Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Tàu đò Miệt Thứ một thời của tác giả Nguyễn Hoàng Hoa.

Bạn đã bao giờ có cảm giác xốn xang khi ngồi trên con tàu đò mải miết chạy trên những con sông của miền Tây Nam Bộ, nhất là qua những con sông của vùng Miệt Thứ, giáp ranh giữa Kiên Giang và Cà Mau, vào một nửa đêm về sáng như tôi của hơn 40 năm trước chưa? 

Năm 1982, từ Tà Niên, một thị tứ của huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, nhóm sinh viên Trường Đại học Tổng hợp TPHCM chúng tôi đang ở lại đây để viết về anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực lừng danh với trận đốt tàu giặc trên sông Nhật Tảo, trong giai đoạn ông đưa quân khởi nghĩa từ đây tập kích đồn Kiên Giang khiến quân Pháp khiếp vía.

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần

(Thơ Huỳnh Mẫn Đạt) 

Chúng tôi được sống trong nhà bác Sáu, một người có uy tín lớn trong vùng, nhà đông con cháu và cơ ngơi khá bề thế. Thời đó là bao cấp, song bác Sáu có nhà máy đường, nhà máy xát lúa. Bác sống tình cảm, thương những đứa sinh viên nghèo như con và chúng tôi cũng hành xử như những đứa con trong gia đình: Sáng dậy sớm, ra con sông trước nhà xách nước đổ vào bể lắng, quét sân, rồi ăn sáng, uống cà phê đi làm (viết sử); trưa, chiều về nhà ăn cơm quây quần đàn con cháu xúm xít, ai hết cơm cứ đến nồi tự bới cơm. 

Sông Cái Lớn, nhìn ra cửa biển.jpg
Sông Cái Lớn, nhìn ra phía biển Tây. Ảnh: Tác giả

Một người anh trong nhóm sinh viên chúng tôi có quê ở Cà Mau, theo lịch của gia đình trong 5 ngày nữa sẽ tổ chức đám cưới cho chị hai, anh xin phép bác cho anh về nhà mấy ngày và rủ tôi đi cùng. Thời đó, đường xấu lại ít xe cộ, nên phương án được lựa chọn là đi tàu đò, lên đò vào lúc trời chưa sáng, đến chiều là về tới Cà Mau…

Xin nói về sông nước vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau một chút. Vùng này nằm xa hai sông Tiền và sông Hậu, song vẫn có những dòng kênh tự nhiên và kênh đào sau này để thông thương với miệt trên và nối ra biển Tây, chẳng hạn kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế.

Rạch Giá có hai con sông đổ ra biển Tây là sông Cái Lớn và sông Cái Bé, những sông này nối với hệ thống kênh rạch chằng chịt thông thương với các tỉnh vùng sông Hậu dễ dàng. Ở Cà Mau có sông Ông Đốc, sông Bảy Háp và sông Cửa Lớn là những con sông lớn nhất.

Từ thị trấn Năm Căn, du khách tham quan đất mũi Cà Mau được ngồi trên ca nô chạy như xé gió trên dòng sông Cửa Lớn mênh mang vào đến đất mũi Cà Mau qua hàng trăm con rạch lớn nhỏ, chạy giữa rừng tràm, rừng đước xanh tươi.

Đêm đó chúng tôi cứ trằn trọc, chừng 3-4 giờ sáng có tiếng đò máy phành phạch trên sông trước nhà, bác Sáu gọi, ra đi các con. Anh bạn và tôi bước lên con tàu đò, lúc này khách đã khá đông, đa số khách lên từ bến bên mé chợ Tà Niên. Hai hàng ghế hai bên, khoảng sàn gỗ rộng rãi cho khách ngả lưng, vài người khách nói chuyện rầm rì. Bên ngoài trời còn tối nhờ nhờ.

Tàu chạy ra đến vàm Bà Lịch, ngã ba sông Cái Bé. Gọi là Cái Bé nhưng ngay ngã ba sông đã rộng đôi bờ, sóng vỗ oàm oạp, nhìn theo phía tay phải là biển Tây, nghe gió biển với vị mặn thổi về. Từ đây, tàu rẽ trái ra kênh Tắc Cậu.

Con kênh này đã đi vào câu vọng cổ hầu như ai cũng biết nhưng không mấy người biết con kênh là ở xứ này: “Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu. Con sáo sang sông con sáo đậu hiên nhà” (Hoa tím bằng lăng). Hết kênh Tắc Cậu, tàu chạy vào sông Cái Lớn, con sông rộng nhất của vùng Hà Tiên, Rạch Giá, dẫn vào Miệt Thứ của ca dao, hoài niệm. 

Nhân đây, phải nói đôi chút về Miệt Thứ. Miệt Thứ là tên chung chỉ vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá rồi xuống Cà Mau. Toàn bộ Miệt Thứ trải dài trên 30km kể từ sông Cái Lớn tới trung tâm huyện An Minh, rộng chừng 15km tính từ bờ biển vào đất liền.

Miệt Thứ là chỉ miệt dưới, để phân biệt với miệt trên, tức là miệt vườn vùng sông Tiền, sông Hậu. Do cả trăm năm trước vùng này hoang vắng, cách trở đò giang nên cô gái lấy chồng xa đem lại cho người thương nỗi buồn như câu hát cũ: “Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/ em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai”…

Phà Tắc Cậu   Xẻo Rô một thời. Ảnh Facebook Người Kiên Giang.jpg
Phà Tắc Cậu – Xẻo Rô một thời. Ảnh: Facebook Người Kiên Giang

Con tàu đò lặng lẽ chạy qua hết sông Cái Lớn, bắt đầu vào kênh xáng Xẻo Rô. Con kênh này dài 35km, từ sông Cái Lớn tới huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Con tàu đi suốt chiều dài của con kênh này trong đêm và gần như suốt cả buổi sáng rồi vào sông Trẹm, con sông ở tỉnh Cà Mau, trong tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm” nức tiếng một thời của nhà văn Dương Hà những năm 1950 với chuyện tình Triệu Vỹ - Mỹ Lan.

Qua hết thị trấn thứ Ba của huyện An Biên, đến thứ Sáu, rồi cầu sắt thứ Bảy, đến thứ Tám. Cắt ngang là kênh ông Đường, đến thứ Mười. Nhà cửa hai bên lúc này còn vắng vẻ. Đến thứ Mười Một (huyện An Minh), qua khỏi chợ thứ Mười Một chạy đến Vàm Xáng Đông Hưng B, huyện An Minh là gặp sông Trẹm, bắt đầu vào địa phận tỉnh Cà Mau.

Sau chuyến đi tàu đò từ Rạch Giá về Cà Mau của chúng tôi, 2 năm sau, năm 1984, Bộ Giao thông Vận tải và chính quyền tỉnh Kiên Giang cho lập tại đây cụm phà Tắc Cậu – Xẻo Rô, một cụm phà cũng cực kỳ độc đáo khi từ bến phà Tắc Cậu chạy qua sông Cái Bé lại chạy dọc theo kênh Tắc Cậu, đổ ra con sông Cái Lớn và qua hết sông này thì đến bến bên bờ kênh Xẻo Rô.

Phà đi trên địa hình có sông rộng mênh mông, nhìn ra cửa biển Tây lộng gió, lại có dòng kênh đôi bờ hẹp lại, làng xóm gụi gần như chỉ bước lên là tới… Tròn 20 năm sau, cụm phà này chấm dứt hoạt động khi năm 2014 khánh thành hai cây cầu Cái Lớn và Cái Bé. Hai cây cầu rất đẹp, giúp cho cả một vùng trở nên trù phú, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh hơn. 

Mới đây, cống Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng, đưa vào vận hành giai đoạn 1 năm 2022 đã mang lại hiệu quả cao về điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Từ mùa khô năm 2021 đến nay, khu vực thượng lưu cống Cái Lớn, Cái Bé trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang không phải đắp đập tạm để kiểm soát mặn, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng và các vùng sản xuất lúa không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Những công trình này góp phần thay đổi diện mạo Miệt Thứ, người dân đã tròn 10 năm không còn cảnh qua sông lụy phà.

Hai bên bờ kênh Xẻo Rô là những cây cầu sắt vững chãi nối đôi bờ, người dân có cuộc sống tốt hơn, đi lại thuận tiện hơn nhiều.

Vậy nên chuyến tàu đò năm ấy đã trở thành kỷ niệm về những dòng sông của Miệt Thứ một thời. Ngay cả người dân Kiên Giang, ai đi khỏi xứ sở những năm 1984-2014, sẽ không hay biết đã từng có một cụm phà Tắc Cậu – Xẻo Rô, nối giữa hai con sông rộng và đi dọc mấy cây số trong một con kênh.

20 năm, không phải ngắn, song đôi khi cũng chỉ đến và đi như một giấc mơ của một đời người, tiếng còi phà trong chiều vắng, tiếng máy âm vang mỗi ban mai. Cũng như con tàu đò từ Tà Niên tôi đi mờ sương hôm ấy, đã về đâu trên những dòng sông của miền Nam nước Việt, nơi mỗi phận người đều gắn với đời sông.

Sau này tôi về lại từ Cà Mau qua Rạch Giá bằng đường bộ, trải nghiệm Miệt Thứ theo chiều ngược lại và ngồi trên ô tô. Quang cảnh hai bên vẫn rộng tầm mắt, dân sống quần cư nhiều hơn, vẫn là những con xẻo cắt ngang xẻ dọc để thông thương.

Thấp thoáng sau dòng kênh, con xẻo là những nếp nhà, vuông tôm, vườn chuối phất phơ. Đường thảm nhựa khá đẹp, song xe không thể chạy nhanh vì mặt đường bị cắt bởi quá nhiều cầu, chúng tôi không đếm xuể. Xẻo nhỏ, cầu ngắn nên cầu nào cũng dốc, xe phải chạy chậm để không bị xóc, người có việc gấp sẽ khó chịu, bực mình… Chỉ đến khi về đến địa phận huyện An Biên của tỉnh Kiên Giang xe mới bon bon êm ái trên đường. 

Những dòng sông của Miệt Thứ mãi thân thương, đi dọc đời người với ngọn gió đẫm mùi biển Tây thổi lại. Tôi xuống xe, tha thẩn dạo quanh, vào xóm nhà vắng vẻ ở An Minh, để tìm một giàn bầu bên góc vườn. Sương đêm rồi cũng sẽ rơi xuống, ướt đẫm giàn bầu, nhưng Miệt Thứ đã không còn xa ngái mịt mù…

Nguyễn Hoàng Hoa

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg