Chiều 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tổ đại biểu Quốc hội (đơn vị số 10, Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn.

Cử tri đề nghị quản lý chặt từ thiện cá nhân

Nêu ý kiến với tổ đại biểu Quốc hội, cử tri Nguyễn Văn Dũng cho biết, qua đợt lũ lụt miền Trung trước đây, rất nhiều cá nhân đứng ra quyên góp hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng, gặp khó khăn.

{keywords}
Cử tri Nguyễn Văn Dũng

Có nhiều cá nhân quyên góp trên hàng trăm tỷ vào tài khoản của mình, trực tiếp đi trao. Ông nhận định, vấn đề này có lỗ hổng trong pháp luật.

“Hiện nay, có lùm xùm tố cáo trong việc làm từ thiện, công an đang xác minh. Nhưng liệu có làm được hay không? Vì vậy, Chính phủ cần điều chỉnh lại việc này, để đúng mục đích, đúng với tinh thần từ thiện”, ông Dũng để xuất.

Cử tri Thượng tọa Thích Minh Thanh cho biết, vấn đề từ thiện trong mùa dịch vừa qua tại các hội đoàn gần như tê liệt, không biết làm gì dù biết mình có trách nhiệm phải làm. Trong hoàn cảnh mọi người đang khó khăn, mình cũng muốn giúp đỡ nhưng không biết làm sao cho đúng quy định phòng, chống dịch. "Đề nghị Chính phủ có luật rõ ràng, hướng dẫn cụ thể để việc làm từ thiện có hiệu quả nhất", ông Thanh nói.

Cử tri Châu Văn Tuấn (Liên đoàn lao động huyện Hóc Môn) cho hay, thời gian qua, Chính phủ, Nhà nước có nhiều quan tâm đến sự phát triển của DN, người lao động. Hiện nay, hầu hết các DN trên địa bàn huyện đã hoạt động sau thời gian dài nghỉ, nhưng còn gặp khó khăn. Do đó, cần hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho DN giai đoạn đầu, gánh bớt phần nào khó khăn

Theo ông Tuấn, hiện nay công nhân mong mỏi có nơi ở, đáp ứng sinh hoạt tối thiểu, cần triển khai chính sách xây dựng khu lưu trú, nhà ở cho người thu nhập thấp; xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân an tâm sản xuất.

Cử tri Trần Huỳnh Phương Uyên thì đề xuất Quốc hội chỉ đạo triển khai việc tiêm vắc xin cho trẻ càng sớm càng tốt, bảo đảm an toàn cho các em tới trường. Tập trung chăm lo cho trẻ mồ côi, xem xét ban hành chính sách hỗ trợ chăm lo cuộc sống cho các em và cả người bị ảnh hưởng nặng nề với dịch Covid-19.

Cần có chính sách giữ chân người lao động

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm với những mất mát về con người, tổn thất về tài chính, cơ sở vật chất của Hóc Môn, Củ Chi và TP.HCM trong đợt dịch vừa qua.

{keywords}
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Ông nhắc lại, nhiều em bé mất cả cha lẫn mẹ, nhiều gia đình cô đơn, nhiều nhà máy đóng cửa, hàng vạn người dân đã dời thành phố về quê hướng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, miền Trung…

"Hình ảnh hàng nghìn người đi xe máy, có cả trẻ em về quê rất đau xót. Trong đó có phần trách nhiệm của chúng ta", Chủ tịch nước chia sẻ.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, giữ chân người lao động là nhiệm vụ quan trọng, tránh xáo trộn nguồn lao động, không để nguồn lao động đứt gãy dẫn đến không hồi phục được nguồn sản xuất.

Chủ tịch nước đề nghị chính quyền các cấp từ thành phố đến huyện, xã cần tiếp tục lắng nghe người dân, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo… Mặt trận Tổ quốc phải nắm tình hình của người dân để có quyết sách đúng đắn, phát triển từng địa phương. Không chỉ cấp Trung ương và TP.HCM, cấp huyện như Hóc Môn cũng cần có kế hoạch tái phục hồi nền kinh tế.

Về y tế, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ ngành y tế, kể cả y tế tư nhân, để bảo vệ, chăm sóc người dân trong dịch cũng như khi hết dịch.

Chủ tịch nước lưu ý, huyện Hóc Môn trong trạng thái thích ứng với Covid-19 nhưng vấn đề cao cảnh giác, không chủ quan, nếu tái nhiễm trở lại thì nguy cơ rất lớn.

Chăm lo vấn đề an dân, nắm bắt sát đời sống nhân dân, không để người nào thiếu lương thực, thực phẩm, đói cơm đứt bữa.

Lao động sẽ quay lại ổn định

Trao đổi với cử tri, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, về chính sách cho trẻ mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 thì Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành chính sách hỗ trợ hai đợt, mỗi trẻ 5 triệu đồng.

Về lâu dài, có nhiều địa phương đang lên kế hoạch đỡ đầu, nuôi dưỡng. Theo ông Dũng, trên tinh thần nếu các em có người thân nhận nuôi thì tốt nhất. Nguồn hỗ trợ này sẽ chuyển cho người nuôi dưỡng.

Còn nếu không có người thân thì chuyển các em vào các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi do ngành lao động phụ trách.

Về vấn đề lao động, theo ông Dũng, từ ngày 30/9, khi TP.HCM ban hành Chỉ thị 18, nhiều người dân đã về quê. Đó thường là người không có hợp đồng hay ràng buộc lao động, tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, người dân, người lao động về quê một thời gian sẽ quay lại.

“Chắc chắn nguồn lao động sản xuất sẽ dần dần ổn định, nhưng trong thời gian ngắn thì sẽ thiếu cục bộ”, ông Dũng khẳng định.

Chủ tịch nước: Không phải pháo đài là biệt lập rồi ngăn sông, cấm chợ

Chủ tịch nước: Không phải pháo đài là biệt lập rồi ngăn sông, cấm chợ

Chủ tịch nước nhấn mạnh, pháo đài không phải là biệt lập và lưu ý các tỉnh, huyện, xã, cơ sở phải hiểu được như vậy, không để tình trạng ngăn sông cấm chợ xảy ra.    

Hồ Văn