Sáng 31/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà trẻ khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ).
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; lãnh đạo một số bộ, ngành.
Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội được thành lập từ năm 1978, đến nay đã có trên 500 trẻ khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng. Đa số các trẻ tại Trung tâm từ khi sinh ra đã bị một hay nhiều chứng bệnh như câm điếc, tự kỷ, khiếm thính và có trẻ mô côi cha mẹ, bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ.
Trong 137 trẻ được chăm sóc tại Trung tâm hiện nay, có 111 trẻ câm điếc, 26 trẻ khuyết tật trí tuệ. Hiện, Trung tâm tổ chức 8 lớp học văn hóa cho trẻ khiếm thính, 3 lớp cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Ngoài học văn hóa, các em được dạy kỹ năng sống để giúp hòa nhập cộng đồng.
Mỗi trẻ được hưởng chế độ nuôi dưỡng theo quy định của Thành phố Hà Nội là 1,76 triệu đồng/người/tháng và 350.000 đồng/người/tháng tiền chi khác. Một số cháu sau khi học nghề xong đã có việc làm với mức thu nhập từ 3 đến 9 triệu đồng tháng.
Gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các em thiếu nhi nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao các thầy cô giáo, các cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm đã tâm huyết, trách nhiệm, bằng tình yêu thương vô bờ, tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng, trang bị cho các em trẻ khuyết tật kiến thức và kỹ năng sống cho các em. Nhờ đó, các em có thể lực và phát triển trí tuệ tốt, có nghị lực vươn lên mạnh mẽ, nhiều em đã được học nghề, có việc làm, tự nuôi dưỡng bản thân, sống có ích cho gia đình và đóng góp cho xã hội.
Chủ tịch nước cho rằng, các thầy cô gánh vác nhiều trọng trách, không chỉ nuôi dạy với tấm lòng nhân ái, thương yêu của người cha, người mẹ mà còn như thầy thuốc, nhà tâm lý, nhà giáo, chăm lo cho các cháu tốt nhất có thể, nuôi dưỡng cho các cháu ý chí phấn đấu, tự tin vượt khó, luôn coi Trung tâm là mái nhà thứ hai của mình.
Cho biết cả nước có gần 700.000 trẻ em khuyết tật trong số hơn 20 triệu trẻ em, riêng địa bàn Hà Nội có 12.560 trẻ em khuyết tật, Chủ tịch nước khẳng định bảo vệ và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài của đất nước. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Đảng, Nhà nước hết sức chăm lo công tác an sinh xã hội, trong đó có trẻ em khuyết tật. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật được ưu tiên thực hiện với nhiều chính sách phù hợp như trợ cấp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý miễn phí…
Chủ tịch nước đánh giá cao hệ thống các Trung tâm các trường dạy trẻ em khuyết tật và các Làng trẻ em SOS trong cả nước đã có rất nhiều cố gắng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước nhấn mạnh hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ quyền trẻ em đã khá đầy đủ, nhưng vẫn phải tiếp tục hoàn thiện và bảo đảm thực thi tốt để thực hiện tốt quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, trẻ em di cư. Cùng với đó, cần dành nguồn tài chính cần thiết cho chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng, trong đó chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa để có nguồn lực chăm lo cho các em tốt hơn.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng giám sát và đánh giá thực hiện quyền trẻ em; chung tay bảo vệ trẻ em để các em được đến trường, quan tâm chăm sóc, không bị đuối nước, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tai nạn, thương tích… Bên cạnh đó, lên án, xử lý nghiêm các vụ việc trẻ em bị xâm hại; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội; chú trọng cổ vũ những tấm gương điển hình, người tốt việc tốt trong chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, thành phố Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất cho Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội và các cơ sở khác trong toàn quốc hoạt động và cần có chế độ chính sách tốt không chỉ cho các cháu mà cả cán bộ, nhân viên, người lao động Trung tâm đã gắn bó với công việc đặc thù này.
Nhấn mạnh "Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai" và quan tâm, chăm sóc trẻ em khuyết tật là tiếng nói của lương tri, trách nhiệm, Chủ tịch nước lưu ý cần mở rộng lĩnh vực đào tạo, dạy nghề và chữa bệnh, phát huy năng khiếu riêng có để các em có cuộc sống tốt đẹp hơn, có niềm tin yêu vào cuộc sống, nỗ lực, vươn lên, xóa bỏ mặc cảm để hòa nhập tốt với cộng đồng và đóng góp cho xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội 100 triệu đồng và kêu gọi xã hội hóa tặng Trung tâm bộ thiết bị đồ dùng học tập trị giá 200 triệu đồng.
Chiều ngày 31/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Đây là lần thứ 2 từ đầu năm tới nay, Thủ tướng tới thăm các bệnh nhi tại đây. Thủ tướng ân cần thăm hỏi, tặng quà các bệnh nhân nhi đang điều trị tại Khoa Sức khoẻ vị thành niên và Trung tâm Ung thư nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6; mong muốn các cháu sớm bình phục, mạnh khoẻ, trở lại trường và học tập tốt.
Trao đổi với lãnh đạo, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên của Bệnh viện, Thủ tướng nêu rõ, việc kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 là cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị và các lực lượng tuyến đầu, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước. Khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn tới trẻ em, nhất là công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các em…
Ghi nhận, biểu dương những thành tựu, kết quả trong hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của Bệnh viện Nhi Trung ương, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Bệnh viện tiếp tục phát huy tối đa truyền thống của ngành y và Bệnh viện, thành tựu đã đạt được, nâng cao năng lực, trình độ, tay nghề chuyên môn và y đức, giữ vững đoàn kết, thống nhất, đưa Bệnh viện tiếp tục phát triển theo yêu cầu của một bệnh viện tuyến cuối, một bệnh viện kiểu mẫu, góp phần chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe trẻ em.
Thủ tướng đề nghị Bệnh viện tham gia cùng các đơn vị, các nhà chuyên môn và Bộ Y tế đánh giá, nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về các tác động hậu Covid-19, nhất là tác động tới sức khỏe thể chất và tâm lý, tinh thần trẻ em, từ đó có các giải pháp phù hợp. Cùng với đó là nghiên cứu, đánh giá về miễn dịch cộng đồng, các nguy cơ dịch bệnh khác… để bảo vệ, chăm sóc tốt nhất sức khỏe người dân nói chung, trẻ em nói riêng.
Thủ tướng nêu rõ, trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, chúng ta rất ưu tiên cho sự nghiệp y tế và giáo dục nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn và yêu cầu thực tiễn. Do đó, Thủ tướng đề nghị các bác sĩ, điều dưỡng viên của Bệnh viện tiếp tục nỗ lực, khắc phục, vượt qua các khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ, chính sách…, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường… để không ngừng phát triển.
Thủ tướng mong muốn đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên tiếp tục phát huy tinh thần "thầy thuốc như mẹ hiền", chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhi tại đây, chia sẻ, thấu hiểu, tạo điều kiện tốt nhất cho thân nhân chăm sóc các em, nhất là nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ở các vùng sâu, vùng xa.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hằng năm, đơn vị tiếp nhận khoảng 1 triệu trẻ em đến khám chữa bệnh, hơn 100.000 lượt bệnh nhi điều trị nội trú. Năm 2022, tình hình bình thường mới có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng có khó khăn, thách thức đối với bệnh viện.
Số bệnh nhân đến khám ngoại trú tăng (trên 5.000 bệnh nhân/ngày), bệnh nhân nội trú khó và nặng nhiều, trên 1.800 bệnh nhân/ngày; mô hình bệnh tật thay đổi liên quan đến Covid-19 như sức khoẻ thể chất và tinh thần hậu Covid-19 ở trẻ em, bệnh bẩm sinh, thiếu hụt giao tiếp xã hội, ung thư…
Trong hoàn cảnh đó, tập thể viên chức, người lao động của bệnh viện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn và quản lý, thực sự tận tâm để mang đến chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất vì sức khoẻ trẻ em Việt Nam.
Chiều 31/5, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm các bệnh nhi đang điều trị ung thư tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội).
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trực tiếp trao 50 suất quà tận tay cho các em nhỏ, gia đình bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện K. Chia sẻ sự quan tâm, tình cảm với các bệnh nhi, bệnh nhân đang điều trị đây, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Phó Chủ tịch nước gửi lời chúc sức khỏe đến các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi, mong muốn các bệnh nhân lạc quan, tích cực điều trị, sớm hồi phục và được trở về sum họp cùng gia đình.
Phó Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện ngày một khang trang hơn để phục vụ bệnh nhân; đồng thời đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y, bác sĩ để nhiều bệnh nhân ung thư, nhất là phụ nữ, trẻ em, phụ nữ mang thai có cơ hội kéo dài cuộc sống.
Tại buổi làm việc với Ban lãnh đạo, cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện K cơ sở 2 Tân Triều, GS.PTS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K thông tin: Hai năm qua, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác khám, chữa và chăm sóc người bệnh. Bệnh viện tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đạt được nhiều hiệu quả, thành công.
Thăm, tặng quà, trợ giúp các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn là hoạt động thường xuyên được Bệnh viện K phối hợp với các tổ chức xã hội, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư-Ngày mai tươi sáng tổ chức nhằm động viên, khích lệ tinh thần chiến thắng bệnh tật, mang lại niềm vui cho các bệnh nhân, trong đó có bệnh nhi.
Mỗi năm cả nước có khoảng 180.000 ca ung thư mới, trong đó có 1,5% là trẻ em (khoảng 2.700 bệnh nhi). Bệnh viện K mỗi năm tiến hành khám sàng lọc ung thư cho 500.000 người, điều trị nội trú 84.000 lượt. Đây là khối lượng công việc rất lớn đối với 1.700 cán bộ, y, bác sĩ tại Bệnh viện K. Họ không chỉ là thầy thuốc điều trị bệnh mà nhiều y, bác sĩ trở thành người bố, người mẹ của các bệnh nhi, giúp các em vượt qua khó khăn về tâm lý, vượt lên những nỗi đau về thể chất trong quá trình chữa bệnh...
Theo TTXVN, VGP
Hơn 4.000 trẻ em mồ côi, gần 500.000 bé mắc Covid-19
Quốc hội sẽ giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em
Sáng nay, 79,13% đại biểu QH có mặt đã biểu quyết đồng tình chọn chuyên đề giám sát năm 2020 là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Chủ tịch nước gửi Thư chúc mừng nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi
Nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư chúc mừng.