Theo ông Thức, riêng trong năm 2023, cả nước phát hiện tới 16.641 vụ vi phạm môi trường ở nhiều cấp độ khác nhau; trong đó cơ quan chức năng các Bộ ngành và địa phương có liên quan đã phải xử lý 14.873 vụ với tổng số tiền phạt là 282,1 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2022.
Trong khi đó, công tác bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ của các bộ ngành và địa phương trong cả nước tuy có nhiều tiến bộ song vẫn còn những thiệt hại, sự cố không đáng có hoàn toàn có thể khắc phục, phòng ngừa. Cụ thể, chỉ riêng trong tháng 12/2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 628 vụ vi phạm môi trường, trong đó số vụ phải xử lý là 595 vụ với tổng số tiền phạt 17,4 tỷ đồng. Tính cả năm 2023 cả nước đã phát hiện tới 16.641 vụ vi phạm môi trường, không chỉ tăng ở số vụ mà mức độ vi phạm cũng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Quay lại với các nhiệm vụ trong năm 2024 của Cục Kiểm soát môi trường, ông Thức cho biết trước mắt Cục sẽ tham mưu cho Bộ phấn đấu hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường. Cụ thể, trong giai đoạn 2023 – 2025 phấn đấu hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường quốc gia; xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.
Về lâu dài, Việt Nam sẽ phải có những bộ kịch bản, quy trình ứng phó, các tài liệu hướng dẫn và thực hiện việc điều tra, khảo sát, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường cấp quốc gia trên phạm vi cả nước; hoàn thiện hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. Theo đó, Cục đang phấn đấu 100% kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia của các bộ, ngành, địa phương được ban hành trước năm 2025.
Bước sang giai đoạn 2026 – 2030, Cục Kiểm soát môi trường phấn đấu hoàn thành việc nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; 100% cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và năng lực thực hành các giải pháp kỹ thuật.
Cũng theo ông Thức, đối phó với các thảm họa môi trường thì không chỉ ngành môi trường mà cần sự chung tay của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia. Ví dụ, để ứng phó với các sự cố môi trường cấp quốc gia, lực lượng của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương tùy từng sự vụ sẽ đóng vai trò nòng cốt để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ thực tiến, với phương châm: Tại chỗ, kịp thời, hiệu quả.
Ví dụ, công tác quan trắc; sơ tán người dân, tài sản; hỗ trợ y tế ban đầu; ứng phó, khắc phục hậu quả; bảo đảm an ninh trật tự trong các sự cố sẽ cần Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) đóng vai trò nòng cốt điều phối, bảo đảm hoạt động, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay rất nhiều sự cố chất thải có thể biến thành thảm họa quốc gia như cháy rừng, tràn dầu, ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm nguồn nước biển do xả thải của các nhà máy, ô nhiễm không khí...
“Trong ứng phó với các thảm họa môi trường, sự chủ động đóng vai trò quyết định cho sự thắng lợi. Trong đó, công tác dự báo của các trạm quan trắc môi trường của liên Bộ: Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ sẽ phải liên thông phối hợp, chia sẻ dữ liệu và dự báo được các tình huống sự cố môi trường cấp quốc gia. Ví dụ, khi những ngày nắng nóng kéo dài thì hệ thống quan trắc phải dự báo được nguy cơ cháy rừng và phương án ứng phó nếu có sự cố”, ông Thức chia sẻ thêm.