Việc ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam được cho là chỉ mới bắt đầu, và chủ yếu trong cơ quan quản lý chứ số lượng doanh nghiệp thực sự "nhập cuộc" vẫn còn rất ít.
Hội nghị “Sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn” diễn ra tại Bắc Giang là dịp để cơ quan quản lý, đại diện Hội nông dân, các doanh nghiệp ngồi lại với nhau, nhằm tìm ra những giải pháp để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp đi vào thực chất.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng mạnh CNTT vào sản xuất NN. Ảnh: Việt Hải |
Từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, nhiều mô hình, giải pháp ứng dụng CNTT trong ngành nông nghiệp đã được triển khai và đem lại hiệu quả tích cực gần đây, như sàn giao dịch nông sản, hệ thống thông tin nông nghiệp, hệ thống giám sát môi trường nông nghiệp....
Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, trong đó ưu tiên áp dụng các giải pháp tiên tiến của khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã xác định cần phải “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn, hỗ trợ dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang hướng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp phát triển nông thôn”.
Bộ TT&TT hy vọng những kinh nghiệm, mô hình, giải pháp CNTT được chia sẻ tại Hội nghị sẽ "đến được với người nông dân", qua đó khẳng định việc ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp là "một lựa chọn phù hợp, có tiềm năng lớn trong việc hỗ trợ, xây dựng chiến lược phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp Việt ra thị trường toàn cầu", ông chia sẻ.
"Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Chúng tôi kêu gọi, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình giải pháp mới về ứng dụng CNTT trong nông nghiệp", Thứ trưởng Hưng gửi gắm thông điệp.
Theo đại diện TƯ Hội Nông dân Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp tại Việt Nam thực ra đã có, chẳng hạn như một số địa phương ở ĐBSCL đang sử dụng hệ thống thông tin địa lý viễn thám để quản lý sản xuất lúa, giúp theo dõi tiến độ gieo trồng, thu hoạch, cơ cấu giống trên các cánh đồng, tình hình sâu bệnh...hay giải pháp "Hệ thống điều khiển tưới nước và pha thuốc trừ sâu tự động" của ông Nguyễn Phú Thanh ở Lai Vung (Đồng Tháp), cho phép điều khiển hệ thống tưới từ bất cứ nơi nào, miễn là có sóng di động.
Tuy nhiên, một thực tế là nhiều lãnh đạo Bộ, ngành và bản thân người nông dân còn chưa nhận thức đúng về CNTT, dẫn đến việc ứng dụng còn đơn lẻ, manh mún, "chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì không áp dụng". Tỷ trọng đầu tư cho CNTT trong nông nghiệp còn thấp; nông nghiệp VN vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình.
"Ứng dụng CNTT vào nông nghiệp tại VN chỉ mới bắt đầu, chủ yếu là ứng dụng trong cơ quan quản lý ngành", vị này cho biết. Số lượng các doanh nghiệp thực sự đầu tư cho CNTT, ứng dụng CNTT vào việc sản xuất nông sản chất lượng cao còn rất hiếm hoi.
Một số doanh nghiệp CNTT - Viễn thông lớn cũng mới bắt đầu thăm dò tiềm năng của lĩnh vực này, đã chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp "đám mây" từ Nhật Bản, tập huấn cho hàng chục vạn nông dân về "Khai thác và tìm kiếm thông tin trên Internet, gửi và xác thực thư điện tử"....
Trong khi ấy, cả nước đang có 15,3 triệu hộ dân làm nông nghiệp, với trên 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cùng hàng chục ngàn hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Nhu cầu ứng dụng CNTT trong nông nghiệp đang rất lớn", Hội Nông dân nêu rõ. Người nông dân đang rất có nhu cầu với những thông tin như thời tiết nông vụ, giá nông sản trên thị trường, rồi thì nhu cầu đối với các vật tư nông nghiệp chất lượng cao (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...); nhu cầu truy suất nguồn gốc nông sản được bán trên thị trường; Nhu cầu ứng dụng CNTT để thích ứng với biến đổi khí hậu..
Đó là chưa kể thông qua CNTT, người dân, doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị sản phẩm ra các thị trường nước ngoài.
Muốn tăng tốc việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp, các diễn giả cho rằng cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần nghiên cứu, đánh sát sát thực tế về nhu cầu ứng dụng CNTT, từ đó đưa ra các chính sách ưu đãi phù hợp, thiết thực nhất. Chẳng hạn như có thể áp dụng gói cước di động riêng cho 25 triệu lao động nông nghiệp, với mức cước chỉ bằng 50% giá bình quân, hay hỗ trợ Hội Nông dân các tỉnh xây dựng phần mềm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp...
Bài viết có sự hợp tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
T.C