Australia sẵn sàng cho phá sản một hãng ô tô lớn khi không thể cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu. Còn ở VN, nhờ xóa bỏ độc quyền thị trường viễn thông, giá cước di động đã giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngành độc quyền nên hạn chế cạnh tranh vẫn tồn tại ở VN.

Trong cạnh tranh, phải chấp nhận mất mát

GS Micheal Woods,một chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh từng kể câu chuyện: Tại Australia một hãng ô tô lớn đã không thể trụ được vì không thể cạnh tranh với ô tô nhập khẩu. Khi đó, Chính phủ đã đề nghị hỗ trợ DN đó từ nguồn thuế để duy trì hoạt động vì lợi ích của người lao động, và DN đang nắm giữ nhiều đất đai. Thế nhưng Ủy ban Công bằng cạnh tranh quốc gia đã có ý kiến với Chính phủ để DN đó phá sản.

“Đó là điều bình thường, vì trong cạnh tranh chúng ta phải chấp nhận những thiệt hại, mất mát. Một lượng lớn lao động sẽ mất việc nếu DN phá sản nhưng đó là điều bình thường” - ông Micheal Woods nói.

{keywords}
Thị trường kinh doanh ô tô nhập được cho là thiếu sự cạnh tranh. Ảnh: L.Bằng

Điều bình thường ấy ở Australia lại là điều bất thường ở Việt Nam. Sự khác biệt thể hiện rất rõ ngay trong chính sách về nhập khẩu ô tô của Việt Nam. Để hạn chế nhập siêu, bảo hộ cho thị trường ô tô trong nước, 5 năm trước Thông tư 20 quy định DN nhập ô tô phải có ủy quyền chính hãng đã ra đời. Vì thế, 200 DN đã phải rời bỏ thị trường do các hãng xe ngoại chỉ ủy quyền nhập xe cho một số ít DN Việt, còn lại các DN ngoại đã trực tiếp tham gia vào việc mở các đại lý chính hãng ở VN.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Thông tư 20 không phù hợp với tinh thần của pháp luật cạnh tranh”. Bởi, Thông tư 20 đã phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (có uỷ quyền và không có uỷ quyền), qua đó gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hoá với một lượng doanh nghiệp nhất định, gây hạn chế cạnh tranh.

Không chỉ có Thông tư 20, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM, còn liệt kê hàng loạt dẫn chứng cho thấy nhiều quy định ở VN rất “phản cạnh tranh”.

Chẳng hạn, DN vận tải muốn được kinh doanh phải có từ 20 xe trở lên đối với ở địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, và 10 xe trở lên ở các địa phương còn lại. Trong khi trước đó chỉ cần có 1 xe cũng được quyền gia nhập thị trường và cạnh tranh trên đường.

“Họ lập luận rằng quy định như thế nhằm tận dụng được kinh tế quy mô, năng suất lớn lên, giảm giá, tốt cho người tiêu dùng. Thực ra, lập luận như thế trong kinh tế thị trường hoàn toàn phi lý trong việc cạnh tranh, nâng cao năng suất. Họ không hề lập luận dưới góc độ kinh tế thị trường cạnh tranh”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

TS Nguyễn Đình Cung cũng thẳng thắn chỉ ra việc người Việt có tâm lý “vừa thích thị trường vừa sợ thị trường”. Cho nên cải cách của VN trong nhiều lĩnh vực luôn lưỡng lự, không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường.

"Giờ nếu thả giá điện theo đúng cơ chế thị trường, giá điện sẽ tăng cao hơn mức hiện nay vì điện bây giờ vẫn được trợ giá. Như vậy, người tiêu dùng sẽ lại không muốn. Họ không nhận thức được rằng, nếu thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, về lâu dài sẽ có lợi nhiều hơn là độc quyền", ông Cung chia sẻ.

Đó là lý do mà theo lãnh đạo CIEM, thảo luận nhiều nhưng cải cách trong lĩnh vực điện vẫn rất chậm và đầy rủi ro.

Chống độc quyền, ủng hộ cạnh tranh chỉ có lợi

“Sợ cạnh tranh” chính là một trong những lý do khiến thứ hạng về cạnh tranh của VN mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng ở mức rất thấp. VN xếp thứ 71/140 nền kinh tế về cạnh tranh, thua xa vị trí thứ 9 của Malaysia và thứ 52 của Thái Lan.

{keywords}
Quy định về số lượng xe tối thiểu tham gia vận tải hành khách gây tranh cãi. Ảnh: Nguyễn Thanh

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh: “Muốn có cạnh tranh, thì phải chống được độc quyền”.

Dẫn kinh nghiệm của Australia, bà Lachlan Rosalie, Ủy ban năng suất Australia, chia sẻ: Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Australia cũng từng rơi vào tình trạng kinh tế suy thoái. Vì thế, Australia đã tiến hành rà soát chính sách cạnh tranh lần thứ nhất vào năm 1993. Theo đó, bất kỳ quy định pháp luật nào hạn chế cạnh tranh đều phải vượt qua vòng “kiểm tra hạn chế cạnh tranh vì lợi ích của cộng đồng”.

Ngoài ra, những người ủng hộ những quy định hạn chế cạnh tranh phải chứng minh được rằng việc giữ lại những quy định này là “vì lợi ích của cộng đồng”.

Theo bà Lachlan Rosalie, sau cải cách chính sách cạnh tranh trong thập niên 90, GDP của Australia tăng thêm 2,5%. Người tiêu dùng Australia hiện nay có sự lựa chọn các nhà cung cấp trong một số thị trường như điện, gas, viễn thông,...

Không đâu xa, VN cũng đã có câu chuyện thành công ấn tượng khi xóa bỏ độc quyền thị trường viễn thông. Sự tham gia của hàng loạt các nhà cung cấp mạng di động đã giúp giá cước di động giảm mạnh từ một con số cao ngất ngưởng, điện thoại bàn, điện thoại di động không còn là thứ xa xỉ với người VN.

Tiếc rằng, những câu chuyện như vậy vẫn còn quá ít ỏi để đưa ra làm minh chứng cho lợi ích của chống độc quyền, mở cửa thị trường ở VN.

Lương Bằng