Dịch bệnh lan nhanh khiến toàn bộ nền kinh tế trì trệ, hầu hết mọi ngành nghề đều đang bị ảnh hưởng. Trong đó, mảng bán lẻ các mặt hàng không thiết yếu chịu tác động khá mạnh do người dân đang ưu tiên chi tiêu vào những thứ cần thiết, đồng thời tiết kiệm để vuợt qua giai đoạn khó khăn. Yêu cầu không tụ tập nơi đông người của các cơ quan y tế cũng khiến nhiều trung tâm mua sắm, các cửa hàng trở nên vắng vẻ.
Từ các cửa hàng bán điện thoại di động nhỏ lẻ đến các chuỗi lớn đều chịu tác động dây chuyền trong mùa dịch này. Ông Huỳnh Phú Hải, chủ 5 cửa hàng điện thoại tại TP.HCM cho biết, doanh thu những ngày giữa tháng 3 bắt đầu giảm hẳn, thấp hơn 30% so với ngày thường.
Từ sau Tết, ông Hải cho hay doanh thu có giảm nhưng không nhiều, vì giai đoạn này hàng năm là mùa thấp điểm, do khách hàng đã dồn tiền mua hàng trong mùa Tết. Tuy nhiên ngay khi Việt Nam có các ca nhiễm thứ 17 trở đi, tức dấu mốc thứ hai sau khi 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 trước đó đã được chữa khỏi, tình hình kinh doanh giảm hẳn.
Ông Nhật Huy, chủ cửa hàng ở Quận 10 (TP.HCM) than phiền gần đây doanh thu xuống thấp, thậm chí có lúc chỉ được 1/3 so với ngày thường.
Chuỗi Thế Giới Di Động cho biết từ tháng 2/2020 đến nay, các cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM của họ có dấu hiệu kinh doanh giảm. Ngược lại, các cửa hàng ngoài hai khu đô thị này ít bị ảnh hưởng hơn. Cần biết rằng, các cửa hàng ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm gần 80% tổng số lượng cửa hàng của tập đoàn này (nhưng doanh thu các cửa hàng ngoài hai thành phố chính có lẽ thấp hơn).
Để duy trì kinh doanh trong mùa khó khăn, các nhà bán lẻ tung ra nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cắt giảm chi phí và gia tăng doanh thu.
Ông Nguyễn Anh Văn, đồng sáng lập chuỗi CellphoneS, nói với ICTnews rằng đang thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, tập trung vào những nguồn chi phí lớn. Chẳng hạn, xin chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng, cắt giảm ngân sách quảng cáo. Ngoài ra, các chi phí không cố định như điện, nước, văn phòng phẩm cũng được tối ưu.
Hệ thống này cố gắng duy trì doanh số bằng cách giảm thêm giá bán, kết hợp với nhà phân phối và hãng để có thêm ưu đãi với từng sản phẩm. Ngoài ra, cũng đẩy truyền thông mạnh hơn về giao hàng tại nhà để khách có thể mua tại nhà nếu ngại ra cửa hàng.
Ở chuỗi lớn hơn như Thế Giới Di Động, nhóm giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 cho tới khi dịch được kiểm soát vẫn tập trung cắt giảm chi phí và tăng doanh thu.
Chẳng hạn, để tăng doanh thu, chuỗi này đẩy mạnh bán hàng qua nhiều kênh (bao gồm online), tập trung bán các sản phẩm có nhu cầu cao trong mùa dịch (do tập đoàn này còn có thêm chuỗi Bách hoá Xanh và nhà thuốc An Khang - vốn có các mặt hàng được mua nhiều trong dịch).
Bên cạnh đó, nhà bán lẻ này còn đặt chỉ tiêu lấy thị phần của các chuỗi nhỏ hoạt động không hiệu quả trong mùa khó khăn này.
Để giảm chi phí, Thế Giới Di Động cho biết đang đàm phán giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh đối với tất cả các chuỗi. Đồng thời, thực hiện các biện pháp để tăng năng suất lao động, hạn chế tuyển dụng mới cho tới khi tình hình dịch bệnh rõ ràng hơn. Ngoài ra, rà soát hoạt động vận hành tại cửa hàng và văn phòng để tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, vẫn phải chuẩn bị các kịch bản cần thiết để đối phó với từng cấp độ diễn tiến của dịch bệnh.
Ở các cửa hàng nhỏ như hệ thống 24H Store, ông Huỳnh Phú Hải chia sẻ đã đàm phán với các bên cho thuê mặt bằng, hầu hết đều đồng ý giảm giá khoảng 10%-20% phí thuê, có nơi giảm được hơn. Ngoài ra, việc mở đèn, mở máy lạnh ở từng cửa hàng cũng rút ngắn lại nhằm tiết kiệm điện.
“Có một số quản lý và nhân viên đề xuất tự giảm lương trong mùa này. Tôi đang cân nhắc xem xét chứ chưa quyết định gì”, ông Hải nói.
Một số nơi khác, như chuỗi Di Động Việt, cho biết nhân viên có thể xin nghỉ không lương trong giai đoạn này.
Thế Giới Di Động cho đến thời điểm giữa tháng 3, tình hình kinh doanh không có nhiều đột biến so với cùng kỳ. Nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến trầm trọng hơn và không kéo dài quá lâu, công ty kỳ vọng tổng doanh thu các tháng tới đây vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.