Thời gian qua, tình hình tội phạm về mua bán người trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng. Nhiều đường dây phạm tội mua bán người với cái bẫy “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.  

Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, tội phạm mua bán người lợi dụng trình độ dân trí hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn lừa gạt người dân thông qua những lý do như: Giúp tìm việc làm; rủ đi làm ăn, buôn bán… Ðặc biệt, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo làm quen, giả vờ yêu đương, rủ rê các cô gái nhẹ dạ, cả tin, hứa hẹn tìm việc ở bên kia biên giới với mức thu nhập cao, nhưng thực chất là bán sâu vào nội địa, ép làm gái mại dâm hoặc môi giới lấy chồng bất hợp pháp.

Tại tỉnh Điện Biên, huyện Tuần Giáo là địa phương tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người. Hiện, tình trạng mua bán người không còn nhiều nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị chức năng luôn triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ mua bán người, đảm bảo an ninh trật tự, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

W-20240412_151619.jpg
Nhờ tích cực tuyên truyền, người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, xã thường xuyên tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua, bán người. Dù địa bàn chưa ghi nhận trường hợp phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của tội phạm mua, bán người, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bởi 100% hội viên là đồng bào dân tộc Mông, nhận thức, hiểu biết xã hội không nhiều, trong khi mạng xã hội ngày càng phát triển, các thủ đoạn làm quen, dụ dỗ, rủ rê qua mạng hoặc trực tiếp tiếp cận nhằm lừa đảo, đưa người ra khỏi địa bàn với mục đích xấu ngày càng tinh vi. 

Hàng tháng, Hội Phụ nữ phối hợp với Công an xã đi từng bản tuyên truyền lồng ghép, nhấn mạnh các dấu hiệu nhận biết, cảnh giác phòng ngừa bằng những câu chuyện cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ tới chị em.

Phối hợp tuyên truyền về mua bán người là hoạt động thường xuyên được Hội Phụ nữ các cấp chủ động triển khai, không chỉ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới mà khắp các địa bàn. Các cấp hội tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống mua bán người.

Qua các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa cho các hội viên và tích cực tham gia vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về mua bán người.

Bên cạnh đó, các cấp hội trên địa bàn huyện tiếp tục thành lập mới, duy trì, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả các câu lạc bộ, mô hình về phòng, chống mua bán người. Thông qua các hoạt động của mô hình, câu lạc bộ giúp chị em nhận diện được nguy cơ và hành vi phạm tội mua, bán người, nêu cao ý thức cộng đồng tham gia phát hiện, đề phòng.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Tuần Giáo còn triển khai xây dựng mô hình thí điểm Ban phòng, chống mua bán người cấp xã, Tiểu ban phòng, chống mua bán người cấp bản. Đội ngũ tham gia ban và tiểu ban được tập huấn, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phòng, chống mua bán người. Ban và tiểu ban sẽ thường xuyên truyền thông về phòng, chống mua bán người, rà soát người vắng mặt tại địa phương. 

Huyện Tuần Giáo huy động tối đa các loại hình, phương tiện truyền thông để thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người phù hợp với nhận thức của người dân và thực tế địa phương. Cụ thể như: Truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; qua băng rôn, khẩu hiệu, pano, tờ rơi, sổ tay, mạng viễn thông... xây dựng tin, bài phóng sự về nạn mua bán người tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Ngoài ra, huyện phối hợp với tòa án các cấp thực hiện các phiên tòa giả định về mua bán người, cung cấp thông tin gần gũi, dễ hiểu cho người dân. 

Cung cấp các dịch vụ tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về và người đang trong quá trình xác minh, xác định là nạn nhân, đảm bảo kịp thời, dễ tiếp nhận, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của nạn nhân.

Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm: Đồ dùng sinh hoạt cá nhân thiết yếu ban đầu, chỗ ăn, ở an toàn... Dịch vụ tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu, được chuyển tuyến về gia đình và các cơ sở hỗ trợ nạn nhân khác an toàn.

Trường hợp có nạn nhân bị mua bán trở về, ưu tiên học văn hóa, dạy nghề, giải quyết việc làm, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Phối hợp liên ngành thực hiện tốt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý cho nạn nhân bị mua bán và các dịch vụ bảo vệ trẻ em đối với trẻ em bị mua bán.

Huyện cũng chuẩn bị các phương án giúp đỡ và tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán vay vốn từ các chương trình cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình vay vốn khác tại địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn cho người dân về di cư lao động hợp pháp, an toàn và hiệu quả; tập huấn cho cán bộ tại địa phương trong việc hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống lừa đảo việc làm trong nước và ngoài nước. Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc xác minh, điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân không có chức năng, dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Quỳnh Nga