Theo cây bút John McKenna trên diễn đàn Medium.com, nỗi sợ hãi khi nhìn thấy pin của thiết bị di động chỉ còn 1% và bạn không đem theo cục sạc bên mình hoặc cảm giác lạnh sống lưng khi chợt nhớ ra mình đã bỏ quên điện thoại ở nhà mà đa số mọi người đều mắc phải là triệu chứng của một dạng bệnh lí mang tên "nomophobia".
Thuật ngữ "nomophobia" được các nhà tâm lý học dùng để miêu tả nỗi sợ của những cá nhân mắc chứng lệ thuộc quá nhiều vào smartphone. Trong đó, từ "nomo" nghĩa là "no mobile phone" (không điện thoại), còn "phobia" là thuật ngữ tâm lý học miêu tả nỗi sợ.
Nguồn cơn của căn bệnh
John Laprose, tiến sĩ chuyên ngành an ninh mạng thuộc đại học North America cho rằng nguyên nhân con người ngày càng phụ thuộc vào smartphone đến mức hành vi này trở thành một dịch bệnh chính bởi bản thân người sử dụng.
Trước hết, ông phân tích những yếu tố hình thành nên tính cách một con người cũng như niềm tin vào bản thân để đạt được những kỳ vọng mong muốn của họ, chúng bao gồm: trải nghiệm (hành động đã làm), sự mô phỏng (bị tác động bởi hành vi) và tính nhạy cảm (ảnh hưởng bởi lời nói). Một con người có tình trạng tâm lý tốt khi các yếu tố đã nêu trên đều hòa hợp và giữ trạng thái tích cực.
Tuy nhiên, bản chất sâu thẳm của loài người là luôn luôn dè chừng mọi sự tổn thương cũng như dễ dàng bị thao túng bởi các tác nhân từ chính cộng đồng. Theo đó, sự ra đời của smartphone, một thiết bị giá rẻ, dễ mua, mẫu mã đa dạng, trên hết thảy là tính cá nhân tuyệt đối làm người dùng trở nên tự tin khi giao tiếp bằng cách tạo ra một vỏ bọc xã hội hoàn hảo, có phần ngụy tạo.
Chính vì thế, từ ngày đầu tiên ra đời cho tới nay, smartphone luôn nằm trong tốp các loại sản phẩm có doanh số bán hàng cao nhất trên toàn thế giới.
Smartphone: Vị cứu tinh hay kẻ tội đồ
Chụp ảnh, quay phim, thu âm với hiệu suất mạnh mẽ và khả năng chỉnh sửa dễ dàng, nhanh chóng, smartphone dần trở thành công cụ bất li thân với cơ số người sử dụng. Bên cạnh đó, smartphone còn góp phần định hình và dân chủ hóa ngành báo chí truyền thông hiện đại, vì những nguồn thông tin nóng sốt không còn mang tính độc quyền như trước.
Với chiếc smartphone trên tay, nhân chứng tại hiện trường có thể chụp, quay và bình luận ngay thời điểm sự việc diễn ra, điển hình là những hình ảnh cũng như video clip luôn được cập nhật từ chiến trường Trung Đông hay vụ rơi máy bay MH17.
"Đây là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ. Việc con người được trang bị một thiết bị hoàn toàn đa dụng với tính cá nhân cực kì cao là chưa hề có tiền lệ. Sự ra đời của smartphone cho phép con người ngụy tạo một vỏ bọc hoàn hảo, an toàn để tiếp xúc với cái xã hội vốn được cho đầy rẫy nguy hiểm này", John Laprose cho hay.
Ngoài chức năng gọi/trả lời và nhắn tin truyền thống của một chiếc điện thoại thứ thiệt, smartphone cung cấp cho người dùng nhiều loại hình giải trí theo nhu cầu, từ Candy Crush, iTunes cho đến Netflix, việc nghe nhạc, xem phim chưa bao giờ dễ dàng đến thế.
Không những thế, smartphone cho phép kết nối với nhiều người, nhiều cộng đồng đa sắc tộc trên phạm vi toàn thế giới, xóa bỏ hoàn toàn mọi khoảng cách địa lý và xã hội.
Smartphone: Cơn nghiện thế kỷ 21
Loài người dần xem smartphone như một "tiện ích" không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.
"Chúng ta chạm vào smartphone khoảng hơn 2.500 lần/ngày. Như vậy là nhiều hơn 100 lần ta động chạm người ta thương yêu. Lý do lí giải cho con số không thể tưởng tượng trên là vì thiết bị không ngừng gửi rất nhiều thông báo làm người dùng chú ý chẳng hạn như mỗi lần có ai đó nhắn tin, ứng dụng cần cập nhật, thông tin quảng cáo và tỉ tỉ những thứ vô dụng khác. Một khi bạn khởi động smartphone, bạn sẽ không thể nào dừng sử dụng", Leonid Bershidsky, tay bút trên trang Medium.com chia sẻ.
Các nghiên cứu sinh tại Đại học Hongkong và trường Đại học Sungkyunkwan, Seoul, Hàn Quốc cho hay mối liên kết giữa thiết bị di động và người dùng mạnh mẽ tới nỗi gây nên căn bệnh nomophobia là do những thông tin cá nhân như tin nhắn, hình ảnh, video clip được lưu trữ trong thiết bị.
Theo một khảo sát mới đây của CNNtại Mỹ, khoảng 50% người trẻ dính phải căn bệnh nomophobia, trong khi 69% phụ huynh của họ thường xuyên động vào smartphone và 72% người trẻ tuổi cảm thấy cần phải check tin nhắn và thông báo thường xuyên.
"Bất kì ai cũng có thể nghiện smartphone. Nếu con của bạn chỉ thích suốt ngày cắm đầu vào chiếc điện thoại hơn là ra ngoài gặp gỡ chơi đùa cùng chúng bạn, thì bạn đang gặp vấn đề trầm trọng hơn bạn tưởng", Hollands Haiis, chuyên gia cai nghiện đồ chơi công nghệ cao chia sẻ.
Liệu pháp cho căn bệnh
Brenda K. Wiederhold, chủ biên tờ tạp chí Cyberpsychology, Behavior, and Social Networking cho hay những người mắc phải căn bệnh nomophobia có thể tham gia những liệu pháp trị liệu đặc biệt mang tên Trị liệu thanh lọc điện tử (digital detox).
"Biện pháp thanh lọc trị liệu này tập trung vào những sản phẩm công nghệ cao, cách li người dùng và smartphone của họ cho phép bản thân quen dần với việc không có smartphone bên cạnh", Widerhold giải thích.
Tại Anh, độ tuổi có số giờ sử dụng internet nhiều nhất là từ 16-24 và cũng chính là độ tuổi cần trải qua liệu pháp thanh lọc điện tử. Hơn nữa, độ tuổi này chính là bước đệm của tầng lớp tri thức cốt lõi, nhưng càng sử dụng smartphone, lại càng phát sinh nhiều bệnh lý xã hội gây nên suy giảm chất lượng lao động.
Trải nghiệm quá trình thanh lọc điện tử không những cải thiện sức khỏe tâm lý của bản thân, giảm stress mà còn giúp các tín đồ công nghệ cao làm việc hiệu quả.
"Khi chúng ta dừng công việc đang làm lại và check email hay dùng smartphone, bộ não chúng ta tiêu tốn 23 phút để có thể làm việc trở lại", Tinna Nielsen, một nhà nhân chủng học phát biểu.
Nielsen khuyên người dùng nên tắt toàn bộ các thông báo trên smartphone về tin nhắn hoặc cập nhật ứng dụng và đặt ra một khoảng thời gian nhất định để kiểm tra toàn bộ chúng, khi chúng ta đã hoàn thành xong công việc hoặc khoảng thời gian nghỉ xả hơi chẳng hạn.
Hoặc người có thể hiệu chỉnh chế độ tự trả lời tin nhắn hoặc email, cho người nhận biết bạn sẽ trả lời mọi thứ vào khoảng thời gian nhất định và bảo người gửi hãy gọi điện thoại nếu như có công chuyện khẩn cấp.
Theo Zing