Với đặc thù cư dân đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát điểm thấp, trình độ văn hóa và nhận thức hạn chế, thói quen sản xuất, sinh hoạt xưa cũ đã ăn sâu, một bộ phận hộ gia đình còn tâm lý ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước,... Đó là những khó khăn khi thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo.
Song, có thuận lợi ở chỗ, trong giới trẻ, thanh niên đồng bào đang có chuyển biến về tư duy, dám nghĩ, dám làm và khát vọng vươn lên, không đơn thuần chỉ để thoát nghèo mà muốn làm giàu, từ chính lợi thế của địa phương.
Chuyên canh bưởi da xanh: Không chỉ để thoát nghèo mà còn muốn làm giàu. |
Nhận thấy việc trồng bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, 5 năm trước, một số gia đình đã đầu tư trồng bưởi. Đến nay, các vườn bưởi đã cho thu hoạch.
So với trồng lúa thì cây bưởi da xanh cho hiệu quả gấp vài lần. Một cây bưởi được chăm sóc tốt, khi thu hoạch có thể mang về cho người trồng 3 - 4 triệu đồng tiền bán quả trong một năm. Do bưởi chất lượng cao nên mình không phải lo đầu ra mà đã có người vào tận vườn thu mua”.
Gia đình ông Dương Văn Thuyền là một trong những hộ có diện tích trồng bưởi da xanh lớn nhất huyện Khánh Vĩnh, với 15 ha, trong đó 7 ha đã ra trái.
Ông Thuyền chia sẻ, loại bưởi này rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở Khánh Vĩnh. Bưởi da xanh ở đây có chất lượng đặc biệt: ngọt, thanh, tép bưởi giòn, nhiều nước, ruột đỏ, da xanh, bóng và vỏ mỏng nên thị trường tiêu thụ ổn định. Giá khoảng 45.000 đồng/kg.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa hiện toàn huyện có khoảng 552 ha bưởi da xanh. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 200 ha, năng suất bình quân 7 tấn/ha/năm. Nhiều hộ trồng bưởi da xanh có thu nhập 300-500 triệu đồng/năm.
Đầu tư bài bản, triển khai đề án cây trồng chủ lực
Tính đến nay diện tích bưởi da xanh toàn huyện hiện lên đến 500- 600ha.
Việc phát triển cây bưởi da xanh được triển khai rộng khắp, chiếm phần lớn diện tích ngay sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã cho phép huyện Khánh Vĩnh thực hiện “Đề án xác định cơ cấu cây trồng chủ lực huyện Khánh Vĩnh đến năm 2020”.
Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh đã đặt hàng Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề tài “Phát triển cây bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại Khánh Hòa”.
Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, việc xác lập thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” một mặt nhằm từng bước hình thành vùng chuyên canh bưởi da xanh, gia tăng giá trị thương phẩm, từng bước quảng bá, làm cơ sở để quy hoạch vùng trồng trên quy mô rộng và chuyên nghiệp hơn.
Mặt khác, khi có thương hiệu thì người trồng, chăm sóc, đưa bưởi da xanh ra thị trường cũng gắn trách nhiệm của mình nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín sản phẩm của mình trên thị trường.
Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh tiếp tục tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân dần hình thành các vùng trồng bưởi tập trung; tăng diện tích trồng bưởi trên cơ sở khảo sát nhu cầu của bà con; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất. Qua đó, từng bước thực hiện mục tiêu làm giàu từ chính lợi thế của địa phương.
Lương Bằng
Ảnh: Văn Điệp