Sân chơi duy trì sức hút liên tục qua 16 năm

Ngày 28/10, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA phối hợp với Cục CNTT - Bộ GD&ĐT và Cục An toàn thông tin, Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ TT&TT tổ chức vòng Chung khảo cuộc thi ‘Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN năm 2023’.

Vòng thi này có sự góp mặt của 115 đội sinh viên, gồm 80 đội Việt Nam và 35 đội đến từ 9 nước ASEAN khác. Trong đó, thí sinh các nước ASEAN dự thi online hoàn toàn dưới sự giám sát của Ban tổ chức và Ban giám khảo; còn các đội Việt Nam thi tập trung, làm bài online tại 2 địa điểm là cơ sở Hà Nội của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Công nghệ TP.HCM.

W-chung-khao-sinh-vien-voi-an-toan-thong-tin-1-1.jpg
Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng mong rằng cuộc thi sẽ tiếp tục thổi lên niềm đam mê với lĩnh vực an toàn thông tin và khao khát chinh phục các thử thách mới của các bạn trẻ. (Ảnh: Thảo Anh)

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh, góp phần phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin tại Việt Nam là một định hướng, chủ trương hoạt động quan trọng của Hiệp hội trong suốt những năm vừa qua.

“Qua kết quả thi hôm nay, tôi thấy rằng các em sinh viên đã có sự thích nghi tốt với cách thức thi mới này. VNISA mong muốn cuộc thi sẽ ngày càng thu hút các em sinh viên Việt Nam và các nước ASEAN, là cơ hội để các sinh viên an toàn thông tin trau dồi thêm trình độ nghề nghiệp, học hỏi lẫn nhau và giao lưu giữa thí sinh các nước ASEAN”, ông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.

W-sinh-vien-voi-an-toan-thong-tin-thi-chung-khao-2-1.jpg
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng nêu đề xuất VNISA mở thêm các sân chơi mới cho sinh viên an toàn thông tin.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) nhận định rằng, dù đã trải qua 16 năm nhưng sức hút của cuộc thi ‘Sinh viên với An toàn thông tin’ chưa bao giờ nguội. Đặc biệt, mỗi năm, số lượng đội thi và chất lượng cuộc thi đều tăng lên. Các nội dung thi đã gần tiệm cận với quốc tế. “Đây là nỗ lực của VNISA và các đơn vị phối hợp tổ chức để cuộc thi luôn có tính cập nhật, mới, thực chất và mang lại nhiều giá trị”, ông Trần Quang Hưng đánh giá.

Khẳng định cuộc thi đã có đóng góp lớn vào việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin Việt Nam, đại diện Cục An toàn thông tin cũng gợi mở việc trong năm tới VNISA bên cạnh duy trì cuộc thi này, sẽ mở thêm một số sân chơi mới cho sinh viên. Chẳng hạn như, tổ chức cuộc thi để sinh viên tham gia phát triển ứng dụng, sản phẩm an toàn thông tin.

“Để Việt Nam có thể phát triển thành cường quốc về an toàn thông tin mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, chúng ta phải tự chủ về mặt công nghệ, và để tự chủ về mặt công nghệ thì chúng ta phải có những có sản phẩm Make in Viet Nam của chính người Việt Nam về lĩnh vực an toàn thông tin mạng. Từ đó, chúng ta có thể tự tin chuyển đổi số nhanh hơn và bền vững hơn”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ lý do đề xuất có cuộc thi phát triển sản phẩm an toàn thông tin.

Sinh viên Bách khoa Hà Nội được chọn dự Cyber SEA Game 2023

Năm 2023 là lần đầu tiên cuộc thi ‘Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN’ có sự tham dự của sinh viên cả 10 nước ASEAN. Sau 15 năm tổ chức, cuộc thi năm nay có sự thay đổi về cách thức thi: Tất cả các đội vượt qua vòng khởi động đều được quyền tham gia vòng chung khảo. Và ở vòng Chung khảo, các đội thi được phân loại để tranh giải theo 2 hạng mục: Giải ‘Jeopardy’ và giải ‘Attack- Defend & Jeopardy’. Sự thay đổi này tạo cơ hội để tất cả các đội thi dù mạnh hay yếu đều có cơ hội và mục tiêu phấn đấu phù hợp trong suốt thời gian thi.

W-sinh-vien-voi-an-toan-thong-tin-thi-chung-khao-3.jpg
Các đội thi chung khảo 'Sinh viên với An toàn thông tin năm 2023' tại Hà Nội.

Theo Trưởng Ban giám khảo Vũ Quốc Khánh, trong lần đầu áp dụng phương pháp thi 2 giai đoạn là thi 2 hạng chung kết trong cùng một ngày, 2 pha thi đã tuần tự được tổ chức, pha 1 bắt đầu theo giờ Hà Nội là từ 8 – 12h là vòng thi phân loại theo hình thức vượt thử thách - Jeopardy nhằm xếp hạng phân loại các đội thi và xác định 20 đội đứng đầu xuất sắc phù hợp với quy chế thi; pha 2 diễn ra từ 12h30 và kết thúc vào lúc 17h30, trong đó thị tách biệt và song song 2 vòng chung kết, gồm vòng thi theo hình thức “Tấn công phòng thủ” dành riêng cho 20 đội dẫn đầu; và vòng thi  theo hình thức Jeopardy cho tất cả các đội còn lại với quyền được bảo lưu điểm ở pha 1. Mỗi vòng chung kết sẽ phân loại 20 đội để trao giải thưởng.

W-chung-khao-sinh-vien-voi-an-toan-thong-tin-2-1.jpg
Đại diện Ban giám khảo giám sát vòng chung khảo cuộc thi 'Sinh viên với An toàn thông tin 2023'.

Kết thúc pha thi thứ nhất, Ban giám khảo đã xác định được Top 20 đội xuất sắc vào giai đoạn 2 của vòng thi “Tấn công và phòng thủ”, với đội dẫn đầu là Nu_RobinHust đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội.

W-sinh-vien-voi-an-toan-thong-tin-thi-chung-khao-1-1.jpg
Đội KMA.Galacticos-4869 của Học viện Kỹ thuật Mật mã nhận giải Nhất nội dung thi "Vượt qua thử thách".

Trong phần thi thứ 2, Ban giám khảo đã chọn được các đội đoạt giải cao nội dung "Vượt qua thử thách". Cụ thể, giải Nhất đã thuộc về đội KMA.Galacticos-4869 đến từ cơ sở Hà Nội của Học viện Kỹ thuật Mật mã. Ngoài giải Nhất, Ban tổ chức cũng đã trao 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 11 giải Khuyến khích cho các đội thi xuất sắc trong phần thi chung kết nội dung này.

Tuy nhiên, do xảy ra lỗi kỹ thuật bất khả kháng, phần thi chung kết nội dung “Tấn công và phòng thủ” đã không thể hoàn thành. Ban tổ chức đã quyết định chuyển phần tranh tài giữa 20 đội xuất sắc nhất vòng chung khảo sáng ngày 11/11 tới. Giải thưởng chung cuộc với nội dung thi này sẽ được trao vào ngày 30/11, trong khuôn khổ sự kiện “Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2023”.

Đặc biệt, được sự thống nhất của Cục An toàn thông tin, VNISA đã đề xuất cử đội Nu_RobinHust của Đại học Bách khoa Hà Nội đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Cyber SEA Game 2023 diễn ra đầu tháng 11. Đây là cuộc thi về kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin dành cho các đối tượng trẻ (gồm sinh viên và kỹ sư) từ 15 - 29 tuổi của các nước ASEAN, với sự hợp tác tài trợ của Nhật Bản.