chế như nhựa, thuỷ tinh, lon nhôm, giấy ... Cái thùng xám còn lại chứa đựng rác thông dụng mỗi ngày mà không biết phân vào đâu. Thế đấy, vậy mà ở trường nó được cô giáo dặn dò rất kỹ lưỡng với 1 sự giải thích nhẹn nhàng: phân loại rác như vậy để có tiền đóng tiền học.
Bọn trẻ con thừa hiểu cha mẹ nó không phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền đóng tiền học cho nó cho tới khi nó học xong trung học, vì đơn giản chính phủ Mỹ đã kiện toàn mọi chi phí đó. Thế nhưng cô giáo lại dạy rằng, con chỉ mất công 1 chút phân loại rác ngay từ đầu, chính phủ sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền vì không phải thuê mướn người, máy móc phân loại.
Rác được tái chế sẽ có tiền và tiền từ việc tiết kiệm, từ việc tái chế sẽ tạo được ngân quỹ để trả tiền học, tiền sách vở cho bọn trẻ. Tiền rác hữu cơ sẽ được quay lại để trồng trọt có trái ngon mà ăn,.... Và những công viên hiện đại miễn phí cũng từ những đồng tiền mà chúng tiết kiệm, trân trọng từ những việc nhỏ nhất mà ra.Và tụi nhỏ cũng học được sự tự trọng từ đó mà ra !! Thế thôi.
Câu chuyện này thường được tôi chia sẻ trên những chuyến du lịch tôi thường dẫn dắt ở Mỹ, khách tôi thích lắm vì nó chí tình chí lý. Và tôi còn khẳng định đó chỉ là 1 điều nhỏ góp phần vào sự thành công của nước Mỹ, hình thành 1 đặc tính rất Mỹ của dân Mỹ để tự hào là cường quốc số 1 thế giới.
Thật đúng vậy khi rất nhiều vị khách sau khi nghe tôi kể xong lại thở dài ngao ngán vì nhìn những bọn trẻ ở quê nhà đi học chính quy thì được nhồi nhét những lớp đạo đức "không giống ai" mà kém thực tiễn. Chẳng dám so sánh thiển cận vì quê mình còn nghèo, còn chưa thực sự phát triển nhưng khi tôi dám khẳng định, nghèo tiền nghèo bạc còn có khả năng làm ra được nhưng một khi đã nghèo tư cách, nghèo đạo đức thì bao lâu nữa xã hội mới hướng được đến văn minh, đến sự chu toàn cho cuộc sống.
Tôi đang thở dài ngao ngán khi đọc những dòng tin về Vũng Áng, về miền Tây khô hạn,... với mong ước đơn giản thôi: biển sạch có cá mà ăn, miền Tây dư lúa gạo đến mức phải xuất khẩu,.. để ngày nào đó không phải phụ thuộc vào thực phẩm nhập bẩn từ lân bang. Xin ai đó học được 2 từ giản đơn: TỰ TRỌNG.
Tommy Vũ Phạm (Từ California, Mỹ)