- Sáng 21/1 vấn đề dạy thêm, học thêm (DTHT) lại được đưa ra mổ xẻ khi tổ Đại biểu Quốc hội TP.HCM có cuộc tiếp xúc cử tri để lắng nghe ý kiến của cán bộ, giáo viên (GV) về vấn đề nhức nhối này.
>> Quản lý dạy thêm, học thêm: Trên đóng dưới mở
>> Bộ trưởng GD-ĐT: Sẽ thanh tra việc dạy thêm
>> Bắt dạy thêm như bắt trộm
>> Quy định dạy thêm có dấu hiệu phá sản
Ông Lê Thanh Hải trò chuyện với các giáo viên |
Không đi học thêm là bị...đì
Cử tri Võ Thị Lệ Thu nguyên phó phòng GD-ĐT quận 5 bày tỏ, một trong những vấn đề tồn tại việc DTHT là do chương trình sách giáo khoa (SGK) quá dài và nhiều bài quá cao siêu so với học sinh (HS).
Cô Thu kể lại câu chuyện khi một GV than rằng: “Cô ơi bài đầu tiên của lớp 5 dài vô cùng, trong 40 phút trên lớp chúng em không thể giảng dạy hết được nên phải dạy thêm..."
Cô thu ví von: “Bàn tay 5 ngón có ngón ngắn ngón dài, có những HS rất thông minh, nhưng có những HS cũng học kém. Mà HS kém thì GV phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với HS. Vì vậy, nếu nghĩ rằng giáo dục (GD) là "quốc sách hàng đầu" thì cần phải thấy được trách nhiệm của GD và luôn hỗ trợ cho GD.
"Điều đầu tiên muốn dạy tốt thì người soạn chương trình cũng phải tốt, không nên bắt HS phải gánh một chương trình dài và nặng như hiện nay" - lời cô Thu.
Cô Liên – một cán bộ tuyên huấn về hưu đưa ra “những góc khuất” không phải khi nào cũng được phơi bày. Ngay đầu năm, khi đưa con đi học, phụ huynh đã thấy rõ được việc GV luôn tìm học trò để dạy thêm. Bằng chứng là tháng nào đầu năm HS cũng nhận được điểm rất thấp mặc dù học tốt, nhưng khi đã cho đi học thêm thì điểm luôn luôn cao.
Cũng theo cô Liên, trong số đông có những GV này, GV khác. Vì vậy việc “đì” HS để được đăng kí dạy thêm như vậy là không nên.
Ở một khía cạnh khác, cử tri Trần Xuân Lục - nguyên trưởng Phòng GD-ĐT quận 5 cho rằng, những năm trước đây GV dạy thêm không được đồng nào nên quan hệ phụ huynh với giáo viên rất tốt đẹp. Nhưng bây giờ đều liên quan đến tiền bạc nên vấn đề lạm thu, DTHT cần phải được chấn chỉnh.
Ông Lục đề xuất: Đối với những HS học giỏi, học khá hiệu trưởng không nên cho DTHT, và ngược lại... Việc DTHT cũng nên phải phân loại ra những lớp HS tự đăng kí, những HS học yếu thì bắt buộc phải lên lớp.
Chương trình phải giảm tải
Cử tri Võ Thị Lệ Thu đề xuất, để giảm tải dạy DTHT chương trình học cần phải ngắn gọn và phù hợp với lứa tuổi.
“Tôi đồng ý những HS giỏi có thể không học thêm, những HS có gia đình là nhà giáo thì phải có trách nhiệm với con cái. Nhưng với những HS cha mẹ lam lũ, lao động, trình độ không có nếu không DTHT thì không thể nắm được bài vở" - cô Thu băn khoăn.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng nhà trường cần phải nắm rõ những em nào cần phải học, em nào tự học được, những em không học thêm có phải rớt do bị “đì” hay không để tránh trường hợp phụ huynh không tin vào GV.
Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Quận 5) - cô Ngọc Oanh cho rằng, hiện nay GV đã được nhà nước quan tâm rất nhiều. Thầy cô được hưởng chế độ thâm niên. Tuy nhiên một bộ phận các thầy cô bảo mẫu của nhà trường chỉ được hưởng lương từ phụ huynh HS nên không được nhận chế độ nhà nước nên vô cùng khó khăn.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt tiếp lời, lý do để DTHT còn rất nhiều, nhưng còn thi ĐH là còn DTHT. Thực tế, có những phụ huynh mời thầy về dạy thêm cho con để con không bị quyễn rũ bởi chơi game. Các trường tổ chức DTHT cũng không loại trừ áp lực về thi đua thành tích…
Theo ông Đạt, về vấn đề DTHT là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên vẫn còn còn nhiều điểm tiêu cực khiến phụ huynh nghi ngờ về sự trong sáng của DTHT. Vì vậy trong thời gian tới Sở sẽ tham mưu cho UBND TP để chấn chỉnh tình trạng DTHT bên cạnh đó sẽ giao cho hiệu trường quản lý DTHT. Nơi nào có DTHT thì phải chịu trách nhiệm trước sở.
Ngoài ra Sở cũng sẽ tiến hành kiểm tra DTHT cả trong vấn đề thi cử để có thể chấn chỉnh vấn đề này.
Lắng nghe ý kiến của các cử tri là nhà giáo, giáo viên Bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải – cho rằng, xung quanh vấn đề về DTHT Bộ GD- ĐT đã có Thông tư 17 để chấn chỉnh về vấn đề DTHT. Tuy nhiên buổi tiếp xúc hôm nay đã giúp cho lãnh đạo thành phố, Đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến trực tiếp từ những người trong cuộc để tìm hướng giải quyết phù hợp.
“Tại TP.HCM nhiều năm nay đã có những chủ trương tốt vì vậy vấn đề gì chưa tốt cần phải tập hợp lại để giải quyết. Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ bàn bạc liên tục và tham mưu cho lãnh đạo thành phố, giúp giải quyết các vấn đề về GD” – ông Hải nhấn mạnh.
- Lê Huyền