- Một số chung cư hiện đang diễn ra tình trạng nuôi gà, nuôi cún, trưng dụng hàng lang để phơi quần áo, đun bếp than tổ ong… không khác gì các khung cảnh sinh hoạt nơi các làng quê.
TIN BÀI KHÁC
Đã có kết quả kiểm tra lương EVN
Tìm được hàng trăm chỉ vàng sau khi cháy chợ
Cháy rụi kho hàng, giữ được 50 tỷ đồng
Ngán ngẩm với rác…xuân
“Một miếng giữa làng…”
Dù ở chung cư nhưng không ít người dân vẫn giữ những thói quen tùy tiện, ích kỷ trong cách ứng xử đã khiến cho các chung cư này có tiếng là “xác phố” nhưng lại mang “hồn quê”.
Anh Hà Lâm (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ở chung cư anh đang sống, nhiều chị, em cứ ngày rằm hoặc mùng 1 âm lịch lại hóa vàng ngay ở hành lang, ban công rồi cứ thế để gió thổi tàn lửa bay mù mịt khắp nơi.
“Có hôm vợ tôi đi làm về mở cửa thấy nhà lem nhem những vết tàn giấy cháy đen. Hóa ra lúc sáng tôi đi làm sau mà quên đóng cửa sổ, nên nhà hàng xóm hóa vàng mã gió thổi bay sang cả nhà tôi. Có sang nhắc nhở, cũng được một thời gian rồi đâu lại vào đấy…”, anh Lâm ngậm ngùi.
Đun bếp than ngay trong lối đi chung (Ảnh: Bee.net.vn) |
Nhiều hộ dân ở chung cư anh Lâm ở còn “sẵn tiện” hành lang rộng rãi đặt ngay bếp than tổ ong. Mỗi lần đỏ bếp là cả dãy nhà cũng sực mùi, thậm chí ngùn ngụt khói.
Nhà toàn người lớn còn cảm thấy ngột ngạt, nhiều hộ dân khác còn bức xúc hơn khi gia đình họ có con nhỏ mà phải sống trong một bầu không khí ô nhiễm.
Thậm chí, anh Hoàng và hàng xóm ở một chung cư Mỹ Đình, Hà Nội cũng một phen tá hỏa vì thùng rác bỗng nhiên bốc cháy đùng đùng. Nguyên nhân là do một bà ở tầng 5 chung cư vô tư đổ than tổ ong còn cháy dở xuống thùng đựng rác. Tàn lửa còn âm ỉ cộng với rác trong thùng đã bùng lên cháy.
“Rất may được phát hiện kịp thời nên đám cháy đã được dập tắt và không để lại hậu quả gì nghiêm trọng chứ cái kiểu vô ý thức như thế cả chung cư về “chầu ông vải” lúc nào chẳng hay…”, anh Hoàng Bức xúc cho biết.
Cũng theo anh Hoàng, “bà tầng 5” này cũng thường xuyên bị các hộ khác phàn nàn khi rác, nước thải… vẫn cứ thản niên “vèo” xuống những tầng dưới.
Anh Hoàng phàn nàn: “Nhiều hôm ra ban công nhìn thấy cả một nắm tóc rối được vo tròn nằm ngay đấy. Bà này có thói quen mỗi lần chải tóc là vo tóc rối, tóc rụng rồi thản nhiên ném xuống, gió đưa bay đi đâu thì đi”.
“Dẫm phân chó là may” ?!
Chị Lành chủ một căn hộ ở chung cư Cầu Giấy, Hà Nội cũng chia sẻ: “Mấy ngày trước trời không mưa tôi lại thấy có một vũng nước gần nơi chờ thang máy... cứ ngỡ đứa trẻ nào nghịch ngợm, làm đổ nước.
Sáng đầu tuần đi làm, bước ra hành lang thì đập vào mắt là “sản phẩm” của con chó nhà nào nằm chình ình ra đấy. Chả hiểu nhà nào dẫn chó đi dạo mà vô ý thức như thế”.
Chị Lan, cùng chung cư này, cũng đồng tình: “Mình thấy có một số gia đình nuôi chó ở chung cư, cứ chiều chiều cho chó xuống rồi "phóng uế" bừa bãi ở đường đi và công viên.
Thằng con trai mình vốn hiếu động, có mấy lẫn lỡ “dính chưởng” của các chú cún vào đế giày rồi. Nó còn hồn nhiên bảo chú T. (chủ nhân của con cún) bảo là "dẫm phải phân chó là may đấy mẹ!"".
Chị Lan còn kể, một hộ gia đình trong khu chung cư chị còn có sáng kiến nuôi gà trong... lồng chim cảnh khiến các hộ khác không khỏi bức xúc.
Nhà này vốn được người quen cho cặp gà quê nên "chần chừ" chưa dám ăn mà để dành đến ngày rằm. Thế là hai vợ chồng chủ hộ liền trưng dụng cái lồng chim cảnh cũ để nhốt hai chú gà để ngay ngoài hành lang. Hằng ngày, để tẩm bổ cho gà chờ ngày giết thịt, đôi vợ chồng này thay nhau cho gà ăn cơm nguội.
"Mùi phân gà, cơm mốc vương vãi...rất mất vệ sinh. Lắm hôm con gà xổ chuồng còn bay, nhảy tứ tung khắp nơi. Nhiều hộ dân khác còn thảng thốt khi mỗi sáng nghe gà gáy te te từ chung cư mà giật mình", chị Lan trăn trở.
"Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường"
Không chỉ trưng dụng không gian chung làm lợi cho nhà mình, nhiều chung cư còn khốn khổ vì những tiếng ồn từ các hộ dân bên cạnh.
Bạn đọc Trần Hữu Khôi chia sẻ trên một diễn đàn: “Vừa rồi, tôi có về quê thăm bố mẹ sống tại khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Quan sát cách sinh hoạt của người dân ở đây tôi không khỏi chạnh lòng, sao người Việt mình lại thiếu văn hóa đến vậy. Cứ chiều đến trẻ con lại đùa nghịch, hò hét om sòm, tối đến các bà mẹ cứ buôn dưa lê inh ỏi ở hành lang. Thậm chí, cò bà mẹ còn đánh con, sỉ nhục con mà cả tầng nghe thấy…”.
Trẻ con vui đùa ở một chung cư (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Anh Kiên, nhân viên ngân hàng, có chị họ cũng đang sống chung cư ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, nhiều nhà ở khu chung cư này còn có thói quen hóng chuyện của nhau.
Vợ chồng chị của anh Kiên đang bàn nhau định bán căn hộ này để mua nhà đất. Tuy nhiên, việc bàn bạc chưa xong thì mấy hôm sau cả dãy nhà anh chị đều biết rõ anh, chị này định mua nhà dưới đất, ở đâu, giá cả thế nào…
“Chị mình được một bà trong tòa nhà hỏi thăm mà choáng. Tất cả còn trong dự định thế mà…”, anh này kể.
Cũng theo anh Kiên, chỉ một tuần ở đây, anh được chứng kiến bao cảnh giở khóc dở cười. Ngay cạnh căn hộ của chị anh Kiên là một đôi vợ chồng 9x. Hai vợ chồng đều là người tỉnh lẻ, nhà người chồng bán mấy mảnh đất được giá nên bố mẹ mua cho một căn hộ chung cư.
“Sáng ngày đôi vợ chồng này quấn quýt lấy nhau nhưng lúc xảy ra “chiến sự” thì cả khu nhà được phen mất ngủ. Khi được một chị cùng dãy nhà nhắc nhở “đóng cửa bảo nhau” thì cô vợ mặt còn búng ra sữa thật thà: “Lúc nóng giận lên rồi thì làm gì mà chú ý được có ai để ý đến chuyện nhà mình hay không hả chị?”
Trên diễn đàn webtretho, một thành viên cũng than phiền: "Chung cư, ngay cái tên của nó đã rất là phức tạp ồn ào rồi. Các bố, mẹ ở chung cư cao cấp nên yên tĩnh, chứ chung cư nhà mình thì bôm bốp, chan chát suốt ngày..."
Lê Minh