Hội thảo khoa học “Chuyển giao công nghệ, Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0” |
Chiều 11/12, Trung tâm chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển giao công nghệ, Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0”.
Khai mạc hội thảo, ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia cho biết: Những thách thức và cơ hội đặt ra trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã đưa ra cho Việt Nam những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ để đào tạo được nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, khả năng sử dụng công nghệ thông minh chuyên nghiệp, chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của lao động. Hội thảo khoa học về chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được tổ chức với mục đích làm rõ nội dung về vai trò của chuyển giao KHCN, các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và CMCN 4.0.
Khởi nghiệp sáng tạo trong khởi nghiệp số là cơ hội, thách thức cho lớp trẻ Việt Nam
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Liên Việt PostBank), các trường đại học chính là những cái nôi để khởi nghiệp số. Đây cũng là môi trường đào tạo nguồn lực quan trọng nhất để thực hiện cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số. “Khởi nghiệp sáng tạo trong khởi nghiệp số là cơ hội, thách thức cho lớp trẻ Việt Nam”, ông Thắng nói.
Chia sẻ về những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0, ông Thắng cho rằng Việt Nam còn chưa có khung pháp lý cho việc phát triển khởi nghiệp và chưa có chính sách đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng cho điều này. Ông Thắng cũng nêu ra một nhận định nữa về thực trạng tại Việt Nam hiện nay đó là những người trẻ còn thiếu định hướng chiến lược, một bệ đỡ và thiếu khát vọng.
“Chúng tôi mong muốn truyền tải cho các em sinh viên khát vọng vươn lên. Tại sao các nước họ làm được mà chúng ta không làm được trong khi chúng ta không hề thua kém”, ông Thắng nói.
Nói về tiềm năng để khởi nghiệp, Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết: Trong các lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo hiện nay thì Fintech đang có tiềm năng nhất vì đây là lĩnh vực có tác động trực tiếp đến nhiều cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế số…. Cơ hội cho lớp trẻ đi vào các lĩnh vực có thể có tác động mạnh đến chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là một cơ sở để các trường đào tạo cho lĩnh vực Fintech với các kiến thức căn bản nhất.
Ông Nguyễn Đình Thắng cũng chỉ ra 3 yếu tố để một startup thành công kể cả khi còn đang trong trường đại học cần đó là sáng tạo, khả thi và hiệu quả.
Các trường đại học phải thay đổi
Nhìn nhận rõ những thách thức trong cuộc cách mạng mới, ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đặc trưng của một cuộc cách mạng 4.0 đối với một trường đại học gồm các yếu tố: nghiên cứu, số hóa và đổi mới sáng tạo. “Đây được là 3 yếu tố định vị một trường đại học trong CMCN 4.0 trong tương lai”. Do đó, trường đại học phải có định hướng thay đổi triết lý đào tạo, không chỉ đào tạo kỹ năng mà còn phải đào tạo tầm nhìn. "Đầu ra của giáo dục đại học là đổi mới sáng tạo đây là xu thế trong giáo dục hiện nay", ông Đức nói.
Vì lẽ này, các chính sách phát triển trường đại học cũng cần dựa vào các tiêu chí nói trên để thiết kế chương trình đào tạo. Các chương trình đào tạo phải có kiến thức liên ngành, các môn khoa học STEM, CNTT, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, các môn phát triển bền vững.
Ông Đức cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách trong giáo dục đại học trong cuộc CMCN 4.0 trong đó nhấn mạnh đến việc khuyến khích các trường đại học thành lập hệ sinh thái về ICT, đào tạo STEM, hướng đến mục tiêu giáo dục bền vững, nâng cao bình đẳng giới trong tiếp cận kỹ thuật số và khuyến khích học tập suốt đời gắn với các kỹ năng CMCN 4.0.
Các trường cũng cần có chính sách đột phá cho các nhóm nghiên cứu. Đồng thời, nhà trường cần đồng hành với doanh nghiệp. Các trường cần đổi mới tư duy quản trị trong đó người lãnh đạo cần kiến tạo tầm nhìn, nhận thức và phải thích ứng với xu hướng "Uber hóa trong giáo dục". “Các trường đại học không thể đủng đỉnh được nữa”, ông Đức nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong cả chuyển đổi số và đào tạo nhân lực. Ông Thắng cho rằng quan trọng nhất của một cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số đó là vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là trung tâm vì doanh nghiệp số tạo nên một nền kinh tế số, hệ sinh thái, tác động đến chính phủ chuyển đổi số và góp phần tạo nền xã hội số và con người số.
Để làm được điều này thì các Trường đại học cần đổi mới nội dung đào tạo trong đó cần mở thêm các đào tạo công nghệ mới như IoT, Bigdata,..; Phải thay đổi các phương pháp đào tạo, nên tăng thời gian đưa sinh viên về các doanh nghiệp để trải nghiệm thực tiễn mới có thể gia tăng sự tư duy sáng tạo.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Đức, đáp ứng yêu cầu đổi mới, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện đã mở một số chuyên ngành mới như phát triển bền vững, ann ninh phi truyền thống, khoa học dữ liệu, công nghệ nano, an toàn thông tin, Robotic,…Tăng cơ hội cho người học qua bằng kéo, ngành kép, song bằng.
Trường cũng đã đầu tư nhiều phòng học thông minh; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm KHCN; ban hành tiêu chí và công nhận các nhóm nghiên cứu mạnh để hỗ trợ đầu tư nghiên cứu mũi nhọn; Đổi mới hoạt động giảng dạy, tăng cường thực hành đặc biệt là tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình đào tạo.