Thực tế cho thấy, sự cố tràn dầu có thể xảy ra trên mặt đất hoặc mặt nước do các hoạt động vận chuyển, phân phối, dự trữ dầu khí và các sản phẩm từ dầu khí hoặc do hiện tượng rò rỉ dầu từ các phương tiện khai thác thủy sản. Hậu quả sau sự cố tràn dầu không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển, mà còn tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Vì vậy, chủ động ứng phó với sự cố tràn đầu là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm từ nhiều phía. 

anh moi dttd3.jpg
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.

Trong đó ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực cảng, khu khai thác và lưu trữ dầu khí cần nâng cao tính an toàn, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng kế hoạch ứng phó vớí sự cố tràn dầu cụ thể, sát với thực tiễn mỗi đơn vị.

Mới đây, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã tổ chức khóa huấn luyện, diễn tập nghiệp vụ Ứng phó sự cố tràn dầu định kỳ năm 2023. Tình huống diễn tập như sau: tại cầu 2A của Bến cảng Quốc tế Nghi Sơn, tàu chở hàng NA1234 thuộc sở hữu của Công ty CP ABC đang trong quá trình cập cảng, bị sự cố bánh lái mất điều khiển đâm va vào tàu TH678 đang cập cảng làm hàng. Vụ đâm va mạnh khiến tàu hàng TH678 bị bục khoang nhiên liệu, khiến một lượng lớn dầu DO bị tràn xuống dưới chân cầu cảng. Các thuỷ thủ trên tàu hàng nhanh chóng khoá các van nhiên liệu, giảm thiểu lượng dầu thoát ra khỏi tàu, ước tính lượng dầu tràn xuống dưới mặt nước khoảng 5m3. Trong quá trình ứng phó trên tàu, có 1 thuyền viên bị vấp ngã, chấn thương nhẹ.

Đội Ứng phó sự cố tràn dầu của Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn phối hợp với Đội Ứng phó của Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn nhanh chóng có mặt để khắc phục sự cố. Công tác triển khai gồm: Vận chuyển phao, ghép nối và xông phao chống tràn dầu xuống nước; sau đó dùng ca-nô kéo phao quây quanh tàu dầu và vùng nước đã nhiễm dầu. Sử dụng phao quây thấm dầu rải sát mép nước để ngăn dầu tiếp xúc với bờ. Sử dụng máy bơm hút dầu để thu gom dầu tràn vào bồn chứa tạm thời và các bồn dầu trên bờ. Sử dụng các tấm thấm dầu thu gom lượng váng dầu.

Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn chỉ là một trong số rất nhiều đơn vị trên địa bàn Thanh Hóa chủ động ứng phó sự cố tràn dầu. Một số đơn vị có nguy cơ cao như: Cảng biển Nghi Sơn, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Công ty Xăng dầu Thanh Hóa... cũng đều triển khai kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu. Việc xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu định kỳ 6 tháng là yêu cầu bắt buộc. Đây chính là cơ sở để phát huy năng lực cũng như nâng cao kỹ năng cho lực lượng tại chỗ cũng như các lực lượng bên ngoài khi xảy ra sự cố tràn dầu.

Được biết, nhằm chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả đối với sự cố tràn dầu trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, hạn chế và giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về môi trường, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn.

Theo đó, trên cơ sở rà soát, cập nhật, thu thập thông tin tư liệu của Sở Tài nguyên & Môi trường trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, từ các sở, ban, ngành về điều kiện tự nhiên, đặc điểm khí hậu, thuỷ hải văn, các nguồn tài nguyên, phát triển công, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, du lịch…, kế hoạch đánh giá nguồn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tràn dầu của tỉnh. 

Kế hoạch nêu rõ các nguồn tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu như, cảng biển, cảng cá, bến cá, bến sông, khu neo đậu tránh trú bão; sự gia tăng các hoạt động vận tải thuỷ trên sông, trên biển; các kho chứa xăng dầu trên địa bàn; các cơ sở kinh doanh xăng dầu và đặc biệt là Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn có nhiều thiết bị vận hành ở áp suất, nhiệt độ cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu lớn.

Kế hoạch đã xác định, các khu vực có thiết bị tác động và ảnh hưởng từ sự cố tràn dầu trên địa bàn; xác định các loại phương tiện, trang thiết bị, nhân lực ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh và kế hoạch đầu tư.

Để đảm bảo thực thi các công việc đã đề ra, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh; hàng năm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu theo các tình huống giả định; tổ chức thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền về sự cố tràn dầu cho cơ quan quản lý và các cơ sở có khả năng gây ra sự cố; đầu tư mua sắm vật tư trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó…

Phương Thúy và nhóm PV, BTV