Ngày 17/2, Bộ NN-PTNT Công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng bình quân từ 5-6%/năm...

Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”.

{keywords}
Mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam sẽ thành cường quốc nông nghiệp (ảnh: N.Thọ)

Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của các địa phương.

Từ các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực phát triển hợp tác xã, giảm các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị. Lấy chuỗi giá trị của các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế chung giữa các địa phương tương đồng về điều kiện.

Cùng với đó, từng bước nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện để triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác.

Dạy nông dân kỹ năng kỹ năng làm giàu

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, nông nghiệp Việt bị lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Từ đó, dẫn đến hàng loạt câu chuyện được mùa mất giá, sản xuất bấp bênh, câu chuyện thị trường, dự báo,...

Theo Bộ trưởng, muốn vượt qua lời nguyền này thì cần có chiến lược mà, Chiến lược sẽ bắt đầu từ việc tổ chức lại sản xuất. Ông chỉ rõ, 10 triệu hộ nông dân sản xuất trên 10 triệu miếng đất, đầu cung nhỏ lẻ từ khắp đất nước, thì không thể dự báo được thị trường.

{keywords}
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông dân nhiều khi vẫn có tâm ký “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” (ảnh: Nguyễn Giang)

Bộ trưởng thừa nhận, bây giờ thị trường quyết định sản xuất, bộ ngành cũng có quy hoạch nhưng tâm lý nông dân vẫn “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. 

"Cần có một giải pháp dài hạn. Bởi tổ chức sản xuất không thể nói ngày một ngày hai, nói bà con vào HTX đi thì ngày mai tự động 10 triệu hộ nông dân sẽ vào HTX đâu. Sẽ có người vào người ra”, Bộ trưởng nói. Đồng thời, ông nhấn mạnh, chiến lược cần bắt đầu từ nền, từ tổ chức sản xuất chứ không phải từ ngọn.

Đề cập tới câu chuyện làm giàu từ nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, chúng ta khó có thể làm giàu được bằng sản xuất nông nghiệp, nhưng có thể làm giàu được khi làm kinh tế nông nghiệp.

Ông dẫn chứng, một nông sản tạo ra, người có kỹ năng bán hàng sẽ bán được giá gấp đôi so với người khác. Trước đây, nông nghiệp dạy người nông dân sản xuất chứ không dạy người nông dân làm giàu. Làm giàu không phải là bán nông sản, mà bằng cách phân loại nông sản đó, bán niềm tin về sản phẩm nông sản sạch, có truy xuất nguồn gốc, có mã vùng trồng, vùng nuôi. Trong chiến lược đã xác định rõ câu chuyện này.

“Chúng ta sẽ có chương trình huấn luyện nông dân cách làm trên truyền hình. Khuyến nông, thay vì trình diễn các mô hình, thì phải dạy kỹ năng để nông dân biết kinh doanh, biết tính toán chi phí đầu vào”, Bộ trưởng cho hay.

Từ góc độ địa phương, việc thực hiện chiến lược sẽ giúp địa phương cân nhắc nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn. Ông cho rằng, các địa phương đừng nôn nóng đem đồi chè, ruộng lúa xẻ ra làm bất động sản bán. Cách này thu tiền ngay nhưng sau này, nông dân làm gì? Địa phương phải nhìn nhận về lâu dài giá trị của miếng đất đó nhờ trồng lúa, cây ăn trái. Đáng tiếc, vấn đề này chưa được nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

Theo Bộ trưởng, cần bắt đầu hành trình thay đổi. Trong đó, chục triệu hộ nông dân, hàng trăm ngàn DN, các bộ ngành, hiệp hội,... phải cùng tham gia. Còn nếu không, chiến lược vẫn nằm trên giấy, nông nghiệp vẫn mù mờ, luẩn quẩn với lời nguyền 'manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.

Tâm An

Thay đổi tư duy, bước qua lời nguyền để thoát vòng luẩn quẩn

Thay đổi tư duy, bước qua lời nguyền để thoát vòng luẩn quẩn

Dù là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam vượt qua biến cố, song theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong giai đoạn tới, nông nghiệp Việt Nam phải vượt qua được “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ và tự phát.