Biến thể Delta làm thế giới chao đảo

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 12 năm ngoái. Nó đã nhanh chóng phát tán khắp quốc gia Nam Á, Anh trước khi đến Mỹ và lây lan tới gần 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Biến thể Delta được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể virus, tạo nên các đợt sóng trào trên khắp thế giới, từ các thành phố đông người từ châu Á đến châu Phi hay Nam Mỹ. Cái giá phải trả của nhân loại với chủng Delta vẫn chưa tính toán được.

Các đợt dịch bùng phát ở Đông Nam Á khiến các nhà máy sản xuất và mạng lưới hậu cần phải tạm thời đóng cửa, các chuỗi cung ứng gián đoạn.

Chỉ số sản xuất của Trung Quốc trong tháng 8 đã rơi xuống mức suy thoái lần đầu tiên trong gần 1 năm rưỡi qua. Các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chứng kiến hoạt động sản xuất đóng băng vì thiếu chip điện tử và tình trạng đóng cửa nhà máy.

Các trung tâm sản xuất ở châu Á bị đình trệ sẽ là yếu tố cốt lõi gây ra tình trạng suy thoái thương mại toàn cầu trong giai đoạn nửa cuối năm 2021.

Biến chủng Delta dồn nhiều quốc gia vào chân tường và đe doạ xoá sạch thành tích chống đại dịch của các quốc gia khác trong những đợt bùng phát trước đây.

Delta tấn công Việt Nam

Kể từ khi làn sóng dịch bệnh thứ tư xuất hiện cuối tháng 4 với virus chủng mới Delta lây lan nhanh, các biện pháp và kinh nghiệm chống dịch cũ từng giúp Việt Nam được thế giới ghi nhận đã trở nên không hiệu quả, không theo kịp sự tiến triển của dịch bệnh. Đến 23/63 tỉnh thành trên cả nước đã phải thực hiện Chỉ thị 16, đa số còn lại theo Chỉ thị 15.

{keywords}
Quét mã QR tại TP.HCM

Ở TP.HCM, cho đến khi dịch bùng phát, số người nhiễm và nghi nhiễm lớn đến mức không còn có thể đưa vào cơ sở thu dung, gây quá tải bệnh viện, và làm hỏng cách tiếp cận dự phòng truyền thống “khoanh vùng, cách ly, truy vết”.

Tính đến ngày 30/9, TP.HCM đã trải qua hơn 120 ngày giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau. Hơn 1 tháng áp dụng Chỉ thị 15 nhưng dịch lây lan mạnh, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 từ hôm 9/7 với nhiều mức độ tăng cường theo từng giai đoạn. Không chỉ TP.HCM, một số tỉnh phía Nam khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trong diễn biến ngặt nghèo đó, chiến lược chữa bệnh mới, mang tính bước ngoặt về tư duy và hành động ra đời và đi vào thực tiễn. 

Chuyển từ phòng thủ sang tấn công

Trước hết phải nhắc lại công thức phòng chống dịch mang tính bước ngoặt: 5K + vắc xin, thuốc + công nghệ + ý thức người dân. Xác định vắc xin là căn cơ để chống dịch, trực tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chủ động tiếp cận bằng nhiều hình thức để có được nguồn vắc xin cho Việt Nam.

Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhanh chóng thành lập Tổ công tác về ngoại giao vắc xin. Với mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan phối hợp triển khai quyết liệt nhiệm vụ này. Qua đó, Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn vắc xin của các nước, các tổ chức quốc tế.

Tổ công tác, với những cán bộ ngoại giao giàu kinh nghiệm quốc tế, đã tích cực xúc tiến, vận động viện trợ vắc xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế. Vắc xin từ Covax, từ Mỹ, EU, Nhật Bản… đã chảy về đất nước.

Hiệu quả của hoạt động ngoại giao vắc xin là rất ấn tượng. Việt Nam đã tiếp cận khoảng gần 60 triệu liều vắc xin các loại khác nhau gồm AstraZeneca, Moderna, Vero Cell, Pfizer, Sputnik V, Abdala; Đến nay đã phân bổ khoảng hơn 56 triệu liều, trong đó hơn 43,8 triệu liều đã được tiêm chủng.

Việt Nam cũng có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều đến tháng 6/2022.

{keywords}
Việt Nam đã phân bổ hơn 56 triệu liều vắc xin, trong đó hơn 43,8 triệu liều đã được tiêm 

Từ nước đứng cuối bảng xếp hạng thế giới về tỉ lệ tiêm vắc xin vào đầu năm 2021, đến nay Việt Nam đã gần đạt mức trung bình của thế giới. 

Phong tỏa ở đơn vị nhỏ nhất

TP.HCM, sau hai lần giãn cách theo Chỉ thị 15 hồi tháng 5 không thành, virus đã lây lan mạnh và sâu, đã phải siết chặt, tăng cường phong tỏa nghiêm ngặt.

Việc phong tỏa diện rộng làm giảm tốc độ lây lan nhưng không chặn được dịch vì tỉ lệ lây nhiễm của biến thể Delta quá lớn, và gây ra hệ quả là thành phố bị đóng băng, hầu hết các hoạt động thiết yếu gặp khó khăn.

Trước tình thế trên, chỉ đạo phong toả với phạm vi nhỏ nhất có thể; xây dựng hệ thống trực tuyến tư vấn khám chữa bệnh, hệ thống kiểm tra giám sát thực thi tới tận cơ sở quận huyện và xã phường… là bước chuyển rất then chốt.

Phong tỏa diện hẹp giúp kiểm soát chặt chẽ hơn tránh tình trạng chặt ngoài lỏng trong, giúp hỗ trợ người dân tốt hơn, giúp những địa bàn lân cận không bị đông cứng, giúp cuộc sống diễn ra bình thường ở những khu vực không bị phong tỏa. 

Chia nhỏ cũng giúp cho việc xét nghiệm nhanh chóng và hiệu quả. Xét nghiệm toàn dân một tổ dân phố thì khâu tổ chức đơn giản hơn rất nhiều xét nghiệm một thành phố.

Và chia nhỏ ra để tác chiến phù hợp với tính cách, văn hóa, thói quen người Việt Nam nên mang lại hiệu quả cao.

Kinh nghiệm phong tỏa mức hẹp nhất đã được áp dụng ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hà Nam và đã kiểm soát được sớm dịch bệnh, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội.

Tầm soát nhanh hơn tốc độ lây lan

Ở 3 đợt dịch trước, quyết định giãn cách xã hội làm mức độ lây lan giảm mạnh, Hà Nội chỉ cần 3 tuần giãn cách là đã hoàn toàn kiểm soát được dịch. Nhưng ở đợt dịch thứ tư, TP.HCM áp dụng liên tiếp các biện pháp giãn cách kéo dài cả tháng song dịch vẫn tiếp tục lây lan và diễn biến phức tạp.

{keywords}
Người dân miền Tây giơ giấy chứng nhận test nhanh chiều 1/10 tại chốt kiểm soát cửa ngõ quốc lộ 1, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh để về quê sau khi TP.HCM nới lỏng việc đi lại. Ảnh: Thanh Tùng

Trước tình thế đó, ngoài giãn cách, giãn cách tăng cường, cần có biện pháp bổ trợ, đó là tầm soát diện rộng để nắm được diễn biến dịch bệnh, để ứng phó với các khu vực lây nhiễm diện rộng, và tách F0 ra khỏi cộng đồng với những vùng dịch có số ca mắc chưa cao.

Các chỉ đạo xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan; giãn cách xã hội phải đi liền với xét nghiệm nhanh để sớm kiểm soát dịch, tăng cường xét nghiệm để sàng lọc bệnh nhân… đã mang lại những kết quả rõ rệt trong công tác phòng chống dịch bệnh và giúp an dân.

Tại cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 11/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng nếu không xét nghiệm diện rộng, Hà Nội đã có thể có hàng trăm nghìn ca nhiễm trong thời gian qua.

Chiến thuật cơ động, đưa y tế đến gần dân

Sau những bối rối ban đầu ở TP.HCM, hàng loạt các biện pháp chữa bệnh khác như thiết lập các trung tâm y tế cơ động tại xã phường, huy động lực lượng quân đội, công an hỗ trợ… đã được triển khai, giúp người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, giúp cho rất nhiều người nhiễm virus ở nhà khỏi bệnh và tránh cho y tế tuyến trên quá tải.

TP.HCM lập gần 400 trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc, hướng dẫn F0 tại nhà. Việc này không những giảm tải lớn cho các tầng điều trị bên trên mà còn làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Điểm cốt tử của các trạm y tế cơ động này là linh hoạt, hết nhiệm vụ chỗ này lại chuyển ngay sang chỗ khác. Người dân nhiều nơi được tiếp cận gần với dịch vụ y tế ngay cạnh gia đình mình.

Sau hơn 3 tháng, số ca tử vong ở TP.HCM đã lần đầu tiên xuống 2 con số, trong khi Hà Nội - với tỷ lệ tiêm gần 95% dân số trên 18 tuổi - đã qua giai đoạn khó khăn nhất hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 mà không bị bùng dịch.

Từ kinh nghiệm này, ngày 21/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Quyết định 4042/QĐ BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19. 

Theo đó, trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

Dứt khoát bước vào giai đoạn thích ứng an toàn

Cho đến nay, gần như toàn bộ 23 tỉnh theo Chỉ thị 16 đã nới lỏng phong tỏa. Cuộc sống đang bước vào giai đoạn hồi sinh.

Ban chỉ đạo quốc gia và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Với độ phủ vắc xin, đủ năng lực y tế, tiếp tục thực hiện 5K thì chúng ta có thể chuyển từ chiến lược zero covid sang chiến lược thích ứng an toàn có điều kiện với virus SARS-CoV-2.

Điều kiện của thích ứng với Covid là nền tảng phủ rộng vắc xin và thuốc điều trị, tăng năng lực y tế để tránh quá tải bệnh viện, tiếp tục các biện pháp 5K.

Cách chống dịch phải theo nguyên tắc quy định thống nhất toàn quốc để tránh lúc đóng, lúc mở; lúc siết, lúc buông; trên nói một đằng, dưới làm một nẻo; tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chặn; một ngõ có F0, cả vùng phong tỏa; “ngăn sông, cấm chợ” vô lối, làm khó doanh nghiệp, làm khổ nhân dân.

Những kinh nghiệm Việt Nam đã trải qua cho thấy chống dịch là việc mới, khó, chưa có tiền lệ, không chỉ trong lĩnh vực y tế, kinh tế - xã hội, cũng như những kinh nghiệm lúc tắt, lúc mở khó lường mà không ít nơi thế giới đã và đang trải qua.

Đã đến lúc ban hành lộ trình, hướng dẫn thích ứng an toàn cho các địa bàn, tổ chức và cá nhân, người nước ngoài dựa trên độ phủ vắc xin, năng lực y tế, các biện pháp phòng chống dịch và tiêm chủng cá nhân, hộ chiếu vắc xin. Bộ Y tế đang dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” cần tính đến kinh nghiệm và các điều kiện trên.

Vũ Minh

Nguyên Phó Thủ tướng: Sức mạnh quốc gia tùy thuộc khả năng chống chọi dịch bệnh

Nguyên Phó Thủ tướng: Sức mạnh quốc gia tùy thuộc khả năng chống chọi dịch bệnh

Sức mạnh của các quốc gia sẽ chuyển dịch mạnh hơn tùy theo khả năng chống chọi và khắc phục hậu quả dịch bệnh gây ra, cũng như năng lực hóa giải hệ lụy của cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.