- Tiếp tục thảo luận dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) chiều nay (9/11), nhiều ĐB yêu cầu có những chế tài nặng tay, kiên quyết hơn đối với tội phạm tham nhũng.
>> Mài sắc vũ khí báo chí chống tham nhũng
>> Tịch thu tài sản cố tình che giấu
Cứ tham nhũng là buộc thôi việc
ĐB Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) thấy "xử lý các hành vi tham nhũng ở nước ta còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng mà tham nhũng gây ra, là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ".
Ông Tụy đề nghị ghi rõ trong luật: “Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất theo quy định của pháp luật, chức vụ càng cao thì phải tăng nặng hình phạt. Các hành vi tham ô, tham nhũng liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách xã hội, đóng góp nhân đạo, từ thiện cũng phải tăng nặng hình phạt”.
Ông Tụy cũng không đồng ý quy định chung chung "chịu trách nhiệm" mà muốn ghi rõ “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải bị cách chức về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ".
"Nếu có văn hóa từ chức thì xin từ chức trước”, ĐB Lạng Sơn nói. "Có vậy họ mới ý thức hết trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, mới răn đe người khác, vì chống có hiệu quả là giải pháp tốt nhất để phòng có hiệu quả".
ĐB Lê Đình Khanh |
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) thì lưu ý sửa ngay một quy định trong dự thảo luật về việc "người có chức vụ quyền hạn mà chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng thì được giảm nhẹ trách nhiệm nhận kỷ luật hoặc hình sự".
"Việc này đã vô tình gợi ý cho đối tượng có ý định tham nhũng 'cứ tham nhũng đi, sẽ thoát tội nếu xin từ chức'", ông Khanh chỉ ra.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) lại thấy cần một chế định chặn đứng tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Cần đưa chế định hồi tố vào trong luật để xử lý những trường hợp chưa phát hiện hoặc đã phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng nhưng vì lý do ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia hoặc vì lý do đặc biệt khác mà chưa thể xử lý vì hành vi tham nhũng khi họ còn đang đương chức.
Các ĐB lưu ý cả nguy cơ tham nhũng trong cán bộ, công chức. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chỉ ra: "Không phải hành vi tham nhũng nào cũng phát hiện được nhưng chừng nào nhận thức của cán bộ, công chức là nếu cứ tham nhũng là có thể bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc thì mới có thể thực thi pháp luật có hiệu quả."
Vì vậy ông Cương đề nghị "tất cả cán bộ, công chức, cứ tham những là buộc thôi việc, không có khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ thưởng gì hết".
"Thật trớ trêu khi tôi chứng kiến có những trường hợp những công chức bị truy tố, đi tù vì những hành vi có liên quan đến tham nhũng về vẫn được cơ quan cũ tiếp nhận", ĐB Ninh Thuận chia sẻ.
Mô hình UB quốc gia về phòng, chống tham nhũng
Rất nhiều ĐB đề nghị thành lập một cơ quan PCTN độc lập trực thuộc QH, nhưng luật sư Trương Trọng Nghĩa là người duy nhất cho đến nay dựng nên được mô hình tương đối hoàn chỉnh của cơ quan này.
Xem clip phát biểu của ĐB Trương Trọng Nghĩa:
Ủy ban quốc gia về PCTN, theo ĐB TP.HCM, là cơ quan tối cao của đất nước trong công tác này, trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất, có quy chế đặc biệt, không tương đương hay giống các ủy ban khác của QH, trực thuộc và chịu trách nhiệm trước QH, có bộ máy hoạt động riêng, trong đó có bộ phận điều tra riêng, chịu sự giám sát và chất vấn của UB Thường vụ QH, của các UB và các ĐB giữa và trong các kỳ họp.
Các chức danh của UB này như chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên do QH bầu. UB này có một số đơn vị trực thuộc đảm trách các chức năng phòng ngừa, điều tra, giám sát phối hợp, pháp chế...
Ông Nghĩa đề nghị QH bầu ĐB Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng, làm Chủ tịch UB này. Tổng bí thư sẽ vừa là người phụ trách cao nhất công tác PCTN của Đảng, vừa có bộ máy tham mưu của Đảng là Ban Nội chính, vừa có bộ máy nhà nước thực hiện chức năng PCTN.
"Việc Đảng trực tiếp lãnh đạo PCTN như vậy là chính danh và hợp pháp", luật sư Nghĩa nói. UB này độc lập với hành pháp và tư pháp, nhưng không chia cắt mà có sự phối hợp nhịp nhàng.
UB này có thẩm quyền điều tra đặc biệt cả về Nhà nước và Đảng, là điều tra PCTN, quản lý cán bộ công chức chứ không phải điều tra vụ án hình sự, nếu thấy đủ yếu tố buộc tội có thể chuyển cơ quan hình sự giải quyết tiếp hoặc chuyển Viện kiểm sát để truy tố, nhưng có khi chỉ cần chuyển cơ quan hành pháp hoặc tổ chức Đảng để xử lý. Việc điều tra có thể không dẫn đến án hình sự mà chỉ cách, hạ chức hoặc thuyên chuyển công tác, thu hồi tài sản bất minh.
Cơ quan này có những thẩm quyền điều tra do luật định và Đảng định, đối với cán bộ công chức mà Công an hoặc VKS không có, ngược lại không có một số thẩm quyền của hai cơ quan trên.
ĐB Trương Trọng Nghĩa khẳng định: Mô hình này phù hợp với Hiến pháp về quyền hạn và chức năng giám sát của QH, về sự lãnh đạo của Đảng và nhu cầu thực tế về PCTN, phù hợp xu hướng thế giới, hợp lòng dân và ĐBQH về một cơ quan PCTN độc lập, có thẩm quyền đặc biệt, tinh nhuệ, liêm khiết.
Chung Hoàng - Ảnh: Minh QuangNguồn clip: VTV