Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng thế giới tài trợ chính, với tổng số vốn khoảng hàng trăm triệu USD, thực hiện từ năm 2015. Dự án này hướng đến góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Việt Nam, canh tác theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê tại 2 vùng sản xuất hàng hóa chủ lực là: ĐBSCL và Tây Nguyên.

Ở Sóc Trăng, dự án VnSAT được triển khai thực hiện từ năm 2016 trên địa bàn 6 huyện: Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Long Phú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị. Trong 5 năm, dự án đã hỗ trợ hàng chục ngàn nông dân thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ bà con nông dân, hợp tác xã (HTX) về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; triển khai mô hình, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sản xuất lúa…

{keywords}
 

Thúc đẩy sản xuất lúa theo hướng bền vững

Dự án VnSAT trên toàn quốc đã có tác động tích cực đến phương thức canh tác bền vững của các hộ dân, góp phần thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, về các giải pháp kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", các địa phương vùng ÐBSCL đã đào tạo cho hơn 151.000 nông dân với diện tích hơn 210.000ha. Về quy trình "1 phải, 5 giảm", đã có gần 99.000 nông dân với diện tích hơn 140.00ha áp dụng, vượt mục tiêu đề ra là 75.000ha. Trong đó, Sóc Trăng là một trong những địa phương có tỷ lệ nông dân áp dụng cao nhất.

Để sản xuất lúa gạo bền vững, các vùng dự án VnSAT Sóc Trăng tích cực xây dựng mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa, gạo giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp. Từ đó, dự án hướng đến nâng cao thu nhập cho người trồng lúa ổn định và lâu dài; tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường của gạo Sóc Trăng; góp phần tạo ra sản phẩm gạo an toàn cung ứng đến người tiêu dùng và phục vụ thị trường xuất khẩu.

Nổi bật trong đó có mô hình cánh đồng lớn mà dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành) ở vụ Hè - Thu 2021 đã đem lại nhiều kết quả ấn tượng.

{keywords}
Mô hình cánh đồng lớn tại HTX Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A (Ảnh: Báo Sóc Trăng)

Đây là vụ lúa thứ 2 hợp tác xã này được dự án VnSAT hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo bền vững với diện tích 40ha, canh tác theo hướng hữu cơ. Dự án cũng đã hỗ trợ hợp tác xã 50% lúa giống cấp xác nhận để gieo sạ, 50% vật tư nông nghiệp, phân bón hữu cơ, hỗ trợ tiền san bằng mặt ruộng trước khi gieo sạ 400 nghìn đồng/ha; phối hợp đơn vị chuyên môn hướng dẫn thành viên hợp tác xã áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa “1 phải 5 giảm”. Nhờ đó, lượng giống gieo sạ giảm khoảng 50 - 70kg/ha so với trước, do gieo sạ thưa nên lúa ít sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư khoảng 6 - 7 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, mô hình trên đã được doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra, giá bán cao hơn ngoài thị trường 100 đồng/kg, mặc dù thu hoạch lúa vụ Hè - Thu ngay lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ông Ninh Văn Quảng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A cho biết, vụ Hè - Thu năm 2021, thành viên hợp tác xã thu về lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/ha.

Đầu tư cơ sở hạ tầng

Trong những năm qua, bên cạnh tập trung đào tạo tập huấn kỹ thuật quy mô lớn cho người dân, dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, dự án đã đầu tư hạ tầng và thiết bị cho hợp tác xã nông nghiệp sản xuất lúa, với tổng kinh phí hơn 97 tỷ đồng (vốn IDA hơn 77 tỷ đồng, vốn đối ứng tỉnh gần 9 tỷ đồng và vốn tư nhân hơn 11 tỷ đồng).

{keywords}
Nông dân trong vùng dự án VnSAT được hỗ trợ xây dựng nhà kho chứa lúa (Ảnh: Hữu Đức)

Trong đó, về hạ tầng, dự án đã đầu tư 11 tiểu dự án cơ sở hạ tầng cho 11 hợp tác xã, gồm các hạng mục như: 9 nhà kho tạm trữ, công suất 1.000 tấn; 8.100m đường, 11 cầu giao thông, 2 trạm bơm và 7 cống hở. Về thiết bị, dự án đã hỗ trợ hợp tác xã mua  3 thiết bị sấy, 2 máy cuốn rơm, 3 thiết bị tách hạt, 5 máy cấy lúa, 4 máy phun hạt, có kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng.

Riêng ở huyện Mỹ xuyên, dự án này đầu tư hạ tầng và thiết bị cho hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng về hạ tầng đường giao thông hơn 2,2km, 1 cầu giao thông nông thôn và 2 cống, có kinh phí hơn 6,9 tỷ đồng; bên cạnh đó là các thiết bị máy tách hạt, 5 máy cấy lúa, 4 máy phun hạt với kinh phí 416 triệu đồng.

Ông Trần Tấn Phương - Giám đốc Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng cho biết, tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong vùng dự án, trong giai đoạn 2021 - 2022, dự án sẽ đầu tư 12 tiểu dự án (trong đó: 11 tiểu dự án chính thức và 1 tiểu dự án dự phòng) trên địa bàn 5 huyện: Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và Mỹ Tú. Mức đầu tư dự kiến hơn 111 tỷ đồng về các hạng mục như: đường giao thông nông thôn có chiều dài tuyến hơn 30km đường, tải trọng 3,5 tấn; 29 cầu giao thông nông thôn; 1 cống và 1 trạm bơm điện.

T.H