Năm 2024, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Để hoàn thành mục tiêu, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định về cơ chế hỗ trợ, huy động nguồn lực, bố trí ngân sách huyện cho các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh Bắc Giang năm 2024 là 374,431 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 303,031 tỷ đồng; vốn ODA 28,373 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 71,4 tỷ đồng (bao gồm vốn đầu tư phát triển 65 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 2,4 tỷ đồng).

Được biết, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã phân bổ 100% nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh về các địa phương nhằm chủ động bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Đến nay, các địa phương đã giải ngân được 61,442 tỷ đồng, bằng 16,4% kế hoạch.

Ông Trần Văn Tú, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang cho biết, qua rà soát tại các xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2024, các tiêu chí hiện nay chưa đạt chủ yếu liên quan đến cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ nghèo đa chiều. 

Theo đó, đến hết năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của 3 xã thuộc khu vực III như xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn) là 14,43%, xã Đại Sơn, Vĩnh An (huyện Sơn Đông) là trên 26%. Trong khi đó, theo quy định Bộ tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ nghèo đa chiều tối đa là 13% nên đây là nội dung khó, đòi hỏi các xã phải nỗ lực rất nhiều trong xây dựng cơ sở hạ tầng và giảm nghèo.

Vì vậy, để đạt kế hoạch có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang đã đề nghị các địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương được cấp; chủ động có cơ chế hỗ trợ, huy động nguồn lực, bố trí ngân sách huyện cho các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. 

Đồng thời, UBND các xã khẩn trương khởi công các công trình để đảm bảo 100% công trình được khởi công, thực hiện đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục công trình nông thôn mới đảm bảo hoàn thành cơ sở vật chất.

Bắc Giang
UBND tỉnh Bắc Giang thăm Hợp tác xã Na dai Nghĩa Phương, huyện Lục Nam.

Hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 503/QĐ-UBND quy định một số tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.

Theo quyết định, đối với Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có từ 1 mô hình ứng dụng công nghệ số trở lên để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã.

Với tiêu chí môi trường, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng tại các xã nông thôn mới nâng cao phải đạt từ 5% trở lên. Về chất lượng môi trường sống của các xã về đích nông thôn mới nâng cao, cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn bình quân đầu người/ngày đêm đạt từ 60 lít trở lên và tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững đạt từ 25% trở lên.

Đối với huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bên cạnh các tiêu chí theo quy định thì phải có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, hoặc đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thông qua các thiết chế giáo dục khác được giao chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn phải đạt yêu cầu; phải có Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp hoặc đơn vị chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Với huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, để hoàn thành Tiêu chí y tế - văn hóa - giáo dục, huyện phải có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, hoặc đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thông qua các thiết chế giáo dục khác được giao chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn đạt yêu cầu.

UBND tỉnh Bắc Giang đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện Bộ tiêu chí và tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung (nếu có); phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện tại các địa phương sau đạt chuẩn.