Ngay sau lễ tuyên thệ chiều nay, rời phòng Diên Hồng Nhà Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc họp báo tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh
- Thời gian qua, các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng. Xin Chủ tịch nước cho biết những việc cần làm để đối phó có hiệu quả với các nguy cơ trên?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Các nguy cơ an ninh phi truyền thống có mối liên hệ chặt chẽ với các nguy cơ an ninh truyền thống, đe dọa trực tiếp lợi ích, an ninh quốc gia. Do vậy, việc “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và an ninh mạng”, như văn kiện ĐH Đảng 12 đã chỉ rõ, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chủ động sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học - công nghệ...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổ chức họp báo sau khi tuyên thệ |
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và có sự phân công, phân cấp rành mạch về an ninh, an toàn thông tin và an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu...
Tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các chiến lược, đề án, dự án ứng phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là ở các địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, các địa bàn thường xảy ra thiên tai, bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn... Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng các lực lượng chuyên trách; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về việc đối phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống.
Dấy lên trong xã hội thái độ lên án tham nhũng
- Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng và đang là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ, xin Chủ tịch nước cho biết ý kiến về vấn đề này?
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, rất khó khăn, phức tạp. Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, thì việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa quyết định; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối họp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó các cơ quan chức năng đóng vai trò tham mưu, nòng cốt.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Dấy lên trong toàn xã hội thái độ lên án nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, lãng phí, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật, tinh thần trọng danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức.
Chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở, thiếu, sót về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham những, lãng phí. Xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng. Tiếp tục cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức các ngành tư pháp, nhất là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp làm công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, lãng phí, bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng
- Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội đặt ra rất nặng nề. Trên cương vị Chủ tịch HĐ Quốc phòng và An ninh, xin Chủ tịch nước cho biết những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tinh hình mới?
Điều 89 Hiến pháp năm 2013 đã quy định về tổ chức và hoạt động của HĐ Quốc phòng và An ninh. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐ, trước hết, cần xác định rõ nguyên tắc hoạt động của HĐ Quốc phòng và An ninh phải tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; chấp hành nghiêm túc các nghị quyết của QH về quốc phòng, an ninh. Phối hợp chặt chẽ với QH, CP, MTTQ VN, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn của HĐ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh.
Quan tâm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, khả năng sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang |
Làm sâu sắc quan hệ với láng giềng, khu vực, nước lớn
- Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN VN về đối nội và đối ngoại, xin Chủ tịch nước cho biết những hoạt động chủ yếu của Chủ tịch nước trong lĩnh vực đối ngoại trong thời gian tới?
Bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước sẽ tích cực triển khai chương trình công tác đối ngoại, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn; củng cố và tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và mở ra quan hệ với các đối tác tiềm năng; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế và nguồn lực từ bên ngoài.
Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh nhằm nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Theo Tổ quốc