“Con số đó có thay đổi linh hoạt hay không?”
Nếu nhà tuyển dụng đưa ra một con số nằm dưới mức tối thiểu mà bạn mong muốn thì việc phản ứng lại là cần thiết, tuy nhiên bạn phải thực hiện hết sức khéo léo. Nói rằng, “con số đó có còn linh hoạt thay đổi thêm được không” là cách duyên dáng để khuyến khích nhà tuyển dụng chi trả cho bạn nhiều hơn, hay ít nhất là đôi bên có thể thoả thuận thêm về một số đãi ngộ, phúc lợi hay quyền lợi khác khi không thể nâng lương cao hơn nữa.
“Tôi sẽ thấy thoải mái hơn nếu…”
Những cụm từ kém tinh tế như “tôi muốn, “tôi cần” có thể là hành động cắt đứt tiềm năng đàm phán với nhà tuyển dụng. Trong khi đó, Josh Doody - tác giả của Fearless Salary Negotiation nói rằng, dùng cụm từ “Tôi thấy thoải mái hơn nếu…” để chia sẻ về mức lương kỳ vọng sẽ là cách bày tỏ mong muốn mang tính hợp tác hơn. Qua đó nhà tuyển dụng hoặc phỏng vấn viên sẽ biết được cụ thể những gì bạn đang tìm kiếm để có thể tập trung vào khía cạnh đó khi đưa ra mức lương mời bạn nhận việc.
Phần còn lại của câu nói này nên là câu hỏi cụ thể. Chẳng hạn như: “… chúng ta có thể thiết lập mức lương cơ bản vào khoảng 60.000 USD?” hay “… chúng ta có thể nâng mức chia cổ phần hạn chế (RSU - Restricted Stock Unit) lên thành 100 đơn vị?”… Cách thương thảo này mang lại kết quả tốt hơn là những câu nói mơ hồ như “Anh/chị còn có khoảng trống nào để tăng lương lên một chút không?” bởi nhiều khả năng họ sẽ nói không và rồi kết thúc cuộc đàm phán.
“Nếu anh/chị có thể làm điều đó, tôi sẽ gia nhập”
Các nhà tuyển dụng thường cũng có những lo lắng như ứng viên khi quá trình đàm phán lương sắp kết thúc. Vì vậy, nếu bạn có thể nêu rõ điều kiện chấp nhận đề nghị, nghĩa là bạn đã giúp họ tiến xa thêm một bước.
(Nguồn hình: Freepik) |
Khi đã nói ra câu này trong cuộc đàm phán, nghĩa là bạn muốn khẳng định với nhà tuyển dụng rằng mình thực sự muốn gia nhập công ty, họ chỉ cần nói “đồng ý” với điều bạn mong muốn nữa thôi là cuộc đàm phán kết thúc. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng thoải mái hơn trong việc thông qua. Ví dụ, bạn có thể nói: “Tôi hiểu rằng công ty không thể đồng ý với mức lương 60.000 USD. Nhưng sẽ thật tuyệt nếu tôi có thể nhận thêm một tuần nghỉ phép hưởng nguyên lương mỗi năm với mức lương 55.000 USD mà anh/chị đã đề nghị. Nếu công ty chấp nhận điều này, tôi đồng ý ký hợp đồng làm việc.”
“Tôi không muốn rời đi”
Theo Cohen, đây là lựa chọn tốt cho những nhân viên muốn đề nghị công ty hiện tại tăng lương, bởi thực tế nó là một phần của chiến lược phòng thủ. “Chiến lược phòng thủ này giải thích những điều bạn muốn, lý do vì sao và làm thế nào để nó trở thành chiến thắng cho cả bạn và sếp. Mục tiêu là thể hiện giá trị và lợi ích.” Cohen gợi ý rằng, khi mức lương thấp đang thực sự là vấn đề khiến bạn không thể tiếp tục công việc nhưng nếu bạn nói rằng “tôi không muốn rời đi mặc dù đã nhận được một đề nghị với mức lương vô cùng cạnh tranh” sẽ có tác dụng.
Hãy chân thành chia sẻ với sếp rằng bạn đã nhận được một đề nghị, và nó thật hấp dẫn, nhưng bạn không muốn nghỉ việc ở công ty. Thuyết phục để sếp hiểu rằng việc tăng lương cho bạn sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí tìm kiếm, tuyển dụng rồi sau đó đào tạo và huấn luyện một nhân viên mới.
Tuy nhiên, bạn không được khinh suất khi sử dụng cụm từ này. “Bạn phải hiểu rõ rằng đây là một đề xuất mang tính rủi ro: Nó có thể phản tác dụng. Vì vậy, đừng chọn chiến lược này nếu bạn không thực sự muốn rời khỏi công ty hiện tại hoặc bạn chưa có trong tay lời mời làm việc tại công ty mới nào cả,” Cohen cảnh báo.
“Anh/chị có phiền không khi tôi muốn có vài ngày để xem xét đề nghị?”
Ngay cả khi đã nhận được một đề nghị tốt quá mức mong đợi, hãy để “cuộc chơi” tiếp diễn theo cách thú vị nhất có thể. “Việc đầu tiên bạn nên làm sau khi nhận được đề nghị là yêu cầu nhà tuyển dụng cho bạn thời gian cân nhắc,” Doody nói. Điều này sẽ giúp bạn hoàn thành một số điều: cho bạn thời gian để xem xét đề nghị, xác định mức phản hồi (counter-offer) thích hợp, và bắt đầu xây dựng tình huống hỗ trợ việc đàm phán của bạn sau này. Đặc biệt, nó cho phép bạn có thể chuyển sang cách đàm phán bằng email khi chưa sẵn sàng. Theo Doody, đây là chìa khoá giúp bạn thực hiện thành công một counter-offer.
Nhiều người muốn phản hồi đề nghị qua emai bất cứ khi nào có cơ hội vì có thể cân nhắc chính xác những gì họ muốn nói. Cuộc đàm phán lương của bạn sẽ thành công hơn nếu bạn lựa chọn cẩn thận con số đối ứng và làm rõ lý do vì sao mình đề nghị như vậy, Doody giải thích.
“Cảm ơn”
Những cụm từ như “Vui lòng” hay “Xin cảm ơn” không mất đi tầm quan trọng mặc dù chúng ta đã được học về chúng từ thời mẫu giáo, trong kinh doanh, cách cư xử này còn có thể là điều quan trọng nhất.
“Sau khi kết thúc cuộc thảo luận về lương, để duy trì sự chuyên nghiệp, hãy chắc chắn rằng bạn luôn nói lời cảm ơn những người đã dành thời gian ngồi lại với mình” - Bakke nhắc nhở. Đó không đơn giản chỉ là điều đúng đắn phải làm - nhiều khả năng nhà tuyển dụng sẽ thích đáp ứng cho mong muốn và nhu cầu của một ứng viên lịch sự, chuyên nghiệp biết thể hiện sự tôn trọng.
(Nguồn: CareerBuilder)