- “Người hưởng lợi gặp những gì bức xúc, khó khăn thì chính sách phải giải quyết được những việc đó thì nó mới đi vào cuộc sống. Chứ còn chúng ta cứ ban hành chính sách chung chung thì không thể nào gỡ được những nhu cầu bức xúc đó cả”…

Phần 1: Nước mặn không phải là kẻ thù của ĐBSCL

VietNamNet giới thiệu phần 2 bàn tròn với GSTS Võ Tòng Xuân và TS Hoàng Quốc Tuấn, những chuyên gia đã có hàng chục năm gắn bó với ĐBSCL.

Chung sống với mặn

Nhà báo Duy Chiến: Sự can thiệp của thiên nhiên, sự thay đổi của thời tiết, khí hậu làm bộc lộ nhiều bất ổn từ trong tổ chức sản xuất. Thưa GS – TS. Võ Tòng Xuân và TS Hoàng Quốc Tuấn, muốn thay đổi để đạt được điều tốt hơn như chúng ta vừa bàn, chúng ta phải bắt đầu từ đâu về giải pháp kỹ thuật, giải pháp chính sách…?

GS - TS. Võ Tòng Xuân : Trước tiên ta phải thấy đây là thiên tai, chúng đến theo từng chu kỳ. Các tài liệu của Mỹ cho thấy hiện tượng El Nino xuất hiện một cách đều đặn. El Nino 2015 – 2016 đặt biệt hơn, nặng hơn trước kia, nặng nhất trong 50 năm qua. El Nino xảy ra với các nước xung quanh xích đạo, nơi thì rất nóng, nơi thì rất lạnh, bão tuyết, mưa lớn. Chẳng hạn trong khi chúng ta đang bị hạn hán thì ở Lousiana, Mitsisipi của Mỹ đang bị mưa lớn và ngập lụt.

Thái Lan bị nặng hơn ta, nhưng họ quen lắm rồi. Cục Hoàng Gia của Thái Lan có 42 máy bay chuyên đi làm mưa nhân tạo và rải phân thuốc. Ít ra thì họ cũng đem lại những cơn mưa quý giá cho những vùng quan trọng đang bị hạn.

Chúng ta không thể tránh được hạn hán. Hạn ở ta còn nguy hơn do ta ở cuối nguồn sông Mekong. Hạn xảy đến thì dòng chảy bớt nước, trên nguồn bị khai thác lấy bớt. Ta ở dưới thiếu nước ngọt nên nước mặn tràn vô sâu.

Chúng ta phải có cái nhìn thật là thực tế, không thể đem nước ngọt về tưới cho vùng mặn, vì nguồn nước không có đủ. Nước ngọt khoan giếng không thể đủ, ngoài ra còn gây nguy cơ sụt lún.

Trước tình trạng này không nên nghĩ tới biện pháp ngăn mặn và ngọt hóa cho các vùng mặn hiện nay.

Không nên tiếc một vụ lúa ở vùng mặn cần phải bớt đi. Chỉ cần làm một vụ cho chắc ăn, có giá trị cao trong mùa mưa. Chúng ta dùng những giống lúa mùa thì có thể có năng suất vừa cao, có giá trị cao. Vụ còn lại chuyển sang nuôi tôm.

Tôi rất mong Nhà nước có hội nghị càng sớm càng tốt chuẩn bị cho những năm tới để đem lại những khả năng có thể tận dụng khai thác tài nguyên ven biển. Sau nữa bố trí thực hiện những công trình phục vụ nuôi tôm và trồng cây ăn trái. Ví dụ vùng ven biển đất giống rất nhiều thì ta trồng cây. Thủy lợi cho vùng cây ăn trái thế nào và cây ăn trái ra sao, ngành thủy lợi phải làm theo đó.

{keywords}
GSTS Võ Tòng Xuân

TS. Hoàng Quốc Tuấn: Tôi khẳng định lại đất mặn ven biển cửa sông ở ĐBSCL là nguồn tài nguyên cực kỳ quý hiếm, trong đó có dư lượng cực kỳ cao. Như GS Xuân nói, chúng ta đưa lúa vụ mưa vào cho sản phẩm cao. Đây là một lợi thế.

Đối với vùng mặn, hiện nay trên thượng nguồn các nước xây dựng rất nhiều công trình thủy lợi cho nên nguồn nước về dưới này ngày càng ít đi. Và do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình xâm nhập mặn cao, và đến sớm hơn. Mức độ xâm nhập sâu hơn và nồng độ mặn cao hơn.

Vấn đề của chúng ta là phải nghiên cứu để xử lý sao đó hiệu quả cao nhất nguồn tài nguyên nước mặn. Và tận dụng nguồn nước mưa dự trữ tại chỗ như xưa kia đã làm để kéo dài thời gian an toàn. Thời gian mưa và thời gian khô đều có thể tận dụng làm được. Khai thác lợi thế này chúng ta có cùng lúc hai sản phẩm tôm và lúa. Riêng lúa đặc sản chất lượng cao hiện nay cung không đủ cầu và góp phần tái cơ cấu gạo VN . Thứ hai nữa vùng ven biển rất phức tạp, có vùng giồng vùng triền và vùng mặn khác nhau, phải căn cứ vào từng vùng chứ không nói chung chung được.

Nông dân Nam Bộ rất nhạy bén và có nhiều kinh nghiệm “chung sống với mặn” để hạn chế tác hại của mặn, khai thác lợi thế. Chúng ta cần nghiên cứu sâu để có giải pháp cho phù hợp

Quan điểm xây dựng thủy lợi của ĐBSCL hiện nay, các tổ chức quốc tế đã nghiên cứu đều khuyên chúng ta, hiện nay các thông số hệ thống thượng lưu sông Mekong đều không chính xác, mức độ chính xác chỉ dưới 50% nên không thể làm cơ sở để chúng ta tính toán công trình dưới này.

Và con sông Mekong là của các quốc gia khác nhau nên lợi ích của từng quốc gia người ta đặt lên hàng đầu. Cho nên việc chia sẽ với hạ lưu cũng không phải đơn giản. Chúng ta phải tìm cách nào chủ động được mà làm. Cho nên theo tôi trước mắt tập trung vào những giải pháp công trình như cải tạo, nâng cấp công trình hiện có đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Còn lại ở những vùng lớn nuôi tôm tập trung như GS Xuân nói thì phải làm vùng riêng. Nuôi tôm phải có quy mô đủ lớn thì mới xây dựng được ao lắng, xử lý nước. Trên cơ sở đó mới tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn. Như vậy mới có thể xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản được.

{keywords}
Người nông dân thẫn thờ trên cánh đồng lúa khô cháy vì hạn hán. Ảnh: Đinh Tuấn

Quy hoạch theo chuỗi giá trị

- Như vậy ngay từ đầu phải có quy hoạch?

TS. Hoàng Quốc Tuấn: Đúng. Nhưng quy hoạch này không phải làm cách tiếp cận từ xưa đến nay mà phải tiếp cận hệ thống theo chuỗi giá trị ngành hàng. Tức là phải biết giống như thế nào, thức ăn như thế nào và hệ thống quản lý môi trường dịch bệnh, tổ chức đầu vào đầu ra ra sao v.v…, từ đó chúng ta mới tạo ra vùng nuôi giống như các quốc gia khác trên thế giới.

Chứ nếu vẫn như hiện nay dựa vào sản xuất nông hộ thì rất khó để tìm được tiếng nói chung. Đây cũng là việc rất là cấp bách. Chúng ta phải gắn giữa quy hoạch phát triển có lợi thế với tổ chức sản xuất, gắn với chính sách phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà với nhau dựa trên đóng góp và quyền lợi của người ta, tạo ra liên kết thật là bền vững. 

Chính sách phải xuất phát từ người hưởng lợi

- Sự khốc liệt của thiên tai giúp chúng ta có thể biến thành cơ hội xoay chuyển tình thế. Có một vấn đề nếu thiếu thì khó thực hiện được, đó là chính sách. TS. Tuấn thử đề xuất một chính sách để thoát khỏi tình trạng bùng nhùng trong chuyển dịch cơ cấu hiện nay?

TS. Hoàng Quốc Tuấn: Chính phủ cũng như các cơ quan Nhà nước đã ban hành chính sách rồi, nhưng hiện nay chúng ta băn khoăn là tại sao chính sách không đi vào cuộc sống được. Đó là điều ta phải quan tâm. Quy phạm về chính sách lẽ ra phải xuất phát từ người hưởng lợi. Người hưởng lợi gặp những gì bức xúc, khó khăn, thì chính sách phải giải quyết được những việc đó, thì nó mới đi vào cuộc sống. Chứ còn chúng ta cứ ban hành chính sách chung chung thì không thể nào gỡ được những nhu cầu bức xúc đó cả.

Ví dụ chính sách cho con tôm thì phải làm rõ đầu tư cho đầm tôm như thế nào, cho vay tín dụng để đầu tư các thiết bị máy sục khí, hệ thống kiểm soát môi trường nước ra sao. Rồi cơ hội để tiếp cận các loại giống chất lượng cao chẳng hạn; kích hoạt sản xuất được những chế phẩm sinh học an toàn với môi trường và hàng loạt chính sách liên quan đến liên kết…

Rõ ràng chính sách phải đi vào cuộc sống như thế chứ không như lâu nay, ví dụ như hỗ trợ cho mỗi ha đất lúa 500 ngàn hay 1 triệu đồng. Thực ra rất nhiều địa phương có nhận tiền đâu . Trên sổ đỏ ghi là lúa nhưng trên đất đang trồng cây ăn trái hoặc nuôi tôm… Những chính sách như vậy không thể đi vào cuộc sống.

Đối với chúng tôi khi đi làm với các tổ chức quốc tế ta thấy chính sách của họ đều hướng về người hưởng lợi. Cho người hưởng lợi tham gia vào cùng đề xuất ra chính sách, như vậy có thực tế để đi vào cuộc sống.

Nói về góc độ chính sách thì rất là rộng, nên bây giờ tôi đề nghị chính sách nên đi theo chuỗi giá trị, tức gắn chuỗi giá trị với chính sách trên cơ sở chính sách chia chế độ trách nhiệm và chia hưởng lợi sao cho các bên có thể chấp nhận được và gắn kết với nhau một cách bền vững.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Liệp thẫn thờ trên 7 công ruộng lúa đang dần chết khô vì nhiễm mặn. Ảnh: Đinh Tuấn

- Chúng ta đã có nhiều bài học về chính sách không đi vào cuộc sống hoặc chính sách chung chung. Chắc hai vị còn nhớ những sự kiện người nông dân ven biển đêm đêm kéo nhau ra phá đê biển cho nước mặn tràn vào để nuôi tôm?

GS – TS. Võ Tòng Xuân: Lúc ấy những người nông dân đó tỏ ra rất sung sướng vì phá được đê.

Không phải chúng ta khuyến khích họ làm như vậy, nhưng rõ ràng chính sách quá chung chung không quan tâm tới lợi ích và nhu cầu SX của người dân vùng ven biển.

TS. Hoàng Quốc Tuấn: Thực tế mô hình nuôi tôm luân canh đã lên tới hàng trăm nghìn ha rồi chứ không phải ít đâu. Ví dụ Cà Mau có khoảng 40.000 ha, Kiên Giang cũng khoảng đó 40.000 ha, Bạc Liêu cũng trên 20.000 ha…

Giai đoạn đó áp lực của con tôm mang lại hiệu quả rất cao so với trồng lúa đã khiến cho nhiều tuyến đê biển ngăn mặn giữ ngọt bị nông dân phá.

(Còn nữa)

  • Tuần Việt Nam

Xem thêm loạt phóng sự về tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL:

Bài 3: Đói khát trên vựa lúa mặn cháy