Mã số vùng trồng được cấp cho vùng trồng nông sản có sự kết hợp các ký tự và mã số như: Mã quốc gia; mã tỉnh, thành phố; mã quận, huyện; mã xã, phường và số thứ tự theo danh sách mã do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt và cấp. Do đó mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng biết được sản phẩm họ đang sử dụng được sản xuất ở đâu, do ai sản xuất; đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó.

Là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, từ đầu năm đến nay Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 43 mã số vùng trồng cho vải thiều Bắc Giang.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc cấp mã số vùng trồng được xem là "tấm vé thông hành" giúp nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch sang nhiều thị trường thế giới, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

W-bacgiang.png
Với sự kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng của ngành nông nghiệp Bắc Giang nên các vụ vải gần đây luôn được đánh giá là có sản lượng và chất lượng vải thiều cao

Các mã vùng trồng vải thiều Bắc Giang được cấp xuất khẩu sang các thị trường như: Australia, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Trong số đó, huyện Tân Yên được cấp 21 mã với diện tích 739,29 ha; huyện Yên Thế được cấp 3 mã với diện tích 40,37 ha; huyện Lục Ngạn được cấp 18 mã với diện tích 240,35 ha; huyện Sơn Động được cấp 1 mã với diện tích 36,1 ha.

Như vậy, đến nay Bắc Giang có 221 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu, với tổng diện tích trên 17.700 ha (chiếm hơn 50% diện tích); trong đó thị trường Trung Quốc 129 mã (diện tích hơn 16.000 ha), còn lại là thị trường Nhật Bản 38 mã, Hoa Kỳ 17 mã, Thái Lan 19 mã và Australia 18 mã.

Thời gian qua, việc sản xuất, chăm bón, thu hoạch vải thiều ở những nơi được cấp mã số vùng trồng luôn được thực hiện đúng quy trình. Nhờ đó, vải thiều được xuất khẩu thuận lợi với giá thành cao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm vải thiều Bắc Giang.

Để bảo đảm chất lượng vải thiều ở các vùng được cấp mã số vùng trồng ngay khi kết thúc vụ vải thiều năm 2023, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động nắm bắt quá trình phát triển, diễn biến của sâu bệnh, tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, chăm sóc vải thiều.

Hiện diện tích vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang là trên 29.700 ha. Vụ vải thiều năm ngoái tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh ước đạt trên 201.600  tấn. Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng (tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022); doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỷ đồng.