Đáng suy ngẫm, nơi giao thông càng cách trở vì sông nước bao quanh, phải “lụy” phà, đò nhiều lại chính là nơi nhiều cô dâu miền Tây “sang sông” bất chấp nhiều rủi ro.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Dấu lặng buồn và kỳ vọng mới trên dòng Cửu Long của tác giả Nguyễn Minh.
Một buổi sáng sớm tháng 6, chuyến phà An Hòa đưa khách qua sông Hậu từ bờ Chợ Mới sang thành phố Long Xuyên (An Giang) đầy kín người, xe. Phà ra giữa dòng, đưa mắt hướng Đông, có thể thấy xa xa là cầu Vàm Cống…
Trên 200km sông Hậu chảy từ biên giới Tây Nam nước ta ra Biển Đông hiện có 3 chiếc cầu bắc ngang. Cầu Vàm Cống hoạt động từ năm 2019, cầu Cần Thơ thì vào năm 2010. Còn cầu Châu Đốc vừa khánh thành cuối tháng 4 năm nay. Trên 250km sông Tiền, cũng có những cây cầu lớn như: Cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh…
Những cây cầu đang giúp rút ngắn thời gian di chuyển bởi không phải đợi phà lâu lắc. Đặc biệt, giúp người dân các địa phương thoát khỏi cảnh chia cách bởi sông.
Nhưng ước mong được nối liền đôi bờ vẫn đang thường trực trong lòng người dân khác ở những cù lao trên sông Tiền, sông Hậu. Trong đó có người dân huyện cù lao Chợ Mới quê tôi. Hơn 300.000 người để đến trung tâm hành chính tỉnh, là thành phố Long Xuyên, phải “lụy” các phà, đò lớn nhỏ.
Trong thời gian chờ phà An Hòa đưa sang bờ, khách thường ngắm mây nước. Và… nhìn xa xăm về cầu Vàm Cống. Riêng tôi nhớ cảm giác lâng lâng niềm vui, như bay bổng không chỉ vì gió lớn những khi qua những chiếc cầu lớn.
- Lục bình bữa nay về nhiều dữ. Tháng Năm mình rồi còn gì!…
Câu nói của một người khách khiến tôi thêm bâng khuâng…
Những đứa trẻ như tôi sinh ra giữa miệt sông nước mênh mang này phải tập lội để sinh tồn an toàn. Những đứa con trai biết lội rành kiêu hãnh tranh tài trên con sông trước nhà. Vậy mà một đứa con gái trong xóm nhận xét: "Sông này nhỏ hơn sông nhà nội tao nhiều lần. Sông nhà nội tao rộng lắm. Mà trên sông, nhiều tàu lớn hơn nhà luôn…". Chúng tôi cho rằng nó nói dóc, bởi chưa đứa nào từng rời khỏi con sông nhỏ, xóm nhỏ này.
Bến sông quê trước nhà cũng chất chứa bao kỉ niệm khó quên. Những mùa gió bấc hằng năm từng là những mùa thỏa thích bắt chuồn chuồn. Trẻ nhỏ tụ tập dọc bến sông. Với cái vợt quấn đầy tơ nhện tìm úp lên cánh những con chuồn chuồn đang đậu dày đặc trên những cành lá ven bờ. Trẻ nhỏ thích chuồn chuồn chắc bởi hình dáng chuồn chuồn giống chiếc máy bay quá chừng! Chúng cũng mong có đôi cánh để bay cao, bay xa…
Khi lớn lên có đứa trong tụi nó được bay xa thật, bằng máy bay. Là đứa con gái trong câu chuyện tôi đang kể. Ba mẹ ly hôn, L. rời con sông nhỏ quê ngoại theo về sống với cha tại Long Xuyên, nơi cặp bờ sông Hậu rộng lớn nhìn sang bờ Chợ Mới, đoạn sông có nhiều tàu bè lớn chạy ngang.
Đến tuổi đôi mươi, một lần trong đời cô gái có chuyến đi quan trọng. Cô đi lấy chồng. Người dân quê tôi ví đi lấy chồng như “sang sông”. Lấy chồng nghĩa là xa cách gia đình, đường đi-về khó khăn như việc sang sông ở vùng đất miền Tây nhiều sông, rạch. L. thì vượt cả đại dương sang Đài Loan (Trung Quốc) lấy chồng!
Nhiều năm qua cô dâu xứ Đài thỉnh thoảng trở về thăm mẹ ruột. Cuộc sống của gia đình L. thay đổi. Họ mua thêm đất. Mấy năm trước gia đình còn xây ngôi nhà khang trang. Chuyện lấy chồng nước ngoài không còn lạ với người dân quê tôi hay cả vùng sông nước miền Tây này nữa.
Như P. hàng xóm nhà tôi, mấy năm trước đó, qua mai mối P. đến Hàn Quốc lấy chồng mong giúp đỡ gia đình thoát nghèo. Không may bị bạo hành thể xác, tinh thần nặng nề phải bỏ trốn… Mới đây, P. “sang sông” lần nữa với người chồng Việt Nam. Bà con trong xóm thật lòng mừng cho cô dâu tìm được hạnh phúc sau lần “sang sông” kinh hoàng trước đó.
Ngày nhận thiệp hồng, mẹ tôi vui mừng thông báo cho cả nhà. Nhưng cũng mẹ tôi, người mới biết xài điện thoại thông minh để lên mạng, sau buổi đi đám cưới về bỗng trầm ngâm, rồi bật ra câu hỏi: “Mình có thể xóa hết những cái thứ này hông?”.
Thì ra, thử tra thông tin vụ việc xảy ra năm xưa, lòng bà băn khoăn. Cuộc sống người phụ nữ vừa sang một trang đời mới sáng sủa. Trí nhớ của bao người đã dần quên. Trái lại, bao nhiêu thông tin và hình ảnh vụ việc vẫn nằm đó trên mạng. Khác nào vết sẹo, vết xăm xấu xí đeo đẳng suốt đời?
Tôi chỉ biết lắc đầu nói với mẹ: “Đâu phải tất cả mọi người đều coi thông tin là bài học cảnh tỉnh”. Bởi dù được cảnh báo nhiều, vẫn có những người muốn lấy chồng ngoại. Dù từng có người trở về con sông quê, thân thể chỉ còn là hủ tro cốt và nước mắt nhiều như sông của những người thân.
“Tháng Bảy nước nhảy lên bờ”. Tuy nhiên khoảng giữa tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch, dòng nước dưới sông, rạch chuyển sang màu đỏ sẫm phù sa. Có những ngày lục bình tràn về lấp đầy mặt con sông nhỏ trước nhà tôi.
Lục bình cũng chia nhau ghé vào trăm ngả sông, rạch miền Tây. Lục bình đi qua bao khúc sông, dòng sông trong chuyến hành trình của đời chúng. Hàng chục triệu con người sống nơi cuối nguồn mấy ai đã phiêu du, khám phá toàn bộ dòng sông Cửu Long quê mình? Không biết có người con gái miền Tây nào đã tự nhận đời họ lênh đênh như phận lục bình trôi trên dòng chảy may rủi xứ người?
Theo một số liệu thống kê, trong 10 năm (từ 2008 - 2018) có đến 70.000 phụ nữ ở Đồng bằng sông Cửu Long lấy chồng nước ngoài, chiếm đến 79% tổng số phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài.
Người thân tôi là giáo viên cho hay, mấy năm nay nhà trường nhắc nhở giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm quan tâm đến những học sinh con lai nước ngoài cha mẹ ly hôn theo mẹ về nước, những học sinh có mẹ lấy chồng nước ngoài hoặc đang làm việc tại nước ngoài (Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…) đang sống cùng ông bà ở quê.
Xuôi theo dòng sông Hậu cách Chợ Mới quê tôi không xa, có cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) “nổi tiếng” bởi gần một ngàn phụ nữ lấy chồng ngoại. Và cuối sông Hậu, Cù lao Dung (Sóc Trăng) là một “điểm nóng” khác.
Hôn nhân vì lý do kinh tế, không xuất phát từ tình yêu, không trang bị ngoại ngữ, phong tục tập quán và qua mai mối khó tránh những hậu quả đau lòng. Tuy vậy, làm sao để ngăn? Khi mà kinh tế chính là điểm yếu của “vựa lúa” lớn nhất nước. Là đất Chín Rồng, quê hương của chín nhánh sông Rồng mà kinh tế vẫn chưa “hóa rồng”, “cất cánh”.
Đánh thức, phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng sông nước để tạo ra giá trị từ nước, từ đất cao hơn, nâng cao thu nhập người dân là giải pháp mong có thể giải quyết những vấn đề xã hội liên quan. Như mấy năm nay, Cần Thơ đang cố gắng “biến” cù lao “cô dâu Việt lấy chồng ngoại” Tân Lộc thành điểm đến du lịch sông nước đặc sắc cho du khách đến Tây Đô...
Rút ngắn khoảng cách về địa lý đồng nghĩa sẽ rút ngắn khoảng cách về kinh tế, đời sống, dân trí của một vùng đất. Thật mừng khi đang có thêm những đoạn, tuyến cao tốc đang được xây dựng ở miền Tây. Thêm những chiếc cầu lớn bắc qua sông Tiền, sông Hậu nối liền niềm vui của cư dân đôi bờ, đồng thời nối liền mạch máu giao thông, kinh tế của vùng với cả nước.
Thật vui, trong đề xuất nhiều dự án giao thông lớn bắc qua sông Hậu của Cần Thơ trong thời gian tới, có cầu qua cù lao Tân Lộc.
Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu đã được khởi công vào cuối năm 2023. Uớc mơ thoát cảnh “lụy" phà, đò của người dân Cù Lao Dung (Sóc Trăng) sẽ thành hiện thực trong tương lai gần. Kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hạn chế những vấn đề xã hội như việc phụ nữ địa phương “sang sông” lấy chồng ngoại ồ ạt…
Muốn kêu gọi, đón các nhà đầu tư lớn nhất định phải “xây tổ, dọn ổ đón đại bàng”. Giải quyết tốt vấn đề hạ tầng giao thông, phá “sâu”, mạnh mẽ hơn thế ngăn sông, “lụy” phà, đò sẽ tiếp thêm động lực lớn, tăng lợi thế cạnh tranh, thêm sức bật, sự tự tin lớn để Đồng bằng sông Cửu Long chuyển mình, vươn lên.
Yếu tố con người luôn quan trọng khi hiện thực hóa mọi mục tiêu hay trao gửi niềm tin, kỳ vọng. Những con người miền Tây sinh ra, gắn bó với những dòng sông, như loài chuồn chuồn vốn cũng sinh ra từ dòng nước, con sông đó mà một ngày cất cao đôi cánh trên bầu trời. Trong lòng ai chẳng mong chờ, đón nhận cơ hội, mong thấy được những đổi thay lớn lao trên dòng Cửu Long quê mình?
Nguyễn Minh
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.