Với những đối tượng bị tuyên án tử hình, khi vào trại giam, tâm lý đều biến đổi, một là chống đối quyết liệt, hai là tìm cách tự sát hoặc trốn trại. Để quản lý, giáo dục tử tù là quá trình gian khó gấp nhiều lần của người quản giáo.

Nhưng, bằng tình người, bằng sự nhân văn, bằng sự kiên trì và nhẫn nại, những cán bộ trông coi tử tù ở trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh đã cảm hóa được những “ông trùm” khét tiếng, những tên tội phạm giết người trước khi họ phải chấp nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Cán bộ quản giáo điểm danh, kiểm diện phạm nhân

Khi tử tù “cứng đầu” rơi nước mắt

Nguyễn Văn Hải, tức Hải "Cẩu" là tử tù “nổi tiếng” đối với các quản giáo ở trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Hải sinh năm 1958, quê ở Thái Nguyên, cầm đầu một vụ “Mua bán trái phép chất ma túy” lớn, với gần 20 đối tượng. Hải bị TAND tỉnh Quảng Ninh xử và tuyên án tử hình.

Không phải tự dưng mà tập hồ sơ của Hải dày đến vậy, bởi nó lưu trong đó tất cả những trang đời bất hảo của một “ông trùm” khét tiếng với 4 tiền án. Trước lúc vào đây, Hải vừa chấp hành xong bản án 18 năm tù giam tại trại giam Tân Lập.

Kể về tử tù này, Đại úy Nguyễn Văn Huy, quản giáo trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh - người được phân công trông coi Hải cho biết, những ngày đầu vào trại, Hải rất lì lợm, bất cần. Đại úy Huy vẫn nhớ mãi, câu đầu tiên anh hỏi tử tù này: “Anh đã được học xong nội quy trại chưa?”.

Hải ghếch mặt sang chỗ khác, mắt không nhìn tôi, trả lời “ăn cơm tù từ năm 18 tuổi, chả học cũng thuộc rồi”. Đại úy Huy nghiêm mặt nói: “Nếu đã được học nội quy trại, anh phải thực hiện cho nghiêm túc. Đề nghị anh có thái độ đúng mực khi giao tiếp cùng cán bộ".

Hải lặng thinh, đưa mấy ngón tay cáu bẩn rờ rẫm vào vài vết sẹo chằng chịt ở cánh tay. Khi khai họ tên, Hải trả lời cộc lốc, thái độ ngông nghênh, chống đối. Đại úy Huy đã nghiêm khắc phê bình, yêu cầu phạm nhân thực hiện đúng nội quy của trại. Sau một hồi đối đáp với cán bộ, tử tù tỏ thái độ “hôm nay tôi mệt, cho tôi về buồng đã”...”.

Sau đó là một chuỗi ngày dài Hải gây ồn ào trong khu giam. Giờ ăn thì Hải đi ngủ, giờ mọi người đi ngủ thì Hải tập thể dục, chạy nhảy huỳnh huỵch, rung cùm, hô hét ồn ào. Hải thường xuyên xúi giục, kích động các phạm nhân cùng khu giam đòi hỏi yêu sách, viết đơn kiến nghị sai sự thật; hát hò tập thể, nói chuyện lớn tiếng từ buồng giam nọ sang buồng giam kia gây mất trật tự trong khu giam... Những răn đe, giáo dục của cán bộ, Hải bỏ ngoài tai.

Cho đến một chiều cuối năm, hôm đó là 29 tết, có một bà cụ khoảng 80 tuổi, chân đi đôi dép nhựa đã mòn, nước mưa ướt sũng đôi tất... đến cổng trại xin vào gặp con trai. Bà không biết ngày đó trại không tổ chức cho gia đình đến gặp phạm nhân nữa. Hỏi ra mới biết đó là mẹ của tử tù Nguyễn Văn Hải. Sau một hồi được cán bộ trực giải thích, bà cụ rụt rè xin được gặp Ban giám thị.

Hôm đó là ca trực lãnh đạo của Thượng tá Vũ Việt Hùng - Phó Giám thị trại, sau khi nghe cán bộ trực ban báo cáo, Thượng tá Hùng vội vã đến phòng trực ban gặp bà cụ. Sau khi lắng nghe cụ trình bày nguyện vọng và hoàn cảnh, người ta nhìn thấy cái nắm tay ân cần của Thượng tá Hùng đối với bà, rồi một cuộc điện thoại rất nhanh xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Quyết định thăm gặp được ký duyệt. Tổ trực hồ sơ nhanh chóng nhập máy, tổ trực tiếp dân quay lại mở cửa nhà thăm gặp, nối máy điện thoại 2 đầu. Đại úy Huy đã hết giờ làm, không phải ca trực cũng đã được gọi quay trở lại trại để mở cửa buồng giam, cùng tổ dẫn giải thực hiện đúng quy trình cho người bị kết án tử hình thăm gặp thân nhân.

Sau buổi gặp, quản giáo Huy dẫn Hải về buồng giam, nói: "Anh yên tâm, trại đã cử cán bộ đưa mẹ anh ra bến xe, kịp bắt chuyến xe cuối cùng về quê rồi. Bà có gửi anh 200 ngàn mua quà tết. Nhưng giờ này căng tin trại đã đóng cửa, tôi vừa chạy ra ngoài kịp mua hộp bánh, gói kẹo hộ bà. Quà của anh đây!".

Run run nhận gói quà từ tay người quản giáo, thấy vai áo cán bộ ngày mùa đông ướt sũng vì mưa, Hải bỗng ôm mặt khóc như một đứa trẻ. Lần đầu tiên người ta thấy Hải "Cẩu” khóc...

Sau ngày đó, không ai trong khu giam tử tù ấy còn nghe thấy những tiếng ồn ào từ buồng giam của Hải nữa, tuyệt nhiên trật tự và nội quy thì luôn được chấp hành một cách nghiêm chỉnh.

Đại úy Huy chia sẻ, nếu như quá trình "giáo dục đi" có những gian nan, vất vả riêng của nghề sư phạm thì quá trình "giáo dục lại" của người cán bộ quản giáo còn gian khó gấp nhiều lần. Bởi vẽ lên tờ giấy đã loang lổ những mảng màu sẽ khó hơn nhiều so với việc vẽ lên tờ giấy trắng.

Các quản giáo làm việc trong môi trường đặc biệt

Những nỗ lực không biết mỏi

Nhắc đến đối tượng Doãn Trung Dũng, người dân khu Hợp Thành, phường Phương Nam, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa quên vụ án giết người gây rúng động dư luận cả nước vào tháng 9-2016, gây nên cái chết thương tâm của 4 bà cháu. Với mục đích cướp tài sản để có tiền dùng ma túy đá, Dũng đã xuống tay tàn độc với 3 đứa trẻ và một bà già vô tội.

Quản lý giam giữ Dũng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp. Nó đòi hỏi sự phối hợp, tập trung cao độ cũng như bản lĩnh, kinh nghiệm của tập thể cán bộ chiến sĩ Đội Quản giáo trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Xác định mức độ nghiêm trọng của vụ án cũng như tư tưởng bất thường, khó nắm bắt của Dũng, Trung úy Ngô Đình Linh - người được phân công quản lý trực tiếp đối tượng này thường xuyên gọi hỏi, giáo dục, nắm bắt diễn biến tư tưởng đối tượng.

Tuy nhiên, với một kẻ từng có 2 tiền án như Doãn Trung Dũng thì các thủ đoạn để che mắt cán bộ nhằm ngấm ngầm thực hiện các hành vi chống đối, trốn trại là cực kì tinh vi và có tính toán kĩ càng.

Do ảnh hưởng của ma túy đá, đôi khi Dũng vẫn bị ảo giác, không kiểm soát được hành vi. Có lần Dũng như con thú hoang lao vào tấn công cán bộ quản giáo khi vừa được mở cửa nhưng do tinh thần cảnh giác cao độ và chủ động đề phòng với các đối tượng tiền sử dùng ma túy đá nên Trung úy Ngô Đình Linh đã né được và rất nhanh chóng, sử dụng các động tác võ thuật quật ngã, khống chế đối tượng. Không ít lần, Dũng quát nạt, chửi bới, hắt nước, hắt thức ăn, thậm chí cả bô nước tiểu vào phạm nhân khác, gây mất trật tự trong khu giam.

Nhưng có lúc Dũng lại hoàn toàn trở thành một con người khác, khi được cán bộ gọi giáo dục, Dũng ngoan ngoãn chấp hành, có khi ôm mặt khóc ngon lành, ăn năn vì hành vi sai trái. Có lần Dũng kể về những đêm trắng không ngủ, ám ảnh về tội ác đã gây ra. Không ít lần Dũng có ý định tự sát trong buồng giam nhưng cán bộ đều phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Dũng biết, với tội ác của mình gây ra sẽ không thoát khỏi mức án cao nhất của pháp luật nên hắn muốn trốn tránh bằng cách tự sát.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng đến lúc phiên tòa xét xử là vô cùng khó khăn, vất vả. Không chỉ trong giờ hành chính mà ngoài giờ luôn có 3 cán bộ đứng trước cửa buồng giam canh coi, giám sát mọi hành động của Dũng, chưa kể bộ phận trực camera (Kasan) hoạt động 24/24h.

Hôm đó, như thường lệ, sau khi ăn tối, Dũng lên sàn nằm trùm chăn, quay mặt vào tường nhưng thực chất là đang bện dây cói được rút từ chiếu. Đến nửa đêm, Dũng trùm chăn đứng sát cửa, trong lúc vờ hỏi chuyện cán bộ trực đứng ngoài, Dũng kín đáo luồn dây qua song sắt ô thoáng làm thòng lọng chuẩn bị thực hiện hành vi tự sát. Bộ phận trực Kasan chỉ nhìn thấy tấm chăn sau lưng Dũng như mọi lần hắn vẫn đứng trò chuyện với cán bộ.

Cho đến khi quan sát thấy tấm chăn khẽ tụt xuống, không nhìn thấy Dũng đứng lên, nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, cán bộ Kasan gọi điện cho cán bộ trực quản giáo. Đúng ca trực của Trung úy Linh, nhận được cuộc gọi của tổ Kasan, Trung úy Linh nhòm qua song sắt gọi nhưng không thấy Dũng trả lời. Ngay lập tức tổ trực mở cửa buồng giam, phát hiện sợi dây đã thít chặt vào cổ Dũng, một đầu buộc vào song cửa.

Lúc này, Trung úy Linh cùng tổ trực nhanh chóng cắt dây, thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu, mọi thao tác diễn ra cực kì mau lẹ và chuẩn xác. Cho đến khi Dũng “hực” lên một tiếng, lồng ngực khẽ phập phồng và bắt đầu thở dốc, Trung úy Linh và tổ trực mới thở phào, lúc này mọi người mới thấy thấm mệt - giữa đêm mùa đông mà khuôn mặt ai cũng đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi. Trung úy Linh nhìn đồng hồ, 1h55 - sự việc diễn ra trong chưa đầy 10 phút, nếu chỉ chậm thêm vài phút nữa thôi có lẽ tính mạng Dũng khó có thể giữ được.

Sau khi phiên tòa xét xử diễn ra, Dũng cúi đầu nhận án tử và trong những ngày giam giữ chờ thi hành bản án, Dũng đã xin viết thư gửi về cho người thân và gia đình người bị hại những lời nhận lỗi tuy muộn màng nhưng đầy hối hận, ăn năn.

Tình người quản giáo

Chia sẻ với chúng tôi về nghề quản giáo, Trung úy Nguyễn Phương Huyền, trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý giáo dục, người cán bộ quản giáo phải thường xuyên nắm bắt tư tưởng người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, kiên trì giáo dục "mưa dầm thấm lâu".

Có những trường hợp người bị bắt chưa đủ tuổi thành niên, đứng trước song sắt vẫn là một đứa trẻ như trường hợp La Thị Sương, người dân tộc Tày, quê ở Yên Bái, phạm tội đánh bạc, ngày bị bắt chưa đầy 17 tuổi. Ngơ ngác đứng giữa sân trại, Sương khóc òa ôm lấy cán bộ. Nhìn khuôn mặt còn non nớt của cô bé mới lớn, Trung úy Nguyễn Phương Huyền không khỏi xót xa.

Chị bảo ban, động viên, khích lệ, từ cách gấp một cái chăn, chăng một cái màn... đến cách nói năng, đi đứng; dạy cách đối diện với cô đơn và đêm tối, dạy cách làm một con người lương thiện. Ngày chuyển sang trại giam Ngọc Lý để chấp hành án, nắm chặt tay Trung úy Huyền, Sương rưng rưng: "Cháu sẽ luôn nhớ cô, cháu hứa sẽ cải tạo thật tốt như lời cán bộ vẫn dạy. Cháu mong một ngày sẽ được gặp lại cán bộ nhưng là ở ngoài kia...".

Phút giải lao trong giờ lao động của phạm nhân

Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh thường xuyên quản lý từ 800 đến 1.000 người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, Đội Quản giáo chỉ có hơn 40 cán bộ, lại thường xuyên đi công tác, tập huấn, học tập nên đội luôn trong tình trạng thiếu người, cộng với số lượng công việc nhiều, tính chất công việc phức tạp, có những khi một người phải làm công tác kiêm nhiệm của 2-3 người.

Làm cán bộ quản giáo, nếu chỉ có tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ thì vẫn chưa đủ. Nếu không có cái tâm, không có lòng nhiệt huyết và tình người thì có lẽ không làm nổi. Bởi quản lý giáo dục phạm nhân là một nghề đặc thù và mang đầy tính nhân văn. Con người ta chỉ thực sự được cảm hóa bởi tình thương và lòng nhân ái.

Nếu như có một lời ngợi ca những con người bình dị như Thượng tá Hùng, như Đại úy Huy, Trung úy Linh, Trung úy Huyền và những đồng đội của họ đang ngày đêm âm thầm cống hiến thì xin được mượn lời trong câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai... Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người...” để dành tặng họ.

Khao khát nhói lòng trong trại giam số 3 ở Nghệ An

Khao khát nhói lòng trong trại giam số 3 ở Nghệ An

“Con sẽ luôn cố gắng cải tạo để sớm có ngày về đoạn tụ với gia đình”, đó là lời nhắn nhủ của phạm nhân Nguyễn Huy Trường (SN 1984, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo CAND