- Bố tôi ở quê có cho bác hàng xóm vay số tiền 50 triệu đồng với lí do cần sửa nhà, khi vay chỉ có hai bên và có giấy vay nợ đầy đủ chữ kí (không có bên thứ ba chứng kiến).
Vừa rồi, bác hàng xóm bị tai nạn giao thông không qua khỏi. Gia đình tôi dù rất thông cảm nhưng do có việc cần dùng đến tiền nên mang giấy sang nhà bác đó đòi nợ. Không ngờ, vợ và các con của bác (đã trưởng thành và lập gia đình) từ chối trả nợ, với lí do không phải người vay, không có trách nhiệm trả.
Bố tôi rất buồn, không biết nên làm thế nào. Xin hỏi luật sư gia đình tôi có thể đòi lại được tiền của mình không? Nếu họ không chịu trả thì chúng tôi phải đến cơ quan nào nhờ sự giúp đỡ?
Bố tôi muốn đòi nợ nhưng gia đình họ không chịu trả (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, về hợp đồng vay tài sản:
Theo điều 471 Bộ luật dân sự, Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Điều 401 Bộ luật dân sự 2005:
“1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Như vậy, giấy vay tiền được lập giữa bạn và bên vay là phù hợp quy định của pháp luật về hình thức.
Việc bố bạn và người hàng xóm viết giấy vay tiền được xem như giữa hai bên đã giao kết hợp đồng vay tài sản và theo đó, phát sinh các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người vay không trả nợ theo đúng thời hạn đã thỏa thuận thì bạn có quyền yêu cầu bên vay thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ này. Nếu bên vay cố tình không thực hiện nghĩa vụ thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xét xử, bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ hai, về khoản nợ khi người vay mất.
Theo Điều 637 Bộ luật Dân sự 2005 quy định vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp di sản chưa được chia, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.
3. Trong trường hợp di sản đã được chia, mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.
Theo quy định nêu trên, khi người vay tiền bạn đã chết thì nghĩa vụ trả nợ cho bạn sẽ do những người thừa kế của người này thực hiện, bao gồm: người thừa kế theo di chúc (nếu người vay tiền bạn để lại di chúc); người thừa kế theo pháp luật.
Do đó, để đòi lại số tiền đã cho vay, bạn có thể yêu cầu những người thừa kế của người vay tiền đã chết (ví dụ như: chồng, các con, cha mẹ đẻ…) thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bạn. Tuy nhiên, những người này chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp có thoả thuận khác (khoản 1 điều 637 Bộ luật Dân sự 2005).
Ngoài ra, nếu những người thừa kế của người bạn đã chết không thực hiện nghĩa vụ của họ đối với bạn mà pháp luật đã quy định, trong thời hạn ba năm kể từ thời điểm mở thừa kế, bạn có thể khởi kiện để yêu cầu những người thừa kế này thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại (Điều 645)
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc