Cuộc khủng hoảng truyền thông của chùa Bồ Đề là sâu sắc và toàn diện. Thái độ lúng túng và cách lý giải bất nhất của những người trong cuộc càng làm cho cuộc khủng hoảng ngày một trở nên trầm trọng hơn.
Vấn đề là quá nhiều người biết về quá nhiều điều liên quan đến thân phận của các cháu nhỏ được nuôi giữ trong chùa. Họ là vợ chồng anh Nguyễn Công Long - cha mẹ đỡ đầu của cháu bé bị bán Cù Nguyên Công, là chị Tanya O Halloran - một tình nguyện viên người nước ngoài, là hàng ngàn người khác đã đến thăm nom các cháu nhỏ và làm từ thiện. Họ biết thì họ chia sẻ.
Với các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại, việc chia sẻ thông tin là hết sức dễ dàng. Có thể nói, lịch sử loài người được chia làm hai thời đại: thời đại trước internet và thời đại có internet. Chúng ta đang sống trong thời đại có internet. Một người biết nghĩa là hàng vạn, hàng triệu người biết.
Thông tin về thân phận của những cháu nhỏ được nuôi giữ ở chùa đang tràn ngập trên các trang mạng, trên các blog, trong các hộp thư điện tử. Với các trang mạng, các đường link, các công cụ nhân bản và chuyển tiếp, thông tin đang được chia sẻ vô tận và vô tận cho tất cả mọi người. Đó là chưa kể đến việc các cơ quan báo chí cũng đang vào cuộc rất tích cực trong chiến dịch truyền thông này. Che giấu sự thật trong một môi trường như vậy thì quả là vô vọng.
Hiện nay, cùng với các phương tiện truyền thông, các cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc. Mọi chuyện rồi sẽ được làm sáng tỏ và được xử lý trên cơ sở quy định của pháp luật. Tất nhiên, việc áp dụng pháp luật ở đây phải rất thận trọng. Bởi vì rằng nhà chùa là một thiết chế quan trọng hàng đầu trong đời sống tinh thần và tâm linh của chúng ta.
Điều đáng nói là cho dù việc xử lý của chính quyền có thấu tình, đạt lý đến đâu đi chăng nữa, thì khủng hoảng truyền thông vẫn không tự biến mất. Chính vì nghi án mua bán trẻ em, vì những lời tố cáo tràn lan trên mạng, hình ảnh công chúng của nhà chùa đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Trong lúc đó, xây dựng lại hình ảnh công chúng là một công việc khó khăn, nan giải và đòi hỏi rất nhiều thời gian. Thiếu một kế hoạch bài bản và những cố gắng thực tâm, bền bỉ, điều này là không thể đạt được.
Cuối cùng, nhà chùa, về bản chất, là một thiết chế xã hội, sống nhờ xã hội. Thiếu một hình ảnh công chúng tốt đẹp và hấp dẫn, nhà chùa sẽ rất khó khăn. Chùa Bồ Đề thì vẫn có thể phải đối mặt với rủi ro “vắng như chùa Bà Đanh".
TS Nguyễn Sĩ Dũng/ Theo Lao động