Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025.
Chương trình được triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn của cả nước. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới và tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, báo VietNamNet tổ chức tọa đàm: “Chuyển đổi số - bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới” với 2 vị khách mời:
Khách mời 1: Tiến sĩ Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Nông dân Việt Nam; Hiệu trưởng trường Cán bộ Hội nông dân Việt Nam
Khách mời 2: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Để tiện theo dõi xin mời quý độc giả xem video:
Ba vấn đề cốt lõi của chuyển đối số trong nông thôn mới
Nhà báo Diệu Bình: Trước khi vào chủ đề chính của cuộc tọa đàm ngày hôm nay, xin 2 vị khách mời có thể cho biết đôi nét về tình hình nông nghiệp – nông dân – nông thôn hiện nay dưới góc nhìn của hai ông?
TS.Nguyễn Quốc Toản: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Trong đó, đặt người nông dân ở vị trí trung tâm, then chốt của quá trình “tam nông”. Trong những năm qua, với sự quan tâm đó, các địa phương, các chủ thể, hợp tác xã, người nông dân, bên cạnh sự song hành của các cơ quan quản lý ở Trung ương, các Bộ, ngành cũng như Hội Nông dân Việt Nam, chúng ta đã có rất nhiều các hoạt động thiết thực và hoàn thiện thể chế, để làm sao chủ trương “tam nông” được hiện thực hóa, và bám sát những Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này.
Nhờ đó, chúng ta đã đạt những kết quả rất đáng khích lệ. Một bức tranh chung là chúng ta đã cùng vượt khó. Đối với nền kinh tế nói chung, ở khía cạnh nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã phát huy được sức mạnh của khu vực kinh tế có tính chất trụ đỡ, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và hậu Covid-19. Đến giờ này, những kết quả, những chỉ số của sản xuất nông nghiệp đã đứng vững, vượt qua với tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành khoảng 3,5%. Bên cạnh đó, một trong những chỉ số rất được quan tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp từ nhiều năm qua, đó là kim ngạch xuất khẩu nông sản. Năm 2023, trong muôn vàn khó khăn, đến nay, Việt Nam đã đạt con số xuất khẩu khoảng trên 48 tỷ USD và cố gắng phấn đấu về đích ở con số khoảng 53 tỷ USD. Như vậy, đây cũng là con số thể hiện sức sản xuất của sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đấy là một trong những cốt lõi của sự chuyển mình của kinh tế nông nghiệp.
Thứ hai, ở khu vực nông thôn, có rất nhiều khởi sắc, chúng ta đã biết rằng, diện mạo các làng quê đã đổi thay. Đổi thay không chỉ là từng con đường, từng không gian cộng đồng, mà đổi thay ở từng gương mặt người dân. Đó là cảm nhận rất sâu sắc. Những nếp sống văn hóa, không gian văn hóa cũng thổi hồn cho bức tranh nông thôn chúng ta ngày càng sống động. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được đẩy mạnh.
Thứ ba, người nông dân luôn luôn nhận được sự quan tâm. Chúng ta đã có nhiều chương trình đối thoại với nông dân ở cơ sở, Thủ tướng Chính phủ cũng có những đối thoại trực tiếp với người nông dân. Chúng tôi cho rằng, ở bất cứ một thời điểm nào, nông nghiệp – nông dân và nông thôn đều có vai trò quan trọng. Bản thân nước ta là một đất nước phát triển nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp có trách nhiệm, có hội nhập, nền nông nghiệp hiện đại và nền nông nghiệp thông minh. Chính vì thế, chuyển đổi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải chuyển đổi từ vấn đề nhận thức. Từ nhận thức đó, rất nhiều các kết quả đã được minh chứng cho chủ trương rất đúng của Trung ương về “tam nông” mà tôi vừa chia sẻ.
Chưa lúc nào, nông nghiệp – nông dân và nông thôn lại nhận được sự quan tâm của Trung ương, của Chính phủ, của các cấp Bộ, ngành như vậy. Chưa lúc nào, nông nghiệp Việt Nam đứng trước những cơ hội và những thách thức trong hội nhập. Từ đó, giúp cho nền kinh tế và đất nước phát triển bền vững, hùng cường và có trách nhiệm đối với người tiêu dùng trên thế giới.
TS.Nguyễn Khắc Toàn: Tôi đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản. Chưa bao giờ Đảng, Chính phủ, Nhà nước quan tâm nhiều đến nông nghiệp - nông dân – nông thôn như hiện nay. Đại hội XIII xác lập phương hướng và chủ trương đẩy mạnh, xây dựng 1 nền nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Sau đó, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết rất quan trọng, đó là Nghị quyết số 19 về nông nghiệp – nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà ở đó, xác lập những quan điểm, để vị trí và vai trò của nông dân rất quan trọng.
Tôi cũng nghiên cứu và tìm đọc những văn bản trước thì thấy, đến Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương số XIII, lần đầu tiên xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế.
Trước đây, khi chúng ta cơ cấu nông nghiệp, thì 70 - 80, thậm chí 90% chúng ta cũng không dùng đến cụm từ này. Trong điều kiện và bối cảnh hiện nay, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 12 – 13% GDP nhưng nhìn toàn cảnh, với nhiều góc nhìn, tiếp cận khác nhau, tôi thấy Đảng, Nhà nước đặt nông nghiệp lên thành “trụ đỡ”, xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia. Điều đó thể hiện vai trò của nông nghiệp, nông thôn rất là quan trọng. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, người nông dân được xác định là chủ thể của quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển đổi số.
Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội, nằm trong hệ thống chính trị do Đảng sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Hội đang tập trung tuyên truyền, tổ chức và tác động tới khoảng trên 10 triệu nông dân ở cả 4 cấp, đang sinh hoạt ở trên 95 nghìn chi hội trong phạm vi cả nước. Ở đâu có địa bàn nông thôn, ở đâu có sản xuất nông nghiệp thì ở đó vẫn còn tổ chức hội. Vì thế, nông dân vẫn là một lực lượng đông đảo, cần được quan tâm, tác động.
Trong những năm vừa qua, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên rất nhiều. Các khảo sát xã hội, các báo cáo trong hệ thống của chúng tôi đều nói người nông dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo trong những năm qua đã giảm đáng kể, đóng góp vào xuất khẩu nông sản, nằm trong xuất khẩu chung của cả nước chiếm tỷ lệ cao.
Tôi nghĩ rằng, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số đông, gắn với việc sản xuất, gắn với tiêu dùng và gắn với xuất khẩu. Vì thế, nó đóng vai trò rất quan trọng.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai vị khách mời, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Xin ông Nguyễn Quốc Toản cho biết đôi nét về Chương trình này?
TS.Nguyễn Quốc Toản: Ngay trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định về Chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định 8 lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm, cần phải chuyển đổi số mạnh mẽ và nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực đó.
Đến tháng 8/2022, Chính phủ tiếp tục giành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực kinh tế nông thôn, đặc biệt là đối với người nông dân. Đó là Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 để bám sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ba vấn đề cốt lõi của chương trình này mà Chính phủ đặt trọng tâm gồm:
-Phát triển chính quyền số ở nông thôn
-Phát triển chủ thể kinh tế số ở nông thôn
-Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư
Ba vấn đề này rất quan trọng, thể hiện ở câu chuyện chuyển đổi số ở khu vực quản lý Nhà nước, chuyển đổi ở cả tâm thế ở khu vực kinh tế nông thôn, nơi có rất nhiều thành tố như: Các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ do người nông dân tham gia vào, để đổi mới kinh tế nông thôn. Trong đó, yếu tố thứ 3 rất quan trọng, đó là xây dựng xã hội số ở nông thôn. Chúng tôi cũng cảm nhận, chương trình đã bám sát được những hơi thở của cuộc sống, đó là việc chúng ta đã xác định là làm sao để khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực cơ sở các cấp như xã, huyện, thậm chí những khu vực gần người dân hơn như là các thôn, ấp, ở đó, hoạt động chuyển đổi số được cụ thể hóa, được thực hiện tổ chức một cách có hiệu quả, kịp thời.
Phát triển kinh tế số ở nông thôn, những con số tôi đã nói ở đầu chương trình về kim nghạch xuất khẩu là 53 tỷ USD, trong đó là sự đóng góp rất nhiều ở tuyến đầu – tức là người nông dân. Người nông dân là chủ thể đầu tiên và cũng là chủ thể cuối cùng để hưởng thụ những thành quả của kim ngạch xuất khẩu đó.
Vì vậy, nội hàm kinh tế số ở nông thôn được tổ chức, được ban hành rất nhiều để phục vụ việc đó. Làm thế nào để rất nhiều sản phẩm của người nông dân được đưa lên sàn thương mại điện tử, làm thế nào để tất cả những giao dịch của người nông dân ở cơ sở được chuẩn hóa, được xác lập bằng những giao dịch thương mại điện tử, những hành vi số trong kinh tế nông thôn.
Thành tố xã hội số, với sự bùng nổ của các phương tiện: Điện thoại thông minh, tỷ lệ truy cập Internet hàng ngày của vùng nông thôn hiện nay, Việt Nam là khoảng 77%. Rõ ràng đây là dư địa rất lớn để làm sao kiến tạo được môi trường văn hóa, thúc đẩy qua các nền tảng số ,và chúng ta gọi là xã hội số. Đó là những phong tục tập quán, nếp văn hóa, không gian văn hóa cộng đồng. Chúng ta phát triển những khía cạnh này trong công cuộc chuyển đổi số ở nông thôn được rộng hơn, xa hơn và tiết kiệm được nguồn lực hơn. Từ đó, góp phần kiến tạo được những tri thức hóa cho người nông dân và bồi đắp thêm những thành tố văn hóa trong xã hội số ở nông thôn.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong chuyển đổi số
Nhà báo Diệu Bình: Chuyển đổi số đang là giải pháp đột phá, là khẩu hiệu hành động của cả Chính phủ, các ngành kinh tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vậy góc độ tiếp cận chuyển đổi số của Hội Nông dân Việt Nam trong nông nghiệp – nông dân và nông thôn thế nào, thưa ông?
TS.Nguyễn Khắc Toàn: Chúng tôi thấy rằng, tỷ lệ người sống ở nông thôn rất cao. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội trên dưới 30%. Hội nông dân tính ra con số xấp xỉ 18 triệu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, con số hội viên nông dân xấp xỉ trên dưới 12 triệu lao động. Về mặt số lượng lao động, con người ở nông thôn rất lớn, số lượng thành viên của một tổ chức đoàn thể rất đông đảo. Chúng ta cũng biết, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và đây cũng là mục tiêu của Đảng, Nhà nước trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, hướng về người nông dân. Số lượng người nông dân đông như vậy nên chúng tôi tiếp cận ở góc độ người nông dân có vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng đến người nông dân đóng vai trò chủ thể, là người trực tiếp triển khai, thực hiện dưới sự hướng dẫn của cấp ủy Đảng, chính quyền. Sau đó, có được thành công, người nông dân cũng chính là người thụ hưởng. Vì vậy, chúng tôi xác định người nông dân, đặc biệt là tổ chức chính trị xã hội Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức hội nông dân các cấp phải sát cánh cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số Bộ - ngành liên quan, để dẫn dắt nông dân tham gia vào công cuộc chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp trong nông thôn nói riêng.
Nhà báo Diệu Bình: Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới. Vậy trong tiến trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, nông dân có vai trò và vị trí như thế nào?
TS.Nguyễn Khắc Toàn: Nông dân hiện nay theo chúng tôi đánh giá vẫn còn một số hạn chế, khó khăn bên cạnh rất nhiều ưu điểm đã được ghi nhận, đánh giá. Trong đó có những hạn chế, khó khăn, đó là khả năng tiếp cận công nghệ, chất lượng đào tạo trong nông nghiệp thấp so với cả thành phần của đối tượng khác. Trong đó có cả khả năng hạn chế về khả năng thích ứng, tiếp cận đối với công nghệ. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian tới cần đào tạo, bồi dưỡng, có thêm hiểu biết, kỹ năng, hình thành tác phong trong sản xuất như Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vẫn nói là để có nền nông nghiệp hiện đại, cần có những nông dân chuyên nghiệp.
Nhà báo Diệu Bình: Vậy người nông dân phải làm gì để tham gia vào quá trình chuyển đổi số? Về phía cơ quan Nhà nước cần hỗ trợ gì?
TS.Nguyễn Quốc Toản: Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần tại Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã trả lời các đại biểu Quốc hội là chúng ta cũng đã hoàn thiện được rất nhiều khuôn khổ pháp lý để vận hành chương trình này một cách hiệu quả và chúng ta cũng chỉ ra những thách thức nội tại, trong quá trình triển khai chương trình. Có thể nói, nội hàm chính sách rất đa dạng, phong phú nhưng khâu tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở vẫn còn những vướng mắc khó khăn. Để làm sao người dân được tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn và trúng hơn… chúng ta coi đó là những trăn trở.
Vì nguồn lực ngân sách không dồi dào và phải tập trung vào rất nhiều mục tiêu khác, thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng những nguồn lực vật chất thì chúng ta có thể hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, thông qua đào tạo, thông qua việc đưa ra những “cần câu”, để giúp người nông dân có thể cập nhật, điều chỉnh.
Ví dụ như đối với một hộ kinh doanh, hoặc một hộ hợp tác xã, thay vì mình có nguồn vốn trực tiếp hỗ trợ họ, thì có thể có những cơ chế chính sách để giúp cho người ta tiếp cận được nguồn vốn mà có lãi suất phù hợp. Thậm chí là ưu tiên về lãi suất. Từ đó, người ta làm chủ trong không gian kinh doanh, làm chủ được kế hoạch kinh doanh, làm chủ được kế hoạch mùa vụ.
Hoặc là khía cạnh hỗ trợ khác, đó là chúng ta hỗ trợ thông qua chương trình khuyến nông. Bằng chứng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua đã thúc đẩy rất mạnh mô hình “Tổ khuyến nông cộng đồng”. Hay Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có những chương trình thông qua các “Tổ chuyển đổi số cộng đồng” tại cơ sở. Đó là những hỗ trợ về mặt kỹ năng giúp người nông dân tiếp cận nhanh hơn đối với những vấn đề của chuyển đổi số. Qua đó, chúng ta đa dạng hóa những cách tiếp cận trong hỗ trợ.
Một cách hỗ trợ nữa là tạo không gian kết nối. Tôi cho rằng cách hỗ trợ này rất quan trọng để có những hệ sinh thái, kết nối giữa người bán và người mua, kết nối giữa người sản xuất và các cơ sở tiêu thụ cuối cùng, cố gắng bỏ qua những lớp trung gian để tiết giảm chi phí; kết nỗi giữa vùng sâu và vùng xa với các đơn vị thu mua tại cơ sở, ví dụ như cấp huyện, cấp tỉnh có những chợ đầu mối. Đó là những cách mà chúng ta hướng tới cách tiếp cận thay vì lúc nào chúng ta cũng phải bỏ nguồn lực ngân sách ra. Đó là cách tiếp cận mà chúng ta dần dần phải thay đổi. Đó cũng là con đường tạo dựng tâm thế chủ động của người nông dân chuyên nghiệp, người sản xuất trồng cây gì, nuôi con gì… thì nghĩ ngay đến thị trường và để có được điều đó, họ được trang bị một cách đầy đủ, không những là sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt ngân sách mà còn là sự hỗ trợ của cả cộng đồng về mặt kỹ năng, về cách tiếp cận vấn đề, để làm chủ không gian sản xuất, tiến tới làm chủ không gian thị trường của mình.
TS.Nguyễn Khắc Toàn: Tôi xin được bổ sung thêm vấn đề: Người nông dân cần phải làm gì để tham gia quá trình chuyển đổi số. Đó là người nông dân cần phải được học, tự học và học qua trường lớp, học trên mạng internet bằng rất nhiều cách để hiểu về chuyển đổi số. Nó như một khẩu hiệu hành động, một giải pháp đột phá. Tuy nhiên, hơn 10,2 triệu hội viên Hội Nông dân Việt Nam của chúng tôi vẫn chưa có điều kiện. Vì vậy tôi nghĩ người nông dân, kể cả cán bộ hội nông dân cũng cần phải học để biết chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số cụ thể trong nông nghiệp - nông thôn mới là gì? Có những nội dung nào? Định hướng lớn như thế nào? Câu chuyện đó rất cần đến các chuyên gia, các nhà khoa học, người quản lý, tư vấn, định hướng và dẫn dắt thêm.
Nếu như hiểu chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, về cách làm việc, về phương thức tổ chức sản xuất trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số thì người nông dân cũng cần phải được tiếp cận theo 1 vài cách, từ tổ chức sản xuất, quản trị, bán hàng, marketing sản phẩm, đều có thể ứng dụng các công nghệ số và người nông dân trên cơ sở sản xuất cụ thể của mình để sáng tạo, mày mò.
Thứ 2 là chúng tôi rất khuyến khích và tuyên truyền để nông dân phải thay đổi các thói quen, đặc biệt là thói quen sử dụng điện thoại. Đó là từng bước sử dụng điện thoại thông minh. Vì điện thoại thông minh là công cụ, phương tiện giúp cho nông dân tiếp cận với công nghệ, với chuyển đổi số, nếu không sẽ không thể nào giải quyết và thúc đẩy được chuyển đổi số.
Bên cạnh điện thoại thông minh, một lĩnh vực nông dân cũng có thể tiếp cận sớm là tiếp cận chuyển đổi số trong tài chính và ngân hàng. Những thanh toán điện tử, vừa rồi chúng tôi có tổ chức hội thảo chuyên đề về nông dân với chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các doanh nghiệp, ngân hàng đều báo cáo tin vui, đó là người nông dân tham gia rất nhiều các app mới như: Viettel Pay, Mobile Pay.... Vì ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không sử dụng phổ thông tài khoản như chúng ta đang dùng tài khoản và QRcode. Người nông dân thông qua các mạng viễn thông đó để sử dụng dịch vụ tài chính số ở quy mô vi mô.
Tôi cũng nghĩ cần có những khuyến nghị đối với các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông, hay doanh nghiệp tài chính, ngân hàng để tạo điều kiện cho nông dân được chuyển đổi số. Ví dụ: Mở rộng hệ thống cáp quang có băng thông rộng, đặc biệt là tới vùng sâu, vùng xa, đó là tăng cường tốc độ truy cập các đường truyền, có dung lượng data lớn hơn và tạo điều kiện để chúng ta được sử dụng nhiều nhất dịch vụ Wifi công ích miễn phí. Đặc biệt là với nông dân, các gói cước của các doanh nghiệp viễn thông ngày càng giảm. Vì người nông dân rất băn khoăn đến các chi phí hàng ngày và những gói cước như 30 nghìn đồng, 50 nghìn đồng hay 70 nghìn đồng... đều được tính toán trong chi tiêu của họ. Hay một số hỗ trợ các tài khoản ngân hàng theo kiểu miễn phí để tạo điều kiện cho nông dân làm quen với việc sử dụng dịch vụ tài chính số.
Nhà báo Diệu Bình: Có ý kiến cho rằng: “Trong bối cảnh chuyển đổi số, số hóa là xu thế tất yếu. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo AI… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, đặc biệt là nông thôn mới thông minh”. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?
TS.Nguyễn Quốc Toản: Tôi cho rằng, ở góc độ chúng ta đang đứng trước những cơ hội của thời đại về chuyển đổi số. Trước đây, chúng ta nhắc đến cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số là thông điệp còn xa. Qua đại dịch Covid-19, qua những câu chuyện sau đại dịch này, qua việc nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn có sự suy giảm về tổng cầu, qua câu chuyện chi phí của nền kinh tế còn tăng cao, rõ ràng chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ số trong nền kinh tế được coi là một trong những giải pháp đột phá. Sự đột phá ở đây là đột phá của chính những chủ thể nền kinh tế, là các doanh nghiệp, là các HTX, là các hộ sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ.
Trong nông nghiệp, chúng ta có những bẫy vô hình, tức là một doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc là một hợp tác xã làm mãi một mùa vụ nhưng có những cái lỗ vô hình. Đó là chúng ta chưa tính đúng, tính đủ những nguyên vật liệu đầu vào, những chi phí mà chúng ta bỏ ra trong một mùa vụ kéo dài.
Hay là điểm rơi của thời điểm quy hoạch, lại không trùng với điểm rơi của thị trường. Rõ ràng, để xử lý những điều đó, phải có công nghệ ứng dụng.
AI được coi là đột phá và chúng tôi cũng nhận định AI không quá xa đối với nền kinh tế hiện tại. Bằng AI người ta có thể giải quyết được cả những vấn đề lập kế hoạch kinh doanh trong một tương lai rất là xa theo chu kỳ, theo sức khỏe của doanh nghiệp, chính vì thế, trong thời gian vừa qua, nagy trước đòi hỏi thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Bộ rất quan tâm đến việc này. Chúng ta đứng trước những vấn đề lớn, do vậy cho phép xây dựng một nền tảng là mạng nhà nông, chúng tôi đã kịp thời ra mắt thí điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước hết là vận hành trong 13 tỉnh đồng Bằng sông Cửu Long và chúng tôi đã tập huấn tới các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chi cục trực thuộc, từ các đồng chí lãnh đạo, đến các đồng chí cán bộ cơ sở, các hợp tác xã, bà con nông dân.
Khi người nông dân tiếp cận với nền tảng này, người ta rất phấn khích bởi người nông dân cảm thấy rất thực dụng, là thiết thực ở câu chuyện: thông tin đầy đủ, giá hàng ngày được cập nhật từ các chợ đầu mối; các quy trình khuyến nông, quy trình về mặt canh tác, các thông tin về mùa vụ, thời tiết được cập nhật và được sử dụng miễn phí. Như vậy, chúng ta đưa đến cho họ sân chơi, công cụ và trong đó chúng tôi đã đẩy mạnh ứng dụng AI. Người nông dân có thể hỏi và nền tảng mạng nhà nông trả lời qua AI. Để làm được điều đó, tất cả những quy trình, thông tin cập nhật được các cơ quan quản lý nhà nước đẩy lên môi trường số. Qua công nghệ AI, được trả lời cho người nông dân. Đó là cách mà chúng ta giúp cho người nông dân tiếp cận gần hơn đối với câu chuyện cập nhật chính sách và được sử dụng những thông tin trong không gian sản xuất, không gian thị trường của họ bằng công nghệ AI.
Vì vậy, tôi nghĩ, công nghệ AI không quá xa với chúng ta, miễn là chúng ta nhận thức đầy đủ vấn đề đó và ứng dụng trực tiếp vào đòi hỏi của chính người nông dân.
Nhà báo Diệu Bình: Công nghệ số đã và đang mở ra tương lai mới cho phong trào xây dựng nông thôn mới thông minh với mô hình xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại nhiều tỉnh, thành phố. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
TS.Nguyễn Quốc Toản: Tại rất nhiều cơ sở có rất nhiều loại hình dịch vụ để hỗ trợ cho người dân, thông qua các nền tảng số, ví dụ như là: Y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, môi trường, văn hóa... đều có thể triển khai các nền tảng này. Những mô hình nhiều địa phương làm rất tốt về làng thông minh, xã thông minh như ở Hà Tĩnh, Huế, Bình Phước, hoặc là một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp... mà tôi đã từng đến chia sẻ và thấy được tác dụng hiệu quả tức thời của những mô hình này. Tức là tạo ra những thông tin thiết yếu từ cơ sở. Thứ hai là những dịch vụ tiện ích. Thứ ba là người nông dân được tiếp cận nhanh hơn và chính quyền có cơ hội gần với người dân khi tiếp cận nền tảng số này. Đó là cách mà chúng ta thích ứng nhanh, mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chưa có dịch, thậm chí khi có dịch, chính những mô hình này sẽ phát huy được hiệu quả. Đó là cách mà tôi nghĩ rằng, tại nhiều địa phương hiện nay có cách làm sáng tạo, thông qua các thiết chế như hội nông dân vào cuộc rất quyết liệt và tận dụng các nguồn lực tri thức trẻ ở nông thôn, đó là con em của bà con nông dân đi học rồi quay trở lại khởi nghiệp trong nông nghiệp, nhiều bạn trẻ đã có sáng kiến phục vụ cộng đồng. Tôi cho rằng đó là những mô hình hay, chúng ta cần lan tỏa.
Nhà báo Diệu Bình: Quay trở lại với ông nguyễn Khắc Toàn, với tư cách là tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho hơn 10 triệu hội viên nông dân trong cả nước, theo ông tổ chức Hội Nông dân Việt Nam nên có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công?
TS.Nguyễn Khắc Toàn: Với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, giáo dục, định hướng. Vì vậy Hội nông dân Việt Nam cùng các cấp hội bám sát vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Hội nông dân các cấp cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, để cho đông đảo nông dân của chúng ta hiểu được về chủ trương chuyển đổi số, từ đó có những kiến thức, có những kỹ năng trong việc bước vào chuyển đổi số. Bên cạnh việc tuyên truyền ở diện rộng, cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - đối tượng dẫn dắt. Trường Cán bộ Hội nông dân Việt Nam được giao nhiệm vụ tập huấn các chuyên đề liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ Hội. Liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia, trong thời gian vừa qua chúng tôi rất quan tâm, lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong nông nghiệp – nông dân và nông thôn, để cán bộ Hội nông dân ở các cấp nhận diện được vấn đề, biết được chủ trương của Đảng và Nhà nước, để bám sát vào đó triển khai thực hiện.
Ngoài ra hiện nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng có những chủ trương xây dựng việc kết nối giữa nông dân với nông dân một cách bền chặt, hiệu quả hơn, sắp tơi dự kiến chúng tôi sẽ cho ra mắt app “Nông dân Việt Nam”. Chúng tôi kỳ vọng hơn 10 triệu hội viên nông dân đều nằm trong mạng lưới đó, thì họ có thể sản xuất bao nhiêu, tiêu thụ bao nhiêu, đều có trên bức tranh đó, tâm tư nguyện vọng như thế nào để từ đó kiến nghị, đề xuất với tổ chức Hội và cơ quan chức năng. Đó chính là một giải pháp cụ thể thể hiện nông dân đã bước vào việc chuyển đổi số bằng những việc làm cụ thể.
Cải cách hành chính - yếu tố quan trọng thúc đẩy nông thôn mới thông minh
Nhà báo Diệu Bình: Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử trong nông thôn mới, thời gian qua các địa phương đã triển khai và đạt được những kết quả bước đầu như thế nào, thưa ông?
TS.Nguyễn Quốc Toản: Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng một chính quyền gần với người dân trên tiêu chí: Minh bạch, trách nhiệm, đơn giản mọi thủ tục. Cách tiếp cận đó đã được nhiều địa phương triển khai rất quyết liệt, minh chứng là chúng ta đã có những chỉ số đánh giá độc lập về năng lực cạnh tranh, chỉ số đánh giá về cải cách hành chính của từng địa phương trong nhiều năm qua.
Chúng tôi muốn đi sâu hơn vào khu vực cơ sở, là người dân cảm nhận như thế nào thông qua cải cách hành chính. Có thể nói, ở cơ sở, những thủ tục của chúng ta càng ngày càng đơn giản.
Trong nông nghiệp, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến các cụm doanh nghiệp là nhiều, như mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, nhập khẩu, thủ tục liên quan đến kiểm dịch, thực vật, động vật... liên quan đến nhiều khu vực doanh nghiệp. Đối với người dân, tôi cảm nhận sự mong chờ mọi thủ tục nếu có được sự hỗ trợ về những nền tảng số hay việc sử dụng nhiều hơn điện thoại thông minh như tiến sĩ Nguyễn Khắc Toàn nói. Rõ ràng, câu chuyện cải cách hành chính, chúng ta sẽ đi nhanh hơn, bền vững hơn. Để tiết kiệm được những thời gian mà người dân đến trụ sở cơ quan công quyền, kéo ngắn thời gian chờ đợi kết quả về thủ tục. Điều này cũng phải đòi hỏi chúng ta phải trang bị một cách đồng bộ và điều này cũng đòi hỏi người dân phải chủ động trong việc kết nối dữ liệu.
Rất may mắn và kịp thời, chúng ta đang triển khai rất quyết liệt Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi nhanh, chuyển đổi mạnh cơ sở dữ liệu về dân cư có tính chất kết nối. Tôi cho rằng đó cũng là một cuộc cách mạng sẽ góp phần tiến nhanh, tiến mạnh đến câu chuyện tận dụng chia sẻ nguồn lực về dữ liệu cộng đồng. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ Chính phủ điện tử, chính quyền số tại cơ sở.
Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi đang tập trung vào cải cách hành chính đó là hợp nhất một cửa điện tử. Tất cả mọi thủ tục được hợp nhất lại chỉ có một cổng. Từ đó tất cả người dân có thể từ dịch vụ cần tiếp cận, đến một cổng, một cửa và cũng được trả kết quả ở một cổng, một cửa. Như vậy mọi hoạt động sẽ rất minh bạch, thuận tiện và văn minh, hiện đại.
Tôi cho rằng, cách tiếp cận đó không phải ngày một ngày hai làm được mà cũng không phải nơi nào cũng có thể làm được giống nhau mà cần một quyết tâm chính trị rất lớn, từ người đứng đầu ở mỗi đơn vị hành chính, từ chính quyền cơ sở càng quan trọng. Vì mức độ ở đó người dân cần nhanh hơn so với phương pháp chúng ta triển khai về mặt cải cách hành chính.
Chúng tôi cũng vui mừng nhận thấy, chủ trương đã đúng rồi, việc tổ chức thực hiện đang quyết tâm bám theo chủ trương của Chính phủ rất toàn diện. Nhiều địa phương đi đầu trong lĩnh vực này, ví dụ như ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Bình Phước..., đã tiếp cận rất nhanh, hay một số tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… cũng tiếp cận rất nhanh trong vấn đề cải cách hành chính thông qua thiết lập dịch vụ công, coi đây là nút thắt trọng tâm, trọng điểm phải triển khai.
Nhà báo Diệu Bình: Việc phát triển chính quyền số, tại các địa phương có những thuận lợi và còn gặp phải những khó khăn gì, đặc biệt là tại các vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, thưa ông?
TS Nguyễn Quốc Toản: Chúng tôi cho rằng, chuyển đổi số cần phải đồng bộ mới thành công, nếu chỉ làm manh mún, làm một nơi hoặc là một tổ chức, hoặc là một nhóm nhỏ sẽ khó mang lại kết quả cao. Như vậy, trong thời gian qua, chúng tôi cũng đi rất nhiều địa phương, cảm nhận còn có những khó khăn.
Thứ nhất, TS Nguyễn Khắc Toàn cũng chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số và xây dựng chuyển đổi số trong nông thôn mới cũng như là cải cách hành chính tại cơ sở, một trong những điều then chốt là hạ tầng. Đặc biệt, hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu. Chúng tôi đã đi Lâm Đồng, đến một số huyện thấy Internet còn chưa được phủ sóng thì rất khó để tiến hành đầy đủ các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số.
Thứ hai, công tác đào tạo về mặt kỹ năng, kiến thức, chúng ta phải có nguồn nhân lực, nguồn nhân lực ở đây không phải lúc nào cũng có. Vì chuyển đổi số không đơn thuần là công nghệ thông tin, đây là cả một hành trình dài về mặt quản trị, tổ chức. Rõ ràng cần phải có sự quyết tâm về mặt nguồn lực, nhân lực.
Thứ ba, về công tác tuyên truyền, vận động của các cấp cơ sở, các tổ chức chính trị đoàn thể như: Hội Nông dân là thành tố vô cùng quan trọng, gắn với người nông dân, bản thân người nông dân cũng phải được cập nhật nhiều hơn, họ phải thấy có lợi. Ví dụ như khi họ vào những nền tảng dùng chung, họ thấy có lợi, họ sẽ thấy vui, hữu ích, họ cũng là nhân tố để chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm trong sản xuất, nét văn hóa trong lao động, phong tục tập quán cũng là thành tố rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Họ chia sẻ lẫn nhau, đó là cái chúng ta xác định những điều then chốt, những nút thắt đó để chúng ta chuyển hóa lại thành những giải pháp có tính chất bền vững, lâu dài trong công cuộc chuyển đổi số tại nông thôn.
Nhà báo Diệu Bình: Xin mời ông Nguyễn Khắc Toàn đánh giá vai trò của các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới?
TS.Nguyễn Khắc Toàn: Nguồn lực Nhà nước đầu tư cho xây dựng nông thôn mới có hạn, chúng ta cũng thấy bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia, trong đó có cả Hàn Quốc, phong trào xây dựng nông thôn mới từ những năm 1960 thì nguồn lực nhà nước chỉ mang tính chất là cái thúc đẩy ban đầu.
Trong báo cáo đánh giá 10 năm, chúng ta chỉ huy động khoảng trên dưới 2 triệu tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước cho xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng cái đóng góp của người dân rất là lớn. Theo báo cáo của Hội nông dân Việt Nam, chúng ta có hàng triệu ngày công lao động, hàng triệu m2 đất hiến cùng rất nhiều loại tài sản khác. Đấy là các nguồn lực chúng ta đặt vào nhóm nguồn lực xã hội hóa.
Ngoài ra, còn có nhiều nguồn lực khác cần được chú ý đến để khai thác, phát huy như: Kinh nghiệm quản lý. Ai đó từng làm quản lý đều có thể đóng góp ý kiến đối với cấp ủy chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó còn có nhà khoa học, người có tri thức, đều có thể đem tri thức và những giá trị trí tuệ của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Hay là những người có uy tín ở cộng đồng, để cùng nhau tham gia vào việc bàn bạc, vận động, tuyên truyền để từ đó tạo ra sự đồng thuận xã hội. Sau đó triển khai việc xây dựng nông thôn mới được thuận lợi hơn, tránh những cái vướng mắc, những cái còn băn khoăn của nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới mà chúng ta đã đề cập hay khuyến khích những người ở xa trong đó có cả con em người Việt ở nước ngoài gửi về đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đây là những nguồn lực tôi cho rằng cần nằm trong nhóm xã hội hóa, cần quan tâm, khai thác, phát huy. Thể hiện trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng nông thôn mới.
Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn
Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ số cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ qua hệ thống các phần mềm; phát triển các ứng dụng nền tảng số trong hoạt động thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp góp phần tạo ra giá trị mới cho nông sản.
Nhà báo Diệu Bình: Xin ông cho biết, kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn bao gồm những nội dung nào?
TS.Nguyễn Quốc Toản: Nội hàm kinh tế số rất đa dạng. Đến nay, Bộ thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổng Cục Thống kê đang tiếp tục rà soát để chúng ta đưa ra một khung định nghĩa, cũng là cách tiếp cận đầy đủ. Quan điểm cá nhân tôi, chúng ta tiếp cận kinh tế số, trong phát triển kinh tế nông thôn bằng những thành tố rất thực tiễn. Đó là những công cụ giúp cho người nông dân, giúp cho những chủ thể kinh tế ở nông thôn phát triển trong các mô hình kinh tế của mình, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số và giúp cho việc liên kết nhanh hơn, bền vững hơn trong một hệ sinh thái kinh tế nông thôn hoàn chỉnh.
Tôi lấy ví dụ, TS Nguyễn Thanh Mỹ quê Trà Vinh, người đã có 25 năm sống tại Mỹ. Qua rất nhiều môi trường công tác ở Mỹ với nhiều bằng sáng chế được công nhận, sau đó TS Nguyễn Thanh Mỹ đã quay trở về quê hương của mình lập ra Tập đoàn RYNAN Technologies, đến nay tập đoàn này đã đưa rất nhiều giải pháp ứng dụng số thiết thực và hiệu quả vào hoạt động sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, từ tưới tiêu cho đồng ruộng, nhận biết được sâu bệnh tự động hay bác sĩ khám sức khỏe cho cây trồng, cảnh báo dịch bệnh, tưới tự động điều khiển tập trung, mô hình tôm đạo đức – nuôi tôm bằng những kháng thể với những mô hình giám sát tập trung...
Những cái đó, hàng ngày, hàng giờ đóng góp trong chính kinh tế nông thôn của chúng ta. Có thể nó không đưa ra được chỉ tiêu định lượng cho tổng GDP trong thúc đẩy kinh tế nông thôn nhưng ở một nội hàm nào đó, tôi cho rằng, nó đã giảm thiểu rất nhiều chi phí sản xuất, trung gian, tiêu dùng cho xã hội.
Chính vì thế, tôi cho rằng trong sản xuất nông nghiệp rất cần ứng dụng số, hay là câu chuyện dùng drone (thiết bị bay không người lái) để bón phân trên cánh đồng mẫu lớn; hay việc sử dụng mạnh mẽ công nghệ viễn thám cho phép chụp ảnh ở quy mô rộng, một cách tự động, để theo dõi được quá trình sinh trưởng của cây lúa. Điều này phát huy tác dụng rất mạnh mẽ khi tới đây, chúng ta triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" để đưa về mục tiêu Net-Zero (cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050) đã được Thủ tướng Chính phủ chúng ta đưa ra tại hội nghị COP26 vừa qua. Đồng thời mang lại thu nhập trên chính mảnh ruộng của người nông dân. Một trong những giải pháp đó là chuyển đổi số, là theo dõi, đánh giá tự động.
Ngoài ra, kinh tế số sẽ triển khai một cách đồng bộ bằng những dịch vụ thiết yếu như y tế, như giáo dục, như thông tin, như giám sát cộng đồng, văn hóa cộng đồng..., nó sẽ giúp cho người dân ở vùng sâu, vùng xa đến với người dân ở thành thị hoặc là thúc đẩy khu vực rất quan trọng đó là du lịch tại nông thôn và đây là những bài học thực tiễn.
Chúng ta đã đi miền núi, đã thấy những tấm gương của đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa mà chính đồng bào là những chủ thể làm du lịch bằng công cụ công nghệ số của mình, bằng cách quảng bá như ở Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La… mà chúng tôi đã từng đi. Cách tiếp cận đó, chúng tôi cũng rất mong muốn nhân rộng nhiều hơn những tấm gương điển hình để từ đó làm kinh tế số, làm du lịch số, làm nông thôn số, trở thành một hành vi số một cách tự nguyện của người nông dân. Đó là đích mà chúng ta mong muốn.
Nhà báo Diệu Bình: Vậy theo ông đâu là những khó khăn, thách thức hiện nay đối với phát triển kinh tế số trong kinh tế nông thôn?
TS.Nguyễn Quốc Toản: Trong phát triển kinh tế số, bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù chúng ta đã có những sự quan tâm trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất, tiếp cận thông tin. Ở nhiều chỗ, nhiều nơi, việc tiếp cận thông tin để thiết lập những mô hình kinh tế số chuẩn hoặc là việc quảng bá sản phẩm nông sản của họ còn gặp khó khăn khi đưa lên các sàn thương mại điển tử, hoặc để có những chứng chỉ, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ..., còn nhiều vướng mắc.
Thứ hai, công tác đào tạo còn vướng mắc trong việc làm thế nào để đào tạo nhanh hơn, họ có khả năng cập nhật thông tin đầy đủ hơn bởi vì không đơn giản khi bắt tay vào làm. Ví dụ như mô hình du lịch, bà con không thể nào học tiếng Anh hay các ngoại ngữ một cách nhanh chóng được. Họ cần có sự kết nối để được đào tạo một cách bài bản và tần suất thường xuyên hơn và cũng không mất nhiều kinh phí.
Thứ ba, giống như mọi sự khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cái khởi nghiệp trong khu vực kinh tế số, chuyển đổi số cũng còn nhiều vướng mắc.
Ví dụ như anh Hoàng ở Bình Phước đã xây dựng thương hiệu Bơ ông Hoàng. Thương hiệu này cũng từng đạt giải thưởng Lương Đình Của. Rõ ràng đây là một mô hình rất tiêu biểu của thanh niên học ở Pháp về và đóng góp cho quê hương. Tuy nhiên, không phải ai cũng được trang bị đầy đủ về mặt kiến thức như anh Hoàng. Còn rất nhiều tấm gương khởi nghiệp như anh Hoàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa khác chưa được tiếp cận mô hình, kiến thức.
Chúng ta cần thông qua sự đồng hành và vai trò quan trọng của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tại cơ sở.... Chúng ta sẽ cùng đồng hành với bà con nông dân, để làm sao nhân rộng những điển hình tiên tiến và làm thế nào để có thêm các đối tác, các nhà đầu tư có thể kéo dài chuỗi giá trị của bà con nông dân ở những vùng sâu, vùng xa.
Nhà báo Diệu Bình: Vậy để thực hiện thành công mục tiêu này, không thể không nhắc đến công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, chúng ta cần đổi mới thế nào để tuyên truyền sâu rộng, gần gũi hơn nữa đến các chủ thể như nông dân, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghệ số… thưa ông Nguyễn Khắc Toàn?
TS.Nguyễn Khắc Toàn: Tôi rất quan tâm đến chỉ tiêu Đại hội XIII xác định về kinh tế số. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Văn kiện Đại hội các kỳ xuất hiện cụm từ về kinh tế số mang tính chất chỉ tiêu, định lượng là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP. Tôi cũng đặt ra một số câu hỏi ở một số diễn đàn trong hệ thống của chúng tôi. Đó là hơn 2,2 vạn cán bộ hội từ Trung ương đến cấp cơ sở cộng với khoảng 95 nghìn cán bộ chi hội đã hiểu về kinh tế số là gì, hiểu mục tiêu đó của Đảng?.
Chúng tôi nói đơn giản rằng, kinh tế số là nền kinh tế vận hành trên cơ sở ứng dụng công nghệ số mà đặc trưng cơ bản là các giao dịch thương mại điện tử trên mạng Internet. Từ đó, dẫn dắt cho cán bộ Hội nông dân trong công tác tuyên truyền là phải tăng cường các giao dịch thương mại điện tử như TS Nguyễn Quốc Toản đã nêu là nông dân cần tiếp cận với việc bán hàng qua mạng, hướng dẫn cách sản xuất đủ điều kiện để cấp mã vùng trồng, phục vụ cho xuất khẩu, rồi các chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc…. Các yếu tố này hoàn toàn lệ thuộc và có hiệu quả rất nhiều vào việc ứng dụng công nghệ số; rồi việc kết nối nông dân với nhà sản xuất... Những vấn đề này rất cần được hướng dẫn, cổ vũ, tuyên truyền nông dân trong thời gian sắp tới tham gia vào việc chuyển đổi số và kinh tế số một cách hiệu quả.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Nguyễn Quốc Toản, chuyển đổi số để giúp ngành nông nghiệp hướng tới phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng sản phẩm, đối tượng hưởng lợi đầu tiên là người nông dân, giúp người dân mở ra hướng phát triển mới trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đó là tiếp cận công nghệ, để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP, vậy chúng ta đã làm gì để khai thác tối đa tiềm năng này?
TS.Nguyễn Quốc Toản: Trong bức tranh chung của thương mại nông sản mà ngành nông nghiệp đã xác định, để tập trung mọi nguồn lực như: nguồn lực chính sách, công tác tổ chức thực hiện. Chúng ta có 3 dòng sản phẩm trọng tâm, trọng điểm cần quan tâm.
Thứ nhất là các thương hiệu quốc gia trong nông nghiệp, những sản phẩm xuất khẩu tỷ đô. Chúng ta là “cường quốc” của một số dòng sản phẩm như gạo, cà phê, hồ tiêu, gần đây nhất là rau, củ, quả như: thanh long, sầu riêng; trong thủy sản có tôm, cá tra; trong lâm nghiệp thì có sản phẩm gỗ và sản phẩm ngoài gỗ…. Đó là những dòng sản phẩm mang về cho chúng ta cả tỷ USD, đóng góp trong tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 53 – 54 tỷ USD.
Thứ hai là nhóm sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền như: Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), na Chi Lăng (Lạng Sơn), các sản phẩm có tính chất chỉ dẫn địa lý.
Thứ ba đó là dòng sản phẩm thuộc chương trình OCOP.
Vậy làm sao để thúc đẩy, khai thác tối đa tiềm năng này? Cách tiếp cận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những năm qua là phải đẩy mạnh. Trong sản phẩm OCOP không những đẩy mạnh chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác sản phẩm, mà chúng ta còn đẩy mạnh cách tuyên truyền, câu chuyện về sản phẩm.
Sản phẩm OCOP đã trở thành quà tặng của lãnh đạo cấp cao khi đi nước ngoài, tặng cho nguyên thủ các nước, tặng cho những đối tác quốc tế. Đấy là cách mà chúng ta kể câu chuyện về sản phẩm OCOP, kể câu chuyện về sự nỗ lực của người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, nỗ lực của những người dân tộc... làm ra các sản phẩm đó. Đó cũng là thông điệp văn hóa của các sản phẩm OCOP mà chúng ta lan tỏa cho bạn bè quốc tế và người tiêu dùng.
Quay trở lại, chúng ta phải dùng rất nhiều công nghệ số, nền tảng số, giúp cho thương hiệu OCOP này lan tỏa xa hơn, có thể là một người dân tộc, bằng chính thương hiệu của người ta sản xuất ra.
Tôi đã đi xem sản phẩm trà trên Hoàng Su Phì (Hà Giang), thấy bà con livestream, kể chuyện trên nền tảng số, kể từ câu chuyện ngắt lá trên ngọn cây chè cổ thụ thế nào, trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh ra sao, đến cách sơ chế, cách phân loại sản phẩm, quy trình người ta thao tác... tất cả trên nền tảng livestream đó và đáp ứng đúng được sự đòi hỏi của người tiêu dùng. Tức là tiêu thụ sản phẩm bằng cảm xúc, không những bằng giá trị kinh tế, giá trị xã hội, mà đấy là giá trị trải nghiệm... Đó là cách chúng ta tiếp cận từ vấn đề rất nhỏ nhưng đi xa hơn. Đó là ứng dụng triệt để hoặc tối đa những công nghệ số vào sản phẩm này.
Hay là cái QRcode mà chúng ta gặp rất nhiều, cái QRcode đó chỉ là thông tin chung chung của sản phẩm nhưng cách tiếp cận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn muốn đi xa hơn là tái hiện lại quy trình sản xuất chứ không đơn thuần là thông tin sản phẩm. Đây là cả một quá trình, nếu chỉ bằng văn bản sẽ không thực hiện được mà phải bằng những vấn đề công nghệ.
Chuyển đổi số có thể là mục tiêu rất xa và qua rất nhiều năm tháng, nhiều thời gian, công sức nhưng chúng ta phải quay trở lại cái chuyển đổi số khu trú bằng 2 cụm từ: Tư duy số và hành vi số đối với người sản xuất, người tiêu dùng và mỗi người dân trong xã hội. Có như vậy thì chúng ta mới thúc đẩy thành công kinh tế số trong nông nghiệp.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.