Có “chữ B” kết thành mạng lưới trạm thu phí, bất chấp sai vị trí vẫn thu đều tiền tỷ. Dù đã có những sự cố 'tiền lẻ' ồn ào phản đối nhưng vẫn quyết không di dời. Lại có “chữ B” kín tiếng nhưng chỉ qua 1 đợt rà soát đã lộ sai phạm ngàn tỷ trên tài nguyên quốc gia.
Tọa lạc ở vị trí đắc địa bên đường Phạm Hùng, bảo tàng Hà Nội hơn 2.000 tỷ được khánh thành dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội. 7 năm đã qua, công trình có vẻ ngoài lộng lẫy ấy vẫn nghèo nàn về hiện vật, xơ cứng phần hồn.
Hơn hết, Bảo tàng Hà Nội cũng từng là biểu tượng thành công của một hình thức đầu tư bắt đầu bằng chữ B - “BT” (đổi đất lấy hạ tầng). Để làm được bảo tàng hoành tráng này, Hà Nội đã cho một nhà đầu tư bỏ tiền làm. Đổi lại, nhà đầu tư ấy được hưởng hơn 50.000m2 đất đắc địa tại khu vực 'hot' nhất của Hà Nội hiện nay.
BT - nôm na là hình thức “hàng đổi hàng”, tức nhà đầu tư xây cho nhà nước một công trình, khi hoàn thành sẽ chuyển giao lại cho Nhà nước. Đổi lại, nhà đầu tư được nhận một phần đất khác.
Bảo tàng Hà Nội được xây dựng theo hình thức đầu tư BT |
Chỉ tính riêng Hà Nội, gần 10 năm qua đã có hàng chục công trình tiến hành theo hình thức này như Bảo tàng Hà Nội, Cung trí thức, đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Lê Trọng Tấn, Nhà máy nước Yên Sở, đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ,...
“Tuần trăng mật” của việc đổi đất lấy hạ tầng từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng thành phố, nhưng có dự án BT lại biến tướng gây sai phạm ngàn tỷ, lãng phí tài nguyên quốc gia.
Bằng chứng là gần 4.000 tỷ đồng sai phạm đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại 21 dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Chưa kể, rất nhiều mảnh đất đẹp, đắc địa được chia cho nhà đầu tư với mức giá bèo bọt mà nếu đưa ra đấu giá, giá trị có khi còn cao gấp 15-20 lần so với mức giá đưa ra.
Những tưởng đã qua 'tuần trăng mật' sau giai đoạn im ắng vì bất động sản “đóng băng”, 1-2 năm trở lại đây, phong trào làm dự án BT bỗng sôi động hẳn. Và đi kèm với nó là nỗi lo về lỗ hổng ngàn tỷ.
Mới đây, để có 40 tỷ USD làm đường sắt đô thị, Hà Nội cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 thêm 6.000 ha đất để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư tư nhân thực hiện các dự này. Tổng giá trị quỹ đất này theo tính toán của Hà Nội lên tới 300.000 tỷ đồng (15 tỷ USD).
Còn tại TP.HCM, những nhà đầu tư muốn “đổi đất lấy hạ tầng” cũng xuất hiện ngày càng nhiều. 'Chúa đảo' Đào Hồng Tuyển mới đây đã đề xuất làm siêu dự án đại lộ ven sông Sài Gòn với tổng vốn lên tới 63.500 tỷ, sử dụng khoảng gần 12.400 ha đất, bao gồm cả quỹ đất để thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư, tương đương khoảng 5% tổng diện tích TP.HCM.
Cách thức triển khai vẫn kiểu “bình mới rượu cũ”. Nhà đầu tư đề xuất, “vận động” để được chỉ định thầu dự án, không qua đấu thầu. Về quy định, mọi dự án BT đều phải tuân theo quy định của Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Nhưng ngoài những lỗ hổng của Nghị định này, nhiều chuyên gia vẫn sợ nhất là những điều khoản “dưới gầm bàn”. Bởi đàm phán BT như một cái 'hộp kín' và sự chi phối của các nhóm lợi ích có thể làm cho mục tiêu tốt đẹp ban đầu bị biến tướng khác đi.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã đánh giá: Hình thức đầu tư này đang bị méo mó, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa của địa phương.
Xét công bằng, nếu làm đúng, biết đặt lợi ích của nhân dân, nhà nước lên trên hết, thì “cặp đôi hoàn hảo BT, BOT” có thể giúp giảm gánh nặng ngân sách, giảm nợ công. Còn nếu cặp đôi ấy vẫn tồn tại những biến tướng và bất minh thì đất vàng sở hữu toàn dân rồi cũng trở thành tài sản của cá nhân lắm tiền và của những điều khoản “dưới gầm bàn” mà thôi.
Lương Bằng