Công ty Cổ phần xây dựng Coteccons (CTD) của ông Nguyễn Bá Dương vừa bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế do khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn.

Theo đó, Cục Thuế TP.HCM đã phạt Coteccons 398 triệu đồng; truy thu 1,8 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và 171 triệu đồng tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; truy hoàn 2,9 triệu đồng thuế giá trị gia tăng…

Tổng cộng Coteccons phải nộp lại cho cơ quan thuế gần 2,4 tỷ đồng.

Đây là một số tiền khá nhỏ so với quy mô vốn hóa hơn 8.000 tỷ đồng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó nối dài chuỗi ngày đen đủi của doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng của Việt Nam.

Trước đó, Coteccons đã trải qua gần một năm với nhiều thông tin xấu, từ mẫu thuẫn giữa nhóm cổ đông nội với nhóm cổ đông ngoại, từ mức độ cạnh tranh tăng vọt với đối thủ do chính người trong doanh nghiệp lập nên, cho đến lợi nhuận giảm 60% trong 9 tháng và cổ phiếu rớt giá đến 50%.

Trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu Coteccons giảm 8 phiên rớt từ mức khoảng 75.000 đồng/cp về mức 65.000 đồng/cp như hiện tại. Tính từ đầu năm tới này, CTD đã giảm tới gần 60% và hiện ở mức đáy 4 năm, thấp hơn rất nhiều so với mức giá cao kỷ lục khoảng 230.000 đồng/cp hồi đầu 2018 (giá điều chỉnh).

Cổ phiếu Coteccons giảm mạnh bất chấp lượng tiền của doanh nghiệp còn rất lớn, mỗi cổ phiếu sở hữu lượng tiền lên tới hơn 50 ngàn đồng; còn tính theo giá trị sổ sách thì mỗi cổ phiếu trị giá khoảng 106.000 đồng.

Biến động giảm giá không ngừng của cổ phiếu Coteccons diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về triển vọng của doanh nghiệp này. Triển vọng khá u ám của doanh nghiệp đầu ngành này đã xóa sạch những nỗ lực cứu giá như mua cổ phiếu quỹ, trả cổ tức… của doanh nghiệp.

{keywords}
Ông Nguyễn Bá Dương.

Điều tồi tệ nằm ở chỗ, lợi nhuận của Coteccons giảm mạnh nhưng một phần lớn trong khoản lợi nhuận đó lại đến từ tiền lãi gửi ngân hàng, chứ không phải từ hoạt động kinh doanh của CTD. Tính tới cuối tháng 9/2019, Coteccons có khoản tiền gửi lên tới gần 4 ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons đã ghi nhận âm trong gần 2 năm trở lại đây.

Triển vọng không mấy tươi sáng của Coteccons có lẽ cũng là lý do khiến nhóm cổ đông Hàn Quốc Korean Investment Management (KIM) bán ra không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam.

Trên thực tế, viễn cảnh của ngành xây dựng nội địa có nhiều dầu hiệu xuống sắc, với một thị trường bất động sản trầm lắng sau một thời gian khá dài phát triển bùng nổ và tín dụng vào lĩnh vực này bị thắt chặt lại.

Riêng Coteccons, vấn đề không chỉ nằm ở thị trường chung ảm đạm, mà còn là sự cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp cùng ngành và mẫu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp.

Trong hơn 2 năm qua, Coteccons chưa thể giải quyết mâu thuẫn nội bộ giữa lãnh đạo doanh nghiệp và nhóm cổ đông ngoại Kusto với đỉnh điểm là cú phủ quyết một số nghị quyết trong Đại hội cổ đông 2019. Cổ đông ngoại Kustocem phản đối kế hoạch Coteccons nhận sáp nhập Ricons - một doanh nghiệp mà Coteccons sở hữu 15% vốn.

Coteccons cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh đến từ CTCP Xây dựng Central - Central Cons, một công ty của chủ tịch HĐQT Trần Quang Tuấn - nguyên Phó tổng giám đốc và cũng là một trong những cổ đông sáng lập Coteccons. Central Cons gần đây trúng thầu nhiều hợp đồng lớn, với nhiều khách hàng truyền thống của Conteccons.

Biên lợi nhuận của Coteccons giảm mạnh và thua xa 2 đối thủ Hòa Bình (HBC) và Hưng Thịnh Incons.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 25/11 chỉ số VN-Index vẫn chịu áp lực bán ra và đang ở khá xa so với mốc 1.000 điểm. Một số cổ phiếu blue-chips giảm điểm như Vingroup, Vinhomes, Thế Giới Di Động, VietJet, Vietcombank…

Giới đầu tư lo ngại thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ gặp khó do Trung Quốc khó lòng chấp nhận 2 sự nhượng bộ cùng 1 lúc, cả về vấn đề kinh tế và về vấn đề Hong Kong mà Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về Hong Kong.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.

Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong những phiên đầu tuần. VN-Index có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 965-971 điểm. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm được sự cân bằng trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ này. Đồng thời có thể sẽ có diễn biến hồi phục tăng điểm trở lại trong những phiên cuối tuần. Sau nhịp sụt giảm mạnh vừa qua, xung lực giảm điểm của thị trường đang còn khá mạnh nên kể cả trong kịch bản hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ trên thì BVSC cũng lưu ý rằng, chỉ số sẽ còn phải đối mặt với áp lực từ các vùng điểm vừa bị xuyên thủng trước đó. Mặc dù vẫn kỳ vọng vào khả năng sớm hồi phục của thị trường nhưng BVSC vẫn phải để ngỏ khả năng chỉ số có thể giảm về vùng hỗ trợ mạnh trung hạn 949-955 điểm trong kịch bản tiêu cực.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/11, VN-Index giảm 10,11 điểm xuống 977,78 điểm; HNX-Index giảm 1,66 điểm xuống 103,09 điểm. Upcom-Index giảm 0,17 điểm xuống 56,4 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 260 triệu đơn vị, trị giá 6,0 ngàn tỷ đồng.

V. Hà