Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, luôn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, vấn đề về biển Đông được coi là một trong những ưu tiên của cả ASEAN và Trung Quốc.
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
DOC là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được liên quan vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ hai bên. Trên cơ sở đó, các bên tham gia cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực; đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc; nỗ lực thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hơn 1 thập niên qua, DOC đã trở thành một trụ cột, điều cốt lõi trong hành động của các nước ASEAN và Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Tuy nhiên, DOC chưa phải là mục tiêu cuối cùng trong việc cung cấp giải pháp cho các vấn đề tranh chấp trên biển.
Phó Tổng thư ký ASEAN Nyan Lynn cũng nêu thông điệp của Tổng Thư ký ASEAN, trong đó chỉ rõ: “COC vẫn phải đề ra các nguyên tắc thực chất và được xây dựng trên cơ sở quá trình đàm phán với sự tham gia của các bên liên quan. Và tương lai, COC phải là một công cụ pháp lý tổng thể có tính ràng buộc với các quốc gia ASEAN cũng như Trung Quốc. Để từ đó có thể tạo ra một môi trường trong khuôn khổ hòa bình, ổn định, bền vững để giải quyết các tranh chấp trên khu vực biển Đông.”
Để tiến tới sự ra đời của COC đòi hỏi các bên liên quan cần có sự thống nhất về nội dung các điều khoản bao gồm trong đó. Điều này không đơn giản khi cách tiếp cận khác nhau giữa ASEAN và Trung Quốc về COC vẫn còn.
Nhấn mạnh, hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và toàn cầu trong bối cảnh hiện nay, đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định: Biển Đông gắn chặt với khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là khu vực địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng của thế giới. Môi trường hòa bình, ổn định của Đông Nam Á hay khu vực rộng lớn hơn phụ thuộc nhiều vào hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Theo ông Vinh, trong câu chuyện Biển Đông, có nhiều khía cạnh cần chú ý để ứng xử phù hợp.
Một là, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải. Câu chuyện này là lợi ích của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực, cần phải có trách nhiệm thúc đẩy những mục tiêu này.
Hai là, liên quan đến những bên có tranh chấp, đòi hỏi chủ quyền chồng lấn. Điều này yêu cầu các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Ba là, các bên cần quản trị hành vi, không làm phức tạp thêm tình hình, đối thoại và xây dựng lòng tin. Soi vào điều này mới càng thấy rõ vai trò của ASEAN trong đối thoại, thúc đẩy xây dựng lòng tin.
Văn Công, Minh Hưng, Quang Ninh