Đôi bờ sông kia, như đôi bờ thương nhớ, vắt qua tháng năm đằng đẵng mà lặng lẽ trôi qua quá nửa cuộc đời tha phương của tôi.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Đôi bờ thương nhớ của tác giả Đào An Duyên.
Mỗi lần trở về quê nhà, khi xe chớm rẽ vào cầu Trà Lý, cây cầu nối liền địa phận của huyện Tiền Hải và Thái Thụy (Thái Bình), tôi luôn đưa tầm mắt cố nhìn ra thật xa, nơi dòng sông Trà Lý với đôi bờ uốn quanh thôn xóm ruộng đồng, nơi tôi đã sinh ra và có biết bao ngày tháng lặn ngụp trong dòng nước quanh năm đỏ nặng màu phù sa.
Những khi ấy, lòng tôi luôn chộn rộn thứ cảm xúc vừa mới mẻ, vừa cũ xưa. Ở giữa đôi bờ dòng sông xưa, tôi như không phân định được mình của tháng ngày cũ, hay mình của hiện tại.
Sông Trà Lý là một trong bốn con sông chính chảy ngang qua tỉnh Thái Bình. Trà Lý là phân lưu cấp một của sông Hồng, có tổng chiều dài khoảng 67km, điểm bắt đầu từ ngã ba Phạm Lỗ, nơi giáp ranh của xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) với hai xã Hồng Minh (Hưng Hà), Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình). Đây là điểm nối với sông Hồng. Điểm cuối của con sông là cửa Trà Lý đổ ra Biển Đông, ranh giới giữa hai xã Thái Đô (Thái Thụy) và xã Đông Trà (Tiền Hải, Thái Bình).
Nhà tôi nằm ở ngay vùng cửa sông, nơi con sông đổ ra biển ấy. Tuổi thơ tôi chỉ loanh quanh chừng vài cây số vuông với sông, với biển, với ruộng đồng, nhưng những năm tháng ấy lại luôn chất chứa trong tôi những câu chuyện, như lớp phù sa lắng lại, sâu thẳm và ngọt lành.
Bốn mùa, đôi bàn chân tôi đã đặt lên con đường bờ đê sông để đến với đồng với ruộng, với những điều thật mới mẻ, thật kì vĩ với một đứa trẻ. Rồi cũng con đường bờ đê sông ấy đã đưa tôi đi thật xa, xa khỏi làng quê, xa khỏi tuổi thơ, đến những chân trời xa lạ. Cho đến khi trở về, tôi không còn là tôi của ngày thơ bé, con đường bờ đê sông cũng không còn khung cảnh cũ xưa, chỉ có dòng sông là vẫn thế, màu nước vẫn một sắc phù sa nhợt nhờ rất đặc trưng của vùng cửa biển.
Bạn bè tôi, đến tận bây giờ vẫn nhắc chuyện xưa. Chuyện xưa của chúng tôi, có lẽ cũng là chuyện chung của rất nhiều những đứa trẻ thời 7X, 8X đã trải qua ở chốn thôn quê.
Đó là những buổi chiều lùa đàn trâu trở về, dưới ráng chiều nâu đỏ tựa màu hổ phách, cái dòng hổ phách ấy chuyển động chầm chậm như chảy từ chân trời đổ xuống lòng sông. Mặt sông lúc này rộng và đẹp một vẻ rực rỡ, như khoác chiếc áo choàng huyền bí. Chúng tôi vừa thong dong đi trên bờ đê sông vừa nói chuyện. Người và trâu lúc ấy như những chấm đen di chuyển chậm chạp trên cái nền đỏ nâu của ráng. Ngày ấy, chuyện gì mà nhiều thế?
Những câu chuyện nối dài từ ngày sang đêm, từ ngày này qua ngày khác. Những đêm mùa hè có trăng, chiếc thuyền nhỏ hàng ngày ông lão trong xóm dùng để chèo ra vớt tôm cá trên bè vó cắm sào ngay trước cửa nhà ông trở thành nơi tụ tập của đám trẻ chúng tôi lúc ấy. Trăng nước dập duềnh, những câu chuyện ríu ran mãi trên mặt sông lấp loáng như ngàn vạn sao trời từ trên cao rắc xuống.
Trong những trò chơi thật náo nhiệt của tuổi thơ, chúng tôi đã nắm tay dung dăng dung dẻ mà đồng thanh đọc lên rất nhiều những câu ca, trong đó có một câu có lẽ không mấy quen thuộc với nhiều người: “Trên trời có dải tua rua/ Ở nơi đất ấy có vua Ba Vành”. “Vua Ba Vành” là ai lúc đó chúng tôi không biết, chỉ biết những trò chơi kéo dài mãi tới tận đêm khuya, khi bố mẹ đi tìm gọi mới trở về nhà.
Sau này, từ một câu ca bập bõm trong trí nhớ thơ dại, tôi đã đi tìm lời giải cho ông “vua Ba Vành” thuở ấy. Đó chính là thủ lĩnh phong trào nông dân Phan Bá Vành, tục gọi Ba Vành (có thể vì ông là con thứ ba trong gia đình). Ông sinh năm 1790, quê ở làng Minh Giám, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương (nay là xã Vũ Bình, Kiến Xương, Thái Bình).
Tương truyền, ông là người tư chất thông minh, sức khỏe phi thường, còn tinh thông võ nghệ. Đặc biệt, ông có biệt tài phóng lao, có thể phóng trăm lần không sai một. Trong bối cảnh đất nước ở nửa đầu thế kỷ 19, các tầng lớp nhân dân, mà đại bộ phận là dân lao động nghèo sống lầm than cơ cực do sự cai trị hà khắc của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, nông dân ở khắp các miền quê đã nổi dậy chống lại triều đình.
Phong trào nông dân khởi nghĩa do thủ lĩnh Phan Bá Vành dấy binh chống lại áp bức bóc lột được coi là cuộc nổi dậy tiêu biểu, cao điểm nhất là vào giai đoạn từ năm 1821 đến 1827. Khởi đầu từ Đồn Cả, rồi lan rộng ra các vùng lân cận khác. Nghĩa quân Phan Bá Vành đi đến đâu là lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Nhờ vậy, nhân dân trong vùng châu thổ sông Hồng lúc bấy giờ đã tin tưởng và đi theo ngày càng đông.
Trước thanh thế to lớn của nghĩa quân, triều đình nhà Nguyễn hết sức lo lắng và đã phải huy động lực lượng quan quân ở nhiều nơi để tập trung đàn áp.
Cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị dập tắt, thủ lĩnh Phan Bá Vành bị bắt sống, ông đã tuẫn tiết để giữ vững khí tiết của một thủ lĩnh anh hùng. Ngày nay, trên nền Ðồn Cả tại cửa Kem, xã Vũ Bình, bên con sông Trà Lý, nơi từng là căn cứ chính trong hệ thống đồn lũy của cuộc khởi nghĩa, nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ tưởng niệm Phan Bá Vành và các vị nghĩa sĩ năm xưa.
Quê tôi nhiều đình, chùa, đền, phủ. Bà nội tôi rất chăm đi lễ ở những chốn ấy. Tôi là đứa cháu lớn nhất của bà nên hay được bà cho đi cùng. Ngày ấy toàn đi bộ. Bà nội lưng còng, xách chiếc túi cói chắp tay sau lưng, miệng bỏm bẻm nhai trầu, lò dò đi trên bờ đê sông. Tôi bé tí tung tăng bên cạnh bà. Thỉnh thoảng tôi chạy vượt lên trước, lúc tụt lại phía sau, lâu lâu mỏi quá lại bắt bà cõng.
Những sớm ban mai có mưa xuân lất phất như rây bột, phía trong đồng, lúa đang trổ đuôi gà, hai bên bờ đê, cỏ bắt đầu lun phun màu mạ non trải dài dọc triền đê sau một mùa đông ngủ vùi. Tôi thả dép xách lên tay, đặt bàn chân trần xuống cỏ, dưới sông, sóng nước vẫn ì oạp vỗ vào bờ...
Con đường đẹp như bức tranh ấy dẫn lối đến một ngôi đền nhỏ nằm sát mép sông Trà Lý, thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy. Đó là Đền Phố Dâu - ngôi đền thờ các vị thần nữ nên dân quanh vùng thường gọi là Đền Bà. Các vị thần nữ được thờ trong đền là “Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần” - 4 vị thần nữ phù trợ việc đi lại trên sông trên biển được bình an.
Cùng được thờ ở đền này là “Thiên Hậu Thánh Mẫu nguyên quân trung đẳng thần”, vị nữ thần được những người nhập cư đến một vùng đất mới xem như thần bảo trợ của họ, nên họ thường dựng đền thờ Bà đầu tiên để cảm tạ ơn cho đến nơi an toàn.
Trong kháng chiến chống Pháp, tại ngôi đền này diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Tiêu biểu nhất phải kể đến hai trận đánh. Trận đầu diễn ra vào tháng 3/1950, Đền Bà khi đó là cứ điểm của lực lượng du kích xã do đồng chí Giang Văn La chỉ huy đã chiến đấu kiên trung buộc địch phải cho tàu rút quân chạy xuống đóng bốt tại khu vực Tiền Hải.
Trận thứ hai diễn ra vào ngày 30/3/1952 tại làng Chỉ Thiện, Đền Bà được chọn làm địa điểm đặt nhiều ụ súng chiến đấu. Quân dân ta đánh tan ba Tiểu đoàn ứng chiến, tiêu diệt gọn hơn 200 tên địch góp phần vào thắng lợi trong trận chống càn Thủy Ngân 1952.
Bây giờ trở về quê, tôi vẫn giữ thói quen từ thuở nhỏ, đó là ngồi ở bờ bên này nhìn qua bờ bên kia con sông Trà Lý. Vùng đất không mấy rộng lớn này gắn với rất nhiều tên tuổi của các bậc tiền nhân.
Tiền Hải là huyện do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đưa dân đến khai hoang lấn biển lập nên các làng xã, bây giờ nổi tiếng với các địa danh Cồn Vành, Đồng Châu. Thái Thụy bên này là quê hương của Thám hoa Quách Ðình Bảo, người cộng sản kiên trung Nguyễn Ðức Cảnh, giờ được biết đến với các địa danh Cồn Đen, nhà máy nhiệt điện Thái Bình…
Tiền Hải và Thái Thụy nằm ở vùng cửa sông như đôi bàn tay xòe ra hướng biển rất cân xứng. Cư dân sống hai bên bàn tay ấy vẫn vừa làm lúa, vừa nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Xưa kia dân hai bên muốn qua sông, phải lụy vào những chuyến đò ngang, mất rất nhiều thời gian. Còn bây giờ, chỉ mất vài phút chạy xe qua cây cầu rất đẹp. Thái Bình đang có rất nhiều dự án phát triển hai bên bờ sông Trà Lý, trong đó có những dự án ở vùng cửa biển này.
Đứng trên cây cầu Trà Lý nhìn những cột khói của nhà máy nhiệt điện thấp thoáng soi bóng xuống lòng sông, xoay nhìn về hướng biển, những chiếc chòi canh giữ bãi ngao ẩn hiện trong bình minh đang ló rạng, xa kia là đồng lúa, là Cồn Đen Cồn Vành thấp thoáng trong màu xanh cây lá, lòng tôi dâng lên cảm giác thật ấm áp.
Có lẽ tôi có dùng tất cả cuộc đời, cũng không thể nào đi hết từng ngõ ngách ở hai bên bờ sông Trà Lý. Con sông không quá dài, không quá rộng, nhưng cất giữ nhiều câu chuyện. Mỗi câu chuyện lại níu tôi ở lại trong khoảng thời gian rất dài. Tôi chẳng đã phải đi quãng đường quá nửa đời người, chỉ để tìm cho hết một câu ca bập bõm từ ấu thơ đó sao? Nhưng có hề gì.
Mỗi lần ngồi ở bờ bên này nhìn qua bờ bên kia, trong nhịp sống rất mới mẻ, tôi vẫn thấy dòng sông thủ thỉ câu chuyện của mình. Có những chuyện lớn lao tầm cỡ kiểu khai quốc công thần, anh hùng cái thế; cũng lại có chuyện thật nhỏ bé riêng tư.
Đôi bờ sông trong tôi, chính là đôi bờ thương nhớ.
Đào An Duyên
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.