Tại một buổi hội thảo góp ý hoàn thiện, thông qua các chuyên đề phục vụ xây dựng chiến lược nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân mới đây, đại diện Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, thực tế đang có vùng trũng về thông tin pháp luật, đang có cộng đồng, người dân thiếu thông tin pháp luật, nhất là đối với nhóm yếu thế, đặc thù.

Để “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo tối đa quyền công dân và đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin, trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trong nhóm yếu thế, đặc thù.

Theo đó, nhiều địa phương đã chú trọng vào việc nâng cao nhận thức pháp luật của người dân thông qua hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

W-phu-nu-dtts-1.jpg
Tăng cường tiếp cận pháp luật và bảo đảm quyền tham gia của phụ nữ, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, điều kiện môi trường sống và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, việc hiểu biết kiến thức pháp luật hạn chế, dẫn đến nhiều thiệt thòi trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như vô tình vi phạm pháp luật. Hiểu được những khó khăn trong hiểu biết kiến thức pháp luật của người dân miền núi, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn, năm 2023, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức.

Tại các huyện miền núi như Lang Chánh, Như Thanh, Quan Sơn, Thạch Thành, Thạch Tượng… đã và đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, với nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng.

Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có kỹ năng nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật và biết tiếng đồng bào DTTS.

Trong đó, huyện miền núi Như Thanh được xem là “điểm sáng” trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh. Năm 2023, huyện đã kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, 100% thành viên viên đều có trình độ chuyên môn luật; các tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở là những người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong thôn, bản và cộng đồng dân cư.

Điều đáng nói là hiện có 100% các xã, thị trấn của huyện được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, từng bước giảm số vụ về người vi phạm pháp luật. Đồng thời, giúp người dân, các doanh nghiệp tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khi tham gia vào các quan hệ dân sự, hình sự.

Để nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho nhóm người yếu thế, đặc thù, vừa qua tại Quảng Bình cũng đã triển khai Dự án "Tăng cường tiếp cận pháp luật và bảo đảm quyền tham gia của phụ nữ, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thông qua thúc đẩy thực thi Luật Thực hiện dân chủ cơ sở tại tỉnh Quảng Bình".

Dự án được triển khai tại 6 xã, gồm: Tân Ninh, Vạn Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Trường Xuân và Trường Sơn; thời gian thực hiện từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024. Dự án sẽ có các hoạt động như tổ chức khảo sát về hiểu biết và thực hiện dân chủ cơ sở; tổ chức các buổi truyền thông phổ biến pháp luật cho người dân về thực hiện dân chủ cơ sở và lồng ghép bình đẳng giới; khảo sát nhu cầu tư vấn pháp luật; tổ chức tư vấn pháp luật qua hình thức lưu động;…

Sau khi Dự án kết thúc sẽ có trên 2.300 người dân và các bên liên quan được nâng cao nhận thức pháp luật thực hiện quyền và nghĩa vụ thực hiện Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; đặc biệt có 360 trường hợp là phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận tư vấn pháp luật và tư vấn pháp luật thực hiện Luật Thực hiện dân chủ cơ sở cho cộng đồng.

Có thể nói, việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác tuyên truyền cho cán bộ thôn, bản, người dân các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Từ đó, để người dân chủ động, nâng cao năng lực tiếp cận với pháp luật, có ý thức chấp hành pháp luật.

Nguyễn Huế và nhóm PV, BTV