Quý vị cần phán xét một cách công bằng. Ông Thăng không cấm dạy thêm, ông chỉ yêu cầu việc dạy thêm phải được tổ chức theo cách khác.

Tôi hiện là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội. Cách đây 20 năm, khi còn là học sinh, bạn bè trong lớp học thêm khá nhiều; còn tôi thì rất ít. Các thầy cô không vì thế mà o ép, làm khó tôi.

Thực ra thì có thầy dạy Vật lý là tỏ ý không bằng lòng; mặt khác, qua các bạn tôi biết là ở các buổi dạy thêm, thầy có cho bài tập giống với đề kiểm tra nhưng tôi vẫn không học thêm.

{keywords}
Cần tách bạch chuyện dạy thêm trong trường học và ngoài nhà trường. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Không học thêm với thầy thì tôi học thêm với sách. Không biết các môn xã hội thì thế nào, chứ với các môn tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh) thì kịch bản các buổi học thêm là giống nhau: thầy ra đề bài, một số học sinh tìm lời giải và một số ngồi chơi, thầy đưa ra lời giải và học sinh chép lại nếu chưa giải được, thầy lại ra đề bài tiếp theo.

Với tôi, sách có thể thay thế cho vai trò người thầy trong trường hợp đó. Tôi mua những cuốn bài tập có đáp án và luyện giải các bài tập. Nếu giải không được thì xem cách giải trong đáp án và từ đó rút ra cách giải cho dạng bài tương tự. Hai tiếng đồng hồ học thêm với thầy đủ để giải khoảng 4 bài tập, nhưng học thêm với sách thì có thể lớn hơn nhiều. Sau đó thì tôi cũng đỗ vào hai trường đại học (đều là trường công lập), trong đó có một trường đỗ thủ khoa.

Rất cần dạy thêm

Tôi cho rằng không những "cần" mà còn "rất cần" dạy thêm. Có nhiều lý do, mà ở đây tôi chỉ nêu ra hai.

Thứ nhất, không phải học sinh nào cũng có tố chất tốt để tiếp thu trọn vẹn kiến thức trên lớp và tố chất tốt để có thể tự học.

Lý do thứ hai xuất phát từ đặc điểm tâm lý chung của mọi học sinh và cả sinh viên. Có thể tố chất của người học không đến nỗi nào, nhưng vì lý do nào đó mà để hổng mất phần kiến thức ban đầu của môn học. Khi đó, người học không thể tiếp thu các phần kiến thức tiếp theo, dần cảm thấy chán nản và buông xuôi.

Trong trường hợp này, người học cần được giúp đỡ (được thầy cô hoặc gia sư kèm cặp riêng) để lấy lại cái gốc làm động lực cho việc học. Khi đã tự mình làm đúng một vài bài tập, người học sẽ tự tin hơn, hào hứng hơn để học tiếp.

Vậy quyết định của ông Đinh La Thăng có đúng có hợp lý không? Tôi cho là "có". Nhắc lại rằng ông Thăng không cấm dạy thêm mà chỉ cấm các thầy, cô và nhà trường tự tổ chức dạy thêm; việc dạy thêm vẫn được phép thực hiện ở các trung tâm.

Giáo viên có bị "mất giá"?

Đưa dạy thêm về các trung tâm là hợp lý! Một số ý kiến cho rằng việc này chẳng qua là "bình mới rượu cũ", nhưng hãy nhớ đó mới là ý kiến chỉ đạo của ông Thăng. Cấp dưới của ông ấy sẽ phải nghiên cứu để đề ra các quy định nhằm quản lý hoạt động của các trung tâm một cách hợp lý.

Một số người lại cho rằng quyết định đưa dạy thêm về trung tâm sẽ khiến giáo viên bị "mất giá".

Tôi tự hỏi, các thầy cô sao nhanh quên Adam Smith với "bàn tay vô hình" của thị trường như vậy? Một cách gần đúng, có thể nói thế này: số lượng học sinh có nhu cầu học thêm là không đổi nên nhu cầu về giáo viên dạy thêm cũng không đổi. Các trung tâm rồi sẽ mọc ra để cạnh tranh nhau thôi!

Chỉ cần các thầy cô giảng dạy tốt thì giá sẽ vẫn cao thôi, thậm chí còn cao hơn trước. Còn đối với xã hội thì có thể nhìn thấy lợi ích rõ ràng: những giáo viên không uy tín sẽ không được các trung tâm tuyển dụng; con em của quý vị, nếu có nhu cầu, sẽ được học thêm với những giáo viên tốt nhất.

Có một số ý kiến cho rằng "chương trình nặng như bây giờ thì giáo viên không thể dạy hết trên lớp". Tôi thấy chưa thoả đáng.

Chương trình được xây dựng bởi những nhà giáo giàu kinh nghiệm hàng đầu cả nước nên chắc chắn là hợp lý về mặt thời gian (ở đây, tôi không bàn về sự hợp lý của kiến thức trong đó). Mặt khác, những hôm có đoàn dự giờ thì thầy cô luôn hoàn thành bài giảng, tại sao ngày thường lại không? Những thầy cô khác có thể hoàn thành bài giảng, tại sao thầy cô này lại không?

Dạy thêm không phải là cách duy nhất để tăng thu nhập. Một số thầy cô ý kiến rằng "vì lương thấp nên tôi phải dạy thêm". Tại sao lại là "phải dạy thêm" mà không là "phải làm thêm" việc khác?

Nói cách khác, dạy thêm là việc làm hoàn toàn chính đáng của giáo viên và nó cũng đáng được trân trọng như dạy chính khóa. Nhưng đó là khi nhu cầu dạy thêm của ta và nhu cầu học thêm của xã hội gặp nhau. Còn nếu xã hội không có nhu cầu học thêm thì sao? Thì ta kiếm việc khác để tăng thu nhập chứ sao.

Mẹ tôi cũng là giáo viên ở một vùng quê. Là giáo viên mầm non nên dĩ nhiên là chẳng có chuyện dạy thêm. Khi lương còn thấp, để có thêm thu nhập, mẹ tôi chẳng ngại làm thêm 5 sào ruộng (sào Trung bộ), trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà. Tại sao thầy cô không thể làm ruộng, nuôi gà, bán trà đá, bán bánh mì...? Nếu cho rằng những việc đó làm mất đi sự thanh cao của mình thì chẳng nhẽ việc dùng thủ đoạn để ép học sinh học thêm là việc làm thanh cao hay sao?

Nói thêm với phụ huynh

Là một người đã từng đi học và đang giảng dạy đại học, tôi muốn góp ý với quý vị phụ huynh đôi điều.

Thứ nhất, nếu con em quý vị hoặc học yếu, hoặc học thật xuất sắc thì hãy tìm thầy thật giỏi dạy thêm; còn nếu lực học ở mức khá-giỏi thì hãy để các em tự học sẽ tốt hơn.

Thứ hai, đừng "xúi giục" con em mình vào đại học bằng mọi giá. Ông cha dạy rồi: "liệu cơm gắp mắm". Nếu đủ thông minh thì hãy học đại học để làm "thầy"; còn nếu không thì hãy học nghề để làm "thợ"; đừng cố vào trường bất kỳ học ngành bất kỳ miễn sao có mác "đại học", để rồi khi ra trường làm thầy chẳng được, làm thợ chẳng xong như một lượng lớn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ hiện nay.

Đó cũng là những điều mà tôi nói với người thân của mình. Hơn nữa, trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay, làm "thầy" chưa chắc đã kiếm nhiều tiền bằng làm "thợ". Em trai tôi tốt nghiệp trung cấp, nay đã mua được nhà. Ông anh họ (bằng tuổi em trai tôi) học cao đẳng, nay đã mua được xe. Còn tôi làm giảng viên đại học thì đang ở nhà đi thuê.

Nguyễn Tuấn Anh