Liệu bạn có gọi công an khi thấy một ông bố đánh con? Có phản đối khi thấy hàng xóm cho con ăn đòn? Có nhận ra mình sai ở đâu khi ai đó can thiệp vào cách ta dạy con?
Chuyện không mới vì đây không phải lần đầu xảy ra, nhưng câu chuyện được nói đến nhiều bởi người liên quan là doanh nhân, là Uỷ viên Hội đồng nhân dân, và cách mà sân golf nơi xảy ra vụ việc đã không xử lý một cách nghiêm túc từ đầu.
Nguồn gốc của vụ việc lần này, cũng như nhiều việc khác trên các sân golf ở Việt Nam, từ chuyện hành hung caddy, gây gổ với người chơi cho đến nhiều thói xấu khác, đặc biệt là chuyện cờ bạc, cá độ trên sân golf,… quả nhiên là ngày một phổ biến hơn. Thậm chí, đã trở thành một thứ nhiều người chơi nghiễm nhiên coi là một phần của môn thể thao này.
Golf bắt đầu ở Việt Nam khoảng phần tư thế kỷ nay, với cộng đồng chơi golf đầu tiên chủ yếu là những người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, rồi một số ít người Việt cũng tham gia, chủ yếu là các doanh nhân và viên chức ngoại giao, đối ngoại.
Khi kinh tế khá lên, sân golf vì thế cũng nhiều lên, và ngày càng nhiều người Việt Nam chơi môn thể thao này khi có điều kiện kinh tế tốt hơn. Nhiều người nghĩ golf là “môn thể thao quý tộc” và chơi golf như một thứ trang sức, bên cạnh nhà mới, xe sang, ăn tốn hút đắt…
Golf quả thực là môn thể thao phức tạp và thú vị. Bởi sự phức tạp của nó, khiến nhiều người nghĩ nó là môn chơi “quý tộc”. Môn thể thao lâu đời này đòi hỏi nhiều điều kiện để có thể chơi được, trong đó quan trọng nhất là một diện tích đất lớn để xây dựng sân golf.
Ở rất nhiều quốc gia, việc cho phép sử dụng đất công để xây sân golf cho cộng đồng và hầu như không tính giá thành đất, khiến chi phí chơi golf rất rẻ, nhưng ở Việt Nam, chi phí cho đất đai khiến giá thành xây dựng sân đắt đỏ hơn.
Hơn thế, các chủ đầu tư sân golf ở Việt Nam, như nhiều người đầu tư sân golf ở châu Á, hướng đến việc bán bất động sản ở sân golf như là thu nhập chính của một dự án sân golf mới, nên thường đầu tư cho sân golf ở mức cao về cảnh quan và chất lượng sân, như một cách để nâng giá trị bất động sản.
Nhưng điều hấp dẫn nhất và làm nên sự thú vị của golf chính là luật lệ chặt chẽ của môn golf. Điều này chi phối hầu như mọi hành vi của người chơi không chỉ trong cuộc chơi trên sân, hướng dẫn và quy định ứng xử của người chơi trong mọi cuộc chơi, và thật sự dành nhiều không gian cho người chơi tự quyết định liệu mình nên xử sự thế nào cho đúng.
Nếu trong các môn thể thao khác, luật lệ dành nhiều chỗ để trọng tài quyết định một người chơi có đúng luật hay không, thì luật golf chủ yếu để hướng dẫn người chơi “hành động chính trực” và “tôn trọng, quan tâm những người khác” và “trân trọng và chăm sóc sân golf” (Luật 1.2a).
Đối với golf, người chơi sẽ phải tự mình biết và áp dụng luật cho cuộc chơi của mình, trong đó bao gồm cả việc tự phạt mình, và làm việc đó một cách chính trực. Đối với bạn chơi, luật golf cũng đòi hỏi họ tôn trọng hiểu biết, tôn trọng sự chính trực và tuyên bố của bạn chơi… Chính những điều này khiến golf được nhiều người coi là môn thể thao quý tộc, đặc biệt bởi những đòi hỏi về sự chính trực và hành xử văn minh ở người chơi. Đã có những thời gian, người chơi golf ở Việt Nam có được những phẩm chất như vậy, và được trân trọng bởi những phẩm chất ấy.
Hành xử chính trực
Hành xử chính trực của một người chơi golf sẽ cần phải dựa trước hết vào sự hiểu biết và tôn trọng luật chơi để hành xử đúng mực và đúng luật. Một người chơi golf văn minh sẽ hiểu mình cần làm gì, và nếu cần, tham khảo ai khi không chắn chắn về cách xử sự đúng đắn trong cuộc chơi.
Hơn thế, một người chơi golf văn minh sẽ không tự biến mình thành trọng tài hay giám sát cuộc chơi của bạn cùng chơi, bởi anh/chị ta hiểu rằng, bạn chơi của mình là người hiểu biết và chính trực, bởi luật golf đã đòi hỏi anh/chị ta thừa nhận và trân trọng như vậy.
Đòi hỏi về sự quan tâm đến người khác của luật golf sẽ khiến mỗi người chơi không chỉ trân trọng bạn cùng chơi, mà cả những người khác trên sân, từ nhóm chơi phía trước hay phía sau mình, những nhóm chơi khác trên sân, mà còn các caddy, những người điều hành sân, những người làm việc trong sân golf.
Yêu cầu về sự “tôn trọng, quan tâm đến người khác” đương nhiên đòi hỏi một người chơi giữ nhịp chơi của mình, không chơi quá chậm ảnh hưởng đến người khác, đồng thời không gây nguy hiểm cho những người khác trên sân, tuân thủ rất nhiều quy định và quy tắc về hành xử, đi lại, chỗ đứng,…trong cuộc chơi để đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác. Tuân thủ những đòi hỏi như vậy không chỉ làm cho cuộc chơi của mình và bạn chơi trở nên thú vị, mà còn giúp người chơi tạo lập thói quen tuân thủ các chuẩn mực văn minh được thừa nhận rộng rãi, mà nhờ thế, họ có được sự trân trọng của một người “chơi môn thể thao quý tộc”.
Một cách thẳng thắn, không có nhiều người Việt chúng ta đang chơi golf theo cách như vậy. Có rất nhiều thứ “khác biệt” trong chân dung một người chơi golf ở Việt Nam có thể kể ra ở đây. Từ chuyện nhỏ nhất, là thói lười nhác khiến đa số người chơi phải dùng xe điện để di chuyển trên sân, trong khi ở nhiều quốc gia khác, người chơi thậm chí sẽ tự vác gậy trong suốt cuộc chơi, và xe điện chỉ dành cho những người có vấn đề về sức khoẻ.
Nhiều người chơi golf ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào caddie trong cuộc chơi, thậm chí quen với việc caddie phải cắm bóng cho họ đánh, lấy bóng từ hố sau cú đẩy bóng trên khu đẩy bóng, hướng dẫn hướng đánh, hướng đẩy bóng,…trong khi vẫn luôn coi caddie là người phục vụ, thậm chí có nghĩa vụ…hầu hạ người chơi.
Nạn cá độ trên sân golf
Nhưng tệ nạn lớn nhất trên sân golf ở Việt Nam chắc chắn là nạn cá độ. Tôi chứng kiến vô vàn cuộc nói chuyện của những người mới tập chơi golf trên các sân tập về những cuộc cá độ cho đến các “luật lệ” cá độ giữa những người chơi golf với nhau.
Nếu như, mọi thứ chỉ dừng lại ở việc một nhóm bạn chơi thách thức nhau trong một cuộc chơi bằng những giải thưởng nho nhỏ thì chắc không sao, nhưng giờ đây, không hiếm những cuộc chơi mà hơn thua được định giá bằng không ít tiền.
Nạn cá độ trong golf đã không chỉ dẫn đến to tiếng, tranh cãi từ chuyện gian hay ngay, chuyện bỏ qua mọi quy định theo luật golf về sự liêm chính và ngay thẳng, mà còn dẫn đến chuyện xô xát, hành hung caddy, cãi vã người điều hành… trở nên phổ biến hơn.
Thật tiếc, là cho đến giờ, lẽ ra những tổ chức, hội golf, hiệp hội golf cần và nên lên tiếng về những “đổi thay” như vậy, thì trên thực tế, những người muốn chơi golf liêm chính, ngay thẳng, không cá độ lại ngày càng trở nên lép vế và là nhóm thiểu số.
Cho nên sẽ không ngạc nhiên nếu những sự kiện như việc một “ông” doanh nhân hành hung caddy ở Đà Nẵng sẽ còn xảy ra, còn lặp lại. Có lẽ, đó cũng là thứ nên được nói đến, để báo động.
Phạm Quang Vinh