Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu chùm 2 bài về sông An Cựu của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà.

Bài 1: An Cựu, dòng sông nghìn năm tuổi

Bài 2: An Cựu, sông xưa soi bóng những mùa vàng

“Này sông ơi, ngọn nguồn của sông là từ nơi đâu?”Ai trong chúng ta chắc cũng từng một lần thầm hỏi câu ấy khi đứng trước dòng sông quê nhà. Trong suốt chiều dài hơn 700 năm lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, nhiều dòng sông đã gắn tên mình cùng hành trình khai canh lập làng, dựng xây cuộc sống của bao thế hệ kế tiếp nhau. Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà sẽ kể về dòng sông An Cựu. Hãy cùng lắng nghe tiếng đời sống của con người cùng mưa nắng của vùng đất mà sông đi qua. 

Sông An Cựu là một chi lưu của hệ thống sông Hương, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế, giao thương, văn hóa về phía Nam của Kinh đô xưa. Điểm đầu của sông được tính từ đập Cửa Khâu (nơi sông Hương và sông An Cựu gặp nhau - thành phố Huế), rồi sông chảy suốt chiều dài gần 30km, đi qua địa bàn 20 phường, xã thuộc thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc. Điểm cuối của sông An Cựu là đập Cống Quan (xã Vinh Hà - huyện Phú Vang) nơi dòng sông đổ nước vào đầm Hà Trung- Cầu Hai. 

Một dòng sông đi ngang giữa lòng phố thị, dân cư đông đúc, dòng sông cũng mang khuôn mặt của đô thị. An Cựu là một dòng sông như thế. 

anh1khoadieuha.jpg
Sông An Cựu (bìa trái) – chi lưu của hệ thống sông Hương. Ảnh: Nguyễn Khoa Diệu Hà

Chúng tôi xuôi dòng An Cựu một sớm đầu hè. Bằng lăng, muồng hoàng yến vẫn còn thả bông trên sông, phượng cũng đã thắp lửa gọi hè. Đón chúng tôi ở đập Cửa Khâu, vợ chồng anh Hà Văn Nghếch, chị Hoa vui vẻ “đi thuyền trên sông An Cựu mùa ni ngắm hoa nở đẹp lắm, bờ sông được xây kè sạch sẽ, dưới sông không còn rác rến trôi nổi như cách đây mấy chục năm trước”. Sông An Cựu, đoạn đi qua chợ Bến Ngự và chợ An Cựu, trước đây từng bị ô nhiễm vì rác thải, vì bèo, nay được trả lại vẻ đẹp trong xanh nhờ những dự án cải tạo môi trường, xây dựng cảnh quan được triển khai tích cực trong suốt nhiều năm của tỉnh và thành phố Huế, ý nghĩa nhất là việc tái định cư cho dân vạn đò trên sông An Cựu. 

Trước năm 1975, tính từ ngã ba Bằng Lãng (điểm đầu sông Hương, xã Hương Thọ) xuống đến chợ Đông Ba, Bao Vinh và các nhánh sông An Cựu, toàn thành phố Huế có 11 vạn đò. Năm 1986, gần 150 hộ dân vạn đò An Cựu đầu tiên được tái định cư. Cuộc thứ hai nằm trong đại dự án tái định cư vạn đò toàn thành phố, thực hiện từ năm 2008 đến năm 2020. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền tỉnh, thành phố, gần 1.000 hộ vạn đò ở sông Hương, sông An Cựu, sông Đông Ba, sông Kẻ Vạn đều được lên bờ tái định cư. 

Ước mơ về một ngôi nhà trên đất liền của bao người dân vạn đò nghèo khổ đã trở thành hiện thực. Những cảnh đời ấy chỉ thật sự thay đổi khi có một chính sách lớn từ Nhà nước, bởi những cư dân vạn đò trên sông, đời này nối tiếp qua đời khác, đa số làm thuê, làm mướn, nghề nghiệp bấp bênh, rất khó để có sự đổi đời. Chính sách tái định cư dân vạn đò cũng góp phần trả lại vẻ đẹp vốn có của các dòng sông và sông An Cựu là một trong số đó. 

Ngay vợ chồng anh Nghếch, chị Hoa (sinh năm 1969) - người chở thuyền cho chúng tôi - trước đây cũng là cư dân vạn đò ở Cồn Hến, gia đình anh chị được lên bờ định cư năm 2008. Với những gia đình vạn đò, có được một căn nhà trên đất liền là ước mơ cả đời người, có khi từ đời ông đến đời cha, rồi đến đời con mà vẫn chưa thực hiện được. 

Anh Nguyễn Ái, cán bộ trẻ phường An Đông - thành phố Huế, dẫn tôi về tổ 22, khu vực 7, phường An Đông - khu tái định cư dành cho bà con vạn đò An Cựu. Anh Ngô Minh (sinh năm 1964) và vợ là chị Lê Thị Thái nói mãi không thôi về niềm vui khi được tái định cư vào năm 2013. Đến nay, anh chị đã xây căn nhà hai tầng khang trang, vững chãi “Có mơ cũng không nghĩ tới” như lời chị Thái. “Gia đình chúng tôi và bà con ở khu tái định cư này đã thật sự an cư, đó là hạnh phúc của cả một đời chúng tôi và con cháu sau này ”, anh Ngô Minh xúc động.

anh3khoadieuha.jpg
Dòng sông uốn mình mềm mại giữa lòng thành phố Huế. Ảnh: Nguyễn Khoa Diệu Hà

Ánh nắng ban mai xuyên qua những tán lá xanh, cuộc dạo chơi bằng thuyền trên sông An Cựu trở nên hào hứng khi chúng tôi lần lượt lướt qua những công trình kiến trúc đẹp tuyệt vời hai bên bờ sông: Ga Huế, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, nhà lưu niệm Đức Từ Cung, Phủ Tùng Thiện Vương, cung An Định và nhiều phủ đệ với mái cổng vòm in dấu thời gian.

Đem câu ca dao “Sông An Cựu nắng đục mưa trong” tôi hỏi nhà nghiên cứu- giảng viên Nguyễn Quang Trung Tiến, trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), ông lý giải “Tại sao nắng đục mưa trong, giải thích về mặt thủy sinh chẳng hạn, sông An Cựu nhỏ, lòng sông nông nên mùa khô, nước thấp, dễ thấy đáy nên bao nhiêu loại thủy sinh, bao nhiêu phù du sẽ khiến cho dòng sông khi nhìn thấy đáy thì không còn trong nữa.Về góc độ hóa lý thì người ta giải thích các oxit sắt bị oxy hóa thì kết tủa tạo màu vàng nhạt hay nâu, vào mùa nắng to, nước thấp nhìn thấy đáy nên đục, còn mùa mưa, nước dâng cao che lấp phần đáy nên trong. 

Thật ra giải thích như vậy là giải thích hiện tượng mà chưa thấy bản chất. Bản chất đó chính là sự chuyển dòng của sông An Cựu, trục chính chuyển sang sông Hương. “Vào mùa mưa, sông Hương nước đục cuồn cuộn chảy về, còn sông An Cựu không nhận được nước vì bị tắc nghẽn, nó chỉ chứa nước mưa chứ không phải nước lũ, vì vậy so với sông Hương thì sông An Cựu trong hơn. Ta phải hiểu trong là so sánh với sông Hương vào mùa lũ”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến nói rành rẽ về sông An Cựu như những dòng chữ đang hiện ra trước mắt ông, bởi lẽ ông đã dành hơn hai mươi năm nghiên cứu, đi điền dã, ghi chép, chụp ảnh, đọc và dịch nhiều tài liệu về hệ thống các dòng sông, biển và các cửa biển ở Thừa Thiên Huế về mặt lịch sử, địa lý, kiến tạo địa chất. Với sông An Cựu, nguyên thủy đó là một dòng sông cổ, có niên đại khoảng 2.500 năm. Do kiến tạo địa lý và thay đổi đột ngột về chế độ thủy văn nên nước chuyển dòng làm con sông bị giảm lưu lượng nước, bồi lấp, thu hẹp dần và đứt đoạn, đánh mất vai trò là nguồn cung cấp nước chính cho phá Hà Trung - đầm Cầu Hai và cửa biển Tư Hiền kể từ đầu thế kỷ XV. 

“Trong 2.500 năm đó thì 2.000 năm đầu, hệ Tam Giang - Cầu Hai chỉ có một cửa biển là cửa Tư Hiền (ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) và nhận lượng nước đổ về từ sông An Cựu. Lúc ấy, dòng chảy sông Yêu Lục (sông Hương sau này) theo nhánh sông An Cựu cổ đổ ra đầm Hà Trung - Cầu Hai rồi ra cửa Tư Hiền để hòa vào Biển Đông. Do dịch chuyển về mặt kiến tạo địa chất của sông Hương dẫn đến năm 1404, vỡ thêm một cửa biển, là cửa Eo (cửa Thuận An). Quá trình chuyển dòng ấy dẫn đến hệ quả, dòng mới trở thành dòng chính, dòng cũ bị bồi tụ, lắng đọng và sau đó bị phân cách bởi những bãi bồi. Đó là lý do làm sông An Cựu cổ “chết” dần đi”. 

anh4khoadieuha.jpg
Hoa lá soi bóng xuống dòng sông An Cựu đoạn đi qua trung tâm thành phố Huế. Ảnh: Nguyễn Khoa Diệu Hà

Phải mất hơn 400 năm sau, công cuộc nạo vét, khơi thông dòng sông An Cựu được vua Gia Long cho tiến hành từ năm 1814 đến năm 1816 với hàng vạn quân và dân, hàng trăm ngàn quan tiền và “gạo cũng ngang thế”. Các vua Nguyễn đời sau như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục chăm lo công cuộc thủy lợi trên sông An Cựu, việc nạo vét do triều đình tổ chức nên có sự nhầm lẫn sông An Cựu là sông đào, vì thế dòng sông đi ngang qua địa phương nào là địa phương ấy đặt tên nên sông An Cựu có đến 12 tên gọi, trong đó phổ biến nhất là ba tên An Cựu, Phủ Cam và Lợi Nông. Trên thế giới, chuyện đặt tên sông theo từng địa phương nơi dòng sông đi qua là khá phổ biến nhưng có nhiều tên như sông An Cựu là chuyện hy hữu. 

Được nạo vét, khơi thông, sông An Cựu cổ có một cuộc hồi sinh ngoạn mục. Hàng vạn mẫu ruộng ở Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc được cung cấp nước đầy đủ, hàng ngàn mẫu ruộng gần đầm phá nhiễm mặn được thau chua, rửa mặn, đồng ruộng được phục sức, làm nên những mùa vàng no ấm, dòng sông cũng trở thành huyết mạch giao thông đường thủy từ phía Nam kinh thành Huế về vùng đầm phá Hà Trung- Cầu Hai. Lợi ích thật không thể nói hết. Vì thế năm 1821, vua Minh Mạng cho đổi tên sông An Cựu thành Lợi Nông, với ý nghĩa làm lợi cho nhà nông. Một tên gọi thật gần gũi, dễ hiểu với toàn dân thiên hạ. 

Dòng sông cổ được tiếp thêm “sức trẻ”, cuộc hồi sinh sông An Cựu làm nổi bật những thành tựu về nông nghiệp dưới thời các vua đầu triều Nguyễn. Thủy lợi được quan tâm hàng đầu trong toàn bộ chính sách trọng nông, khuyến nông của triều đình. Những công trình thủy lợi từ thời ấy cho đến nay vẫn còn phát huy giá trị. Tổng kết trong vòng 30 năm, từ 1814 đến 1844, triều Nguyễn đã cho nạo vét, khơi thông và đào mới tổng cộng 8 con sông, trong đó có 6 con sông được khắc vào Cửu Đỉnh: Lợi Nông, Phổ Lợi (Huế); Vĩnh Định (Quảng Trị); Vĩnh Điện (Quảng Nam); Cửu An (Hưng Yên), kênh Vĩnh Tế dài gần 100 km và trở thành biên giới tự nhiên giữa Việt Nam- Campuchia.

Mỗi dòng sông không chỉ đóng góp hình hài tạo nên đất nước mà còn là nơi ghi dấu lịch sử, soi bóng văn hóa, đời sống, con người Việt Nam. “Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/ Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/ Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...” (thơ Nguyễn Khoa Điềm). Cho nên khi đứng trước dòng sông quê nhà, tình yêu quê hương trong mỗi người cứ trào dâng mà không cần lời giải thích. 

Hơn hai trăm năm đã trôi qua kể từ ngày dòng sông cổ An Cựu được sống lại, xưa và nay, màu xanh của lúa và hoa màu trên những cánh đồng được tưới đẫm nước mát của sông An Cựu-Lợi Nông, vẫn mãi một màu xanh nguyên thủy. “Liền suốt bên sông muôn đám ruộng/ Đẹp thay lúa đã trổ bông tươi/ Nhà nông biết chắc ngày sau gặt/ Già xóm truyền hơn buổi trước thôi” (thơ vua Thiệu Trị). 

Nhưng cuộc sống là một dòng chảy, trên cánh đồng quen, cây lúa ngày nay cũng có nhiều thay đổi, người nông dân làm ruộng thời đại công nghiệp nay cũng khác xưa.

Những cánh đồng lúa và những người dân hiền lành sẽ kể tiếp câu chuyện của mình về dòng sông An Cựu, mời quý vị đón đọc ở bài 2: “An Cựu - sông xưa soi bóng những mùa vàng”.

Nguyễn Khoa Diệu Hà

Mời độc giả đón đọc Bài 2: An Cựu, sông xưa soi bóng những mùa vàng

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg