Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh Thái Bình đã tạo được những chuyển biến tích cực, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc bệt, việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ cải cách thủ tục hành chính đã giúp cải thiển rõ rệt môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thủ tục, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân. |
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không ngừng được cải thiện và thăng tiến trên Bảng xếp hạng toàn quốc. Năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp chỉ số PCI của tỉnh Thái Bình tăng điểm và bậc trên Bảng xếp hạng PCI cả nước so với năm 2018 (đứng thứ 6/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và xếp hạng 28/63 tỉnh, thành trong cả nước).
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính được tỉnh Thái Bình triển khai rộng rãi. Công tác chỉ đạo, điều hành trên Mạng văn phòng điện tử liên thông đạt kết quả tốt. Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông bảo đảm nguyên tắc “Một cửa - Một đầu mối”, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư trên địa bàn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, nhiều thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến theo mức độ 3, sử dụng chữ ký số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thủ tục, thời gian, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân
Năm 2020, tỉnh áp dụng phương án giải quyết thủ tục hành chính công "5 tại chỗ" từ tiếp nhận hồ sơ đến thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng như Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện.
Để thực hiện phương án “5 tại chỗ”, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã bố trí đầy đủ các điều kiện về máy móc, trang thiết bị phục vụ cán bộ, công chức các sở, ngành đến làm việc. 100% sở, ngành đã đăng ký thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại trung tâm. Các thủ tục hành chính được rà soát, cắt giảm bình quân 48,86% lượng thời gian giải quyết so với quy định hiện hành.
Tính đến tháng 3/2020, 106 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện và các cơ quan thuộc tỉnh; 683 cơ quan, đơn vị cấp xã sử dụng Mạng Văn phòng điện tử liên thông; cung cấp hệ thống thư điện tử công dịch vụ tới hơn 6.000 địa chỉ cho cơ quan và công chức toàn tỉnh. Triển khai chứng thư số chuyên dùng cho hơn 5.000 đầu mối cơ quan và cá nhân. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. 100% cơ quan nhà nước sử dụng mạng văn phòng và triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến.
Xây dựng Cổng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình trên ứng dụng Zalo gồm 2 kênh chính là kênh giao tiếp với tổ chức, công dân và kênh giao tiếp với cán bộ công chức, viên chức đã hỗ trợ đắc lực cho các tổ chức, công dân tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ và tiếp nhận các thông tin từ cơ quan công quyền.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Thái Bình, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Minh Phúc