- “Cuộc đời ai chẳng có những lúc vui buồn nhưng phàm là nghệ sĩ lên sân khấu phải làm cho khán giả vui. Nhiều lúc nghĩ cuộc đời tôi chẳng khác nào Kép tư bền, cha, chú chết đều phải nuốt nước mắt vào trong để diễn”, nghệ sĩ Hán Văn Tình,  anh Quềnh trong 'Đất và Người' chia sẻ.


Hai lần bất hiếu

NSƯT Hán Văn Tình vẫn đượm buồn đôi mắt khi nhớ lại thời gian 6 năm về trước, lúc đó anh bắt đầu lên sân khấu biểu diễn ở Lập Thạch – Vĩnh Phúc thì nhận được điện thoại của người thân báo bố anh qua đời. Dù lúc đó lòng như lửa đốt, nỗi buồn vây kín nhưng nhìn hàng dài ánh mắt khán giả đang ngóng chờ mình ngồi phía dưới, anh đành nuốt nước mắt vào trong để diễn. Cười nói, nhảy nhót trên sân khấu nhưng khán giả đâu biết những giọt nước mắt đang trực trào nơi khóe mắt của anh.

Trút bỏ lớp son phấn, quần áo diễn, Hán Văn Tình lên xe về Hà Nội ngay để chịu tang bố. Phải mất rất nhiều thời gian sau đó, anh mới có thể nguôi ngoai nỗi mất mát và ân hận vì đã không có mặt lúc bố trút hơi thở cuối cùng.

{keywords}

NSƯT Hán Văn Tình

Đôi mắt lại rưng rưng, anh kể tiếp : "Tôi lại vừa bất hiếu lần 2. Lúc đưa chú tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi cũng đành không có mặt". Lý do cũng lại vì đắm đuối với nghề. Nghề như nghiệp với anh. Với vai trò là trưởng đoàn tổ chức biểu diễn, cũng là diễn viên được khán giả ‘nhớ mặt biết tên’ nên anh đã vận động được rất nhiều tài trợ về cho Nhà hát Tuồng – nơi anh công tác. Đúng dịp Nhà hát kỷ niệm 55 ngày thành lập, anh phải tiếp rất nhiều nhà đầu tư vì có anh, họ mới đến. “Mời họ đến đây mà mình không tiếp được họ, họ giận không hỗ trợ cho Nhà hát thì chết. Tuồng đang khó khăn quá rồi. Mình thì không sao vì cũng có tiếng, nhưng còn các thế hệ trẻ, họ hàng ngày được mong lên sân khấu”.

Cha, chú mất đều không thể có mặt kịp thời, Hán Văn Tình ví đời mình chẳng khác nào Kép tư bền. Yêu nghề là thế, nhưng đôi khi Hán Văn Tình cũng không khỏi chạnh lòng về những khó khăn mà anh gặp phải để theo đuổi bộ môn nghệ thuật được ví là hàn lâm này.


Ngày đi học, Hán Văn Tình chỉ học trung cấp vì không có trường đại học nào dạy Tuồng cả. Đến khi ra trường về Nhà hát, những ngón nghề chủ yếu anh học được qua các bậc tiền bối dạy kiểu truyền nghề. Thế nên dù đã là diễn viên sắp về hưu, lương của anh cũng chỉ bằng diễn viên vừa mới ra trường.

Phần không thể thiếu trong nghệ thuật Tuồng là trang điểm. Mỗi lần diễn, Hán Văn Tình phải ‘đắp’ quá nhiều lớp phấn khiến da mặt của anh sạm đi. Muốn da mặt khỏi bị hỏng phải dùng phấn đắt tiền mà tiền công diễn đôi khi không đủ tiền son phấn. Bây giờ, có điều kiện đi đóng phim truyền hình, kinh tế cũng khá hơn nên anh cũng hay mua phấn tốt tặng bạn bè đồng nghiệp.

Khó khăn là thế nhưng Hán Văn Tình không buồn, chưa lúc nào anh nghĩ sẽ bỏ nghề. “Tôi rất tâm đắc câu nói của thầy giáo - NSND Lê Tiến Thọ đã ví những diễn viên Tuồng như ‘con sáo đã chót ăn mặn’. Nghĩa là ai đã dính vào Tuồng, yêu Tuồng thì khó mà bỏ được”.

Với những ngành nghề khác, sự nổi tiếng đôi khi không quá khó khăn nhưng với Tuồng thì không hề dễ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ‘không tiếng thì không miếng’. Khó khăn khiến Hán Văn Tình đôi khi nản nhưng anh bảo, điều đó chỉ vút qua ý nghĩ đôi chút rồi anh lại yêu Tuồng như thủa ban đầu.

Nghe Quềnh kể chuyện đóng phim

Là nghệ sĩ Tuồng nhưng Hán Văn Tình lại được biết đến nhiều với vai trò diễn viên qua nhiều bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn được yêu thích.

{keywords}

Hán Văn Tình trong phim mới 'Bão qua làng'

Nhớ lại lần đóng "Người thổi tù và hàng tổng", Hán Văn Tình tiết lộ trong phim có đoạn anh mặc quần đùi trèo thang, ở dưới có diễn viên nữ nhìn lên rồi nheo mắt, lúc đó anh thoại "Thôi chết! quần tôi, đâu quần tôi đâu". Cảnh đó khi lên sóng, con trai anh lúc xem xong không nói gì, chỉ nhìn bố tủm tỉm cười. Anh hiểu ý nên tặc lưỡi bảo: "Đóng phim ấy mà con".

Thời điểm đóng phim "Đất và người", phim lên sóng sốt lắm, nhất là vai Chu Văn Quềnh. Anh cùng người bạn ra mạn Cầu Diễn ăn thịt chó. Đã tìm một góc khuất khuất để ngồi nhưng khán giả vẫn nhận ra anh. Họ kéo đến mời rượu, anh từ chối thì họ liền đáp: "Không thể hoãn cái sự sung sướng này được". Thế là phải uống, bã cả người mà họ vẫn chưa tha. Có thời gian, nhà anh vài hôm lại nhận được một can rượu do khán giả gửi đến. Họ tưởng anh là người nghiện rượu nên gửi biếu chứ thực ra ngoài đời cùng lắm Hán Văn Tình mới phải cầm chén.

Cũng vì đóng "Đất và người", anh và diễn viên Trung Hiếu - người lồng tiếng cho anh đã có những xích mích. Với Hán Văn Tình, chuyện cũng không có gì to tát, chỉ là khi phim lên sóng, biết Trung Hiếu lồng tiếng cho nhân vật của mình, anh bày tỏ cảm nghĩ là không thích kiều cười "một màu" của Trung Hiếu, anh muốn nó phải có cao trào, mỗi lần cười là một sắc thái riêng. Đấy là muốn thế chứ thực ra Trung Hiếu lồng tiếng cho nhân vật Chu Văn Quyền cũng đã rất thành công rồi. Nhưng rồi hai nghệ sĩ đã không hiểu ý của nhau. Trung Hiếu giận anh từ bận đấy.

Cho tới tận bây giờ, Hán Văn Tình vẫn nhớ như in lần suýt tử vì nghề. Lần đó, anh hóa thân vào nhân vật đang bị chết đuối dưới sông. Mặc dù biết bơi nhưng đoàn làm phim vẫn cẩn thận thắt dây an toàn cho anh. Thế nhưng đang quay, tự nhiên nước lũ tràn về cuốn phăng anh đi. May mà lúc đó anh giữ bình tĩnh, lại biết bơi nên thoát chết.

Tình Lê