Vào một ngày cuối năm, tôi bắt đầu hành trình “đi tìm kho báu 9 đầu rồng” đến nơi 9 cửa sông Cửu Long đổ ra biển. Ở mỗi cửa sông, tôi đều đi qua đò, để thành một hành trình khép kín.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Hành trình "đi tìm kho báu 9 đầu rồng" của tác giả Hà Thanh Vân.
Giữa thành phố Sài Gòn náo nhiệt, nghe vẳng tiếng hát "Điệu buồn phương Nam", lòng tôi lại nhớ miền Tây tha thiết. Về miền Tây để ngắm những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh, ngắm hàng cây thốt nốt vươn mình, được nếm vị ngọt thanh của nước dừa, được vào những vườn cây để hít thở "mùi hương, cây trái chín sau vườn", được đi xuồng trên những dòng kênh cạn, được nướng trui cá lóc trên đồng, được nếm vị chát thanh của trái bình bát, trái trâm, vị đắng của lá sầu đâu. Và tôi lại một mình lên đường với hành trình mới: Đi tìm 9 cửa sông Cửu Long đổ ra biển.
Mekong là một trong những con sông dài nhất thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi đổ vào Việt Nam với cái tên Cửu Long và tiếp tục chia thành hai nhánh sông lớn: Sông Tiền và Hậu, rồi chia thành những nhánh sông nhỏ hơn, xuôi dòng ra Biển Đông bằng 9 cửa sông. Sau nhiều bãi bể nương dâu, vật đổi sao dời, 9 cửa sông nay đã không còn trọn vẹn. Nhưng hành trình về 9 cửa sông vẫn là một hành trình thú vị mà ít ai thực hiện được. Bởi lẽ trên hành trình có những chuyến đò cấp xã, đường nhỏ hẹp, chỉ thích hợp đi bằng xe máy. Nếu đi bằng ô tô, chỉ có thể đến được 4 cửa, còn nếu đi bằng xe máy, có thể đi được hết 9 cửa sông.
Sông Cửu Long, nơi mênh mông nhớ, nơi 9 cửa sông như 9 đầu rồng tìm về với biển đã thôi thúc tôi lên đường, để rồi tôi có một hành trình kỳ thú bậc nhất trong các hành trình về miền Tây Nam Bộ. Nếu ví sông như là tâm trạng con người, thì thác ghềnh là nơi dòng sông thay đổi trạng thái cảm xúc, còn cửa sông là nơi dòng sông mừng rỡ gặp gỡ, hạnh ngộ, là đích đến của một hành trình muôn ngàn sóng nước. Trăm sông rồi cũng về biển, chỉ rất ít con sông chảy ngược dòng.
Từ TPHCM, tôi xuất phát, lên đường theo quốc lộ 50 đến với huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Trong nắng chiều tà vàng óng, tôi dừng chân ở khu Lăng Hoàng gia, thăm viếng nơi chôn cất và thờ phụng Quốc công Phạm Đăng Hưng, thân phụ của một bậc mẫu nghi thiên hạ nổi tiếng hiền đức thời nhà Nguyễn: Thái hậu Từ Dụ. Cũng tại Gò Công Đông có một ngôi đình rất nổi tiếng nhờ có bộ rễ cây ôm trọn cả đình: Đình Tân Đông. Nhiều du khách đến đây đã ví von nơi này giống như một góc của di tích Angkor nổi tiếng của Campuchia. Từ trong đổ nát, một cây cổ thụ mọc lên với bộ rễ như che chắn, ôm trọn lại những hoang tàn.
Sáng hôm sau, tôi chính thức lên đường chinh phục 9 cửa sông bằng xe máy. Tôi nghĩ, những người đi xe máy đường dài là những người có tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật xung quanh mình và muốn có mối giao cảm cùng thiên nhiên. Họ không chịu đóng hộp trong những chiếc ô tô bóng loáng, mà muốn làn gió lạnh quất vào mặt, muốn đắm mình trong ánh nắng vàng, muốn vi vu trên những chặng đường dài.
Cửa sông đầu tiên mà tôi đến là Cửa Tiểu, nằm ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Trước đây, bến đò gần cửa sông nhất là bến đò Đèn Đỏ, nhưng khi đến nơi, đò đã ngưng chạy và được thay thế bằng phà Bến Chùa gần đó. Đứng trên phà, nhìn ra Cửa Tiểu chỉ thấy một chân trời xanh ngắt và hai dải đất ven sông. Cảm xúc dâng trào vì đây là lần đầu tiên tôi được băng ngang Cửa Tiểu, một địa danh mà nhiều người ở ngay Gò Công Đông và Tân Phú Đông cũng nói là chưa từng biết. Người dân ở đây cũng không ai biết tên Cửa Tiểu có từ bao giờ. Họ chỉ nói rằng con sông đổ ra biển có tên là sông Cửa Tiểu, dài khoảng 45km, là một nhánh của sông Tiền. Sông Cửa Tiểu trước khi chảy ra Biển Đông đi qua các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang. Trên chuyến phà, một bác trai lớn tuổi trả lời câu hỏi của tôi về Cửa Tiểu: Tại nó nhỏ nên gọi là Cửa Tiểu thôi!
Còn tôi, khi từ Cửa Tiểu đi tiếp sang Cửa Đại, tôi đã có câu trả lời cho chính mình. Cửa Đại cũng nằm ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Cửa Đại, như tên gọi, rộng lớn mênh mông, khác hẳn với Cửa Tiểu, dù cũng là một nhánh của sông Tiền. Có lẽ vì hai cửa sông ở rất gần nhau và lớn nhỏ khác nhau nên được người dân đặt cho cái tên nôm na, dân dã là Cửa Tiểu và Cửa Đại. Phà qua sông mất khoảng 30 phút. Ngồi trên phà hỏi chuyện người dân, tôi được biết cửa sông này có sóng to gió lớn thường xuyên và cũng là nơi nhiều người không may mắn gửi lại xác thân của mình. Thời gian gần đây, vì gần biển nên hiện tượng mặn cũng xâm nhập sâu khiến cho đời sống của bà con nơi Cửa Đại thêm khó khăn. Bên kia Cửa Đại là huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 2023, đã có một dự án xây cầu Cửa Đại để kết nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, góp phần hoàn thiện tuyến đường ven biển miền Tây, với mức đầu tư dự kiến hơn 4.749 tỉ đồng.
Những năm sống ở miền Tây và nhiều năm sau này mỗi khi trở lại mảnh đất này, tôi đã đi qua những dòng sông chảy cuồn cuộn màu vàng phù sa, qua rất nhiều chiếc cầu, qua những cánh đồng mênh mông xanh mướt, qua những chiếc phà nặng nề to lớn cũng có, mà qua những chiếc đò mong manh nhỏ hẹp cũng có. Hằn sâu trong ký ức, vẫn là hình ảnh những chiếc phà xám trắng chậm chậm qua sông, là những gương mặt hành khách mệt mỏi sau những chuyến đi dài, là ánh vàng hồng của dòng nước Cửu Long trong nắng chiều, là tiếng rao lanh lảnh “Vé số, vé số đây”, “Nem đây, nem đây”… là những cụm lục bình hoa tím trôi dạt - loài hoa duy nhất biết đi nhờ sóng nước đẩy đưa.
Mỗi lần quay về miền Tây, nhìn thấy lục bình trôi trên sông, lại như thấy một người quen thân từ thuở nhỏ. Dòng sông chảy mãi hoài cũng ngao ngán đơn độc, làng xóm nhà cửa cây cối trên bờ cũng dần lùi xa, ngoài xuồng ghe ra, chỉ có lục bình là làm bạn với dòng sông, đi theo dòng sông trọn cả cuộc đời. Xuồng ghe còn có lúc nghỉ mệt, lên bờ nằm chờ, nhưng lục bình vẫn theo dòng sông đi hoài, đi mãi. Đôi lần đi vào buổi đêm, qua phà Cần Thơ, tôi đứng trên phà mà nghe như văng vẳng câu hát nao lòng "Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến bắc Cần Thơ". Nhưng rồi những chiếc cầu lần lượt xây xong, mai rồi cũng sẽ không còn phà qua Cửa Đại, khi không còn những chuyến phà, những chiếc phà rồi sẽ đi về đâu, có được tiếp tục những cuộc hành trình chở khách qua sông?
Từ Cửa Đại, men theo con đường cấp xã của xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre tôi đi tiếp đến Cửa Ba Lai. Con sông Ba Lai là một nhánh của sông Tiền, trải qua nhiều năm tháng nay đã bị bồi đắp hết, thay vào đó là con đập Ba Lai dài 544m và cống Ba Lai có 10 cửa. Cống và đập Ba Lai ngăn mặn, tạo nguồn ngọt, thau chua rửa phèn nhằm cải tạo đất canh tác nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều huyện và thành phố Bến Tre.
Tôi không đi thăm đập Ba Lai, thay vào đó theo đường 883 đi tiếp. Con đường đi là con đường nhỏ hẹp, chỉ vừa cho xe máy qua lại, hai bên đường cỏ lau mọc ken dày, hoang sơ và vắng vẻ. Cuối con đường có cột mốc ghi chữ “Điểm cuối” và ngay bên cạnh đó là Đài tưởng niệm đội Văn công Thanh Hải. Lại gần đọc kỹ những dòng chữ ở Đài tưởng niệm, tôi được biết vào ngày 11/3/1969, khi máy bay Mỹ oanh tạc ác liệt, một quả bom rơi trúng hầm trú ẩn làm 8 chiến sĩ Đoàn Văn công Thanh Hải hy sinh và không tìm được thi thể. Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ, song vẫn còn đó những dấu vết đau thương, những mất mát và những bùi ngùi cho những người ở lại. Ngày nay vì Cửa Ba Lai không còn nữa, nên tôi chọn điểm gần nhất để qua đò, tượng trưng cho việc đi qua cửa sông.
Điểm cuối cùng mở ra cửa biển Thới Thuận hay còn có tên nôm na là Bãi Nghêu. Nơi này là nơi gần với Cửa Ba Lai nhất. Từ Bãi Nghêu, chúng tôi đi tiếp sang bến đò Thủ ở cách đó 3km để vượt sông Ba Lai. Đò xuất bến từ một con rạch nhỏ đi sang sông Ba Lai. Con đò nhỏ, xe máy mang xuống đò cũng không thể quay đầu. Đây là một con đò dân sinh, tự phát, do vậy chỉ có người dân địa phương mới biết đến. Chú tài công biết tôi đang đi tìm 9 cửa sông Cửu Long thì giơ ngón tay lên khen ngợi: “Giỏi quá!” Rồi giọng chú trầm xuống: “Qua 9 cửa sông thế này ít ai đi lắm, bởi phải chạy xe máy cực quá mà. Nhưng rất nên đi, lỡ đâu mai mốt lại mất đi vài cửa sông nữa”. Sông Ba Lai một chiều cuối năm, đi qua rồi chỉ để lại vô vàn thương nhớ.
Tôi tiếp tục thẳng hướng tiến về cửa Hàm Luông nằm giữa hai huyện Thạnh Phú và Ba Tri của tỉnh Bến Tre. Trên đường đi, tôi ghé vào viếng mộ, thắp nhang tưởng nhớ hai tên tuổi lớn của đất Nam Bộ xưa: Cụ Võ Trường Toản và cụ Phan Thanh Giản. Cụ Võ Trường Toản đã được vinh danh là một nhà giáo dục lớn, và bây giờ các nhà sử học cũng đã chiêu tuyết, rửa oan cho cụ Phan Thanh Giản, trả cụ về với đúng vị trí lịch sử của mình. Buổi trưa vắng, chỉ nghe tiếng gió, tiếng lá xào xạc, tôi thắp nhang cho hai cụ mà lòng không khỏi ngậm ngùi, bâng khuâng. Người xưa để lại bao công lao cho mảnh đất Nam Bộ, nay nằm xuống, chỉ khiêm tốn nấm mộ bên đường. Nhưng tôi nghĩ, chẳng cần mộ phần, đài tưởng niệm hoành tráng làm gì. Đài tưởng niệm tốt nhất là đài tưởng niệm được xây trong lòng nhân dân.
Qua sông Hàm Luông, một nhánh của sông Tiền, con sông được ghi dấu nhiều trong văn thơ nhạc họa, tôi ngỡ ngàng trước từng cơn sóng lớn mạn đò. Đường ra bến đò Tiệm Tôm qua cửa Hàm Luông là một con đường nhỏ hẹp, nằm khuất trong hẻm, nằm sau lưng chợ Tiệm Tôm, chỉ vừa cho xe máy đi. Nhưng cửa sông Hàm Luông thì rộng và tít tắp đến vô cùng với khoảng cách hơn 3km. Cửa Hàm Luông một buổi chiều sóng lớn mênh mang, tôi ngồi trên đò mà nao lòng nhớ câu ca dao của xứ dừa Bến Tre:
Cửa Hàm Luông sông sâu sóng cả,
Anh thương em nhiều mà chả dám theo.
Và có lẽ vì đò gần biển, nên tương tự như khi đi đò Hàm Luông, khi tôi đi qua thêm hai cửa Cổ Chiên và Cung Hầu, sóng đều rất lớn. Xe máy trên đò được xếp rất sát, nhằm tránh sóng lớn làm đổ, người qua đò thì phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn. Cửa Cổ Chiên qua đò Bến Chổi và cửa Cung Hầu qua đò Long Hòa đều thuộc đất Trà Vinh và đều nằm trên con sông Cổ Chiên. Hai bến đò này cũng là đò dân sinh tự phát.
Nhìn từ góc độ địa lý kinh tế, hai cửa sông Cổ Chiên, Cung Hầu là cửa ngõ huyết mạch, có vai trò quan trọng trong việc giao thông, thoát lũ và truyền triều của các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, tình hình bồi lắng và xói lở diễn ra hết sức phức tạp tại khu vực này, địa hình đáy sông dâng cao, các bãi bồi và các cù lao mới được hình thành, bên cạnh đó là nạn sạt lở bờ sông cũng diễn ra tương đối thường xuyên, đe dọa đến các hoạt động kinh tế cũng như cuộc sống người dân địa phương. Đó là chưa kể đến những tác động từ chính con người. Nên đã có sự lo lắng trong một ngày không xa, cửa Cổ Chiên và Cung Hầu rồi sẽ giống như cửa Ba Lai, sẽ chỉ còn lại trong tâm tưởng con người.
Kết thúc hành trình sau hai ngày, tôi đã chinh phục được 6 cửa sông thuộc nhánh sông Tiền, với chặng đường từ TP.HCM đi qua Long An, xuống Tiền Giang, qua Bến Tre rồi về Trà Vinh. Còn ba cửa Định An, Ba Thắc (còn gọi là Bassac) và cửa Trần Đề (còn gọi là Tranh Đề) của sông Hậu đang chờ tôi ở phía trước.
Sáng hôm sau, từ thị trấn Cầu Ngang của huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh, tôi xuất phát đi cửa Định An, qua đò Định An. Dọc đường đi, có rất nhiều ngôi chùa Khmer vàng son lộng lẫy với những người dân hồn hậu, chất phác, nhiệt tình.
Con đò qua cửa Định An rất nhỏ, đưa xe máy xuống rất khó, song có những “lơ đò” sẽ khiêng xe máy xuống thuyền giúp du khách và chịu trách nhiệm khiêng lên bờ. Đò nhỏ, xe nhiều, người ngồi san sát đến mức không thể mặc áo phao làm cho tôi thoáng chút lo âu. Có lẽ, nơi này đang rất cần những con đò mới, chắc chắn hơn, tiện nghi hơn.
Bên kia cửa Định An là đất Sóc Trăng, hành trình của tôi lại tiếp nối đến với cửa Ba Thắc. Cửa sông Ba Thắc nay cũng không còn nữa, đã bị phù sa bồi đắp và chỉ còn duy nhất nhánh sông Cồn Tròn nối với sông Hậu đổ ra biển. Tôi đến với bến đò Chín Liêm sau một chặng đường đi quang cảnh đẹp tuyệt vời, hai bên đường trồng toàn những cây hoa nhiều màu sắc và băng qua những ruộng mía xanh ngắt. Tôi lên đò Chín Liêm, tượng trưng cho việc đi qua cửa Ba Thắc trước khi đến với cửa cuối cùng, cửa Trần Đề cũng thuộc đất Sóc Trăng. Bến đò đi qua cửa Trần Đề tên là Rạch Tráng. Khi qua đò Rạch Tráng, tôi đã dừng chân lại, múc nước sông Cửu Long rửa mặt và tay, chụp một tấm ảnh giơ 9 ngón tay để đánh dấu một hành trình kỳ thú và an toàn.
Hành trình 9 cửa sông Cửu Long đối với tôi là hành trình “Đi tìm kho báu 9 đầu rồng”. Trên con đường đi tìm kho báu ấy, tôi đã nhận được những tình cảm nồng hậu của người dân địa phương sẵn sàng giúp đỡ tôi. Chuyến đi của tôi không chỉ để nhằm chinh phục 9 cửa sông, mà còn là một chuyến về nguồn, tìm lại những dấu vết người xưa, nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã khai phá nơi này. Trong chuyến đi, tôi đã nhìn thấy 9 cửa Cửu Long, một phần máu thịt của Nam Bộ, của tổ quốc Việt Nam. Kho báu chính là đây, chứ chẳng phải đâu xa. Tôi đã đi bằng xe máy một hành trình dài hơn 500km, với 9 lần qua đò, với hành trình các đò tổng cộng dài khoảng hơn 10km. Các chuyến đò qua đi, như cuộc đời con người cũng qua đi, chỉ còn tình người ở lại.
Hà Thanh Vân
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.