LTS: Trong dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030, việc phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế được nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để phát triển nhanh và bền vững, cần dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Để không tụt lại phía sau

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu IDC, trong năm 2019, thế giới chi 1,18 nghìn tỷ USD cho chuyển đổi số. Đến năm 2020, thị trường này sẽ mở rộng thêm 67% lên gần 20 nghìn tỷ USD, và đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số (Digital economy) dự kiến sẽ đóng góp 24,3% vào GDP toàn cầu. Giờ đây, chuyển đổi số đã trở thành hành động cụ thể với từng quốc gia, từng doanh nghiệp nếu không muốn tụt lại phía sau.

Chuyển đổi số đang là một xu thế không thể cưỡng lại được trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số được nhận định là một tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Các chuyên gia cho rằng, trong xu thế phát triển chung này, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức đều phải chấp nhận sự thay đổi.

{keywords}
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (giữa): Malaysia đang tạo nền sinh thái mới để thu hút các bên liên quan tới các nền kinh tế chủ lực

Thực tiễn cho thấy chuyển đổi số là động lực phát triển mạnh mẽ cho các quốc gia. Trong chuyến thăm các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã chia sẻ giá trị về kinh nghiệm chuyển đổi số thành công. Theo đó, Malaysia đang tạo nền sinh thái mới để thu hút các bên liên quan tới các nền kinh tế chủ lực. Ngoài ra, Malaysia chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kiến thức, năng lực và nhân lực để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0.

"Đến năm 2025-2026, Malaysia có thể thực hiện 4 mục tiêu quốc gia gồm: Tăng cao hiệu quả lao động, tăng đầu tư đóng góp cho GDP, nâng cao năng lực đổi mới và có nhiều nguồn nhân lực với kỹ năng cao hơn", ông Mahathir Mohamad nói.

Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cứ 4 người sẽ có 3 người mất việc do sử dụng kỹ năng lạc hậu. Do đó, người Việt Nam cần biết công nghệ số, tư duy số tự động hóa các công việc, làm sao để cách chúng ta sống, làm việc, giao tiếp đạt mở mức số hóa. 

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao…

Các chuyên gia cho rằng, nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số, từ đó thay đổi cách chúng ta sản xuất, cách chúng ta đang làm việc không ai khác chính là các doanh nghiệp số Việt Nam. Dùng công nghệ để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh.

Hướng đi tất yếu của doanh nghiệp

Ông Lâm Việt Tùng, chuyên gia tư vấn CNTT - Viễn thông cho Vodafone Ziggo (Hà Lan) chia sẻ: Chuyển đổi số không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ trước năm 2013, khi doanh thu của các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ dịp Giáng sinh và Năm mới giảm 50% và doanh thu mua bán trực tuyến qua Internet tăng 81% so với 3 năm trước đó.

Với việc không viết thư trên giấy mà nhắn tin, gửi thư điện tử qua điện thoại hay Internet, bưu điện truyền thống gần như phá sản. Sony Walkman thống trị trên thị trường nghe nhạc từ năm 1979, rồi ngủ quên chiến thắng và đến năm 2010 phải thôi sản xuất khi các thiết bị số ra đời như iPod, iPhone và Samsung smartphone… Và cái tên Sony cứ mờ dần đi.

{keywords}
Ông Lâm Việt Tùng: Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp muốn tồn tại trong 10 năm tới

Netflix không có hạ tầng viễn thông nhưng phát triển thành công dịch vụ xem phim theo yêu cầu khắp nơi trên thế giới đáp ứng một lượng khách hàng xem phim khổng lồ. Netflix với cái phần mềm bình thường qua Internet mà đã thành công như vậy. Hay Booking.com ở Hà Lan có thể quyết định giá khách sạn ở Venice, London, Paris… Theo Wikipedia, trang web với 43 ngôn ngữ, có 28 triệu danh sách gồm 148.000 điểm đến tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi ngày, hơn 1,5 triệu phòng được đặt trước trên trang web.

"Tại sao Apple, Amazon, Netflix, Booking, Grab… thành công? Phải chăng họ nắm bắt được các công nghệ số đang là xu hướng của thời đại và biết vận dụng sáng tạo vào việc kinh doanh của mình. Rõ ràng, chuyển đổi số là thách thức nhưng là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp muốn tồn tại trong 10 năm tới", ông Lâm Việt Tùng nói.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ: “Thế giới đang thay đổi mỗi giây cùng với sự bùng nổ của những sáng kiến, phát minh và công nghệ mới. Do đó, để sống còn và vươn đến thịnh vượng, doanh nghiệp cần nhanh chóng liên tục sáng tạo đổi mới bằng công nghệ, chuyển đổi số, hướng tới xây dựng mô hình vận hành số và xa hơn là doanh nghiệp số". 

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Khoa: Doanh nghiệp cần nhanh chóng liên tục sáng tạo đổi mới bằng công nghệ, chuyển đổi số...

Phổ cập kỹ năng số

Theo Bộ trưởng TT&TT, công nghệ số - chuyển đổi số - kinh tế số - kỷ nguyên số là một tiến trình không thể đảo ngược bởi đây là một xu thế toàn cầu."Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số. Đây thực sự là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Là người tâm huyết về thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nhấn mạnh, chuyển đổi số cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ quyết định vận mệnh, tương lai mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức, đất nước. Đây là khát vọng vươn lên phồn vinh ở một quốc gia hùng cường. “Chuyển đổi số không chỉ là nâng tầm hệ thống thông tin, đổi mới sáng tạo, tăng cường hoạt động để làm nhanh, nhiều hơn mà quan trọng nhất là chuyển đổi con người, xây dựng kỹ năng, năng lực số mới”.

Theo đó, chuyển đổi số không thể thực hiện nếu không có lãnh đạo số, quản trị số, nhân viên số. Doanh nghiệp và tổ chức đào tạo cần bắt tay chặt chẽ để tổ chức các chương trình đào tạo có chứng chỉ.

Nền kinh tế, lực lượng lao động, đào tạo cần được tái cấu trúc. “Chúng ta cần có kỹ năng số để chuyển đổi số. Việc này cần được triển khai sớm bằng cách phổ cập hóa các kỹ năng, sử dụng máy móc, công cụ số để làm việc hiệu quả hơn, đồng thời đưa mức tự động hóa trong các quy trình sản xuất", ông Trương Gia Bình nói.

Vẫn theo ông Bình, nhân loại đang bước vào kỷ nguyên số khi mà mọi tổ chức sẽ trở thành tổ chức số, mọi lãnh đạo sẽ trở thành nhà lãnh đạo số, mọi chi tiêu sẽ trở thành chi tiêu số. “Thậm chí, mỗi con người sẽ là một doanh nghiệp số. Ai không làm chuyển đổi số người ấy sẽ ‘chết’. Chuyển đổi số hay là chết!”.

"Thế giới đều hiểu rằng đang có một cuộc dịch chuyển vĩ đại từ thế giới thực sang thế giới ảo. Thực và ảo hòa làm một. Mỗi người chúng ta sẽ thay đổi toàn diện cách thức làm việc, giao tiếp, giải trí. Bán lẻ sẽ trở thành bán lẻ số. Mọi tổ chức đều là tổ chức số. Lãnh đạo cũng trở thành lãnh đạo số”, Chủ tịch FPT cho biết.  

Kỳ tới: Doanh nghiệp Việt sẽ bị loại khỏi cuộc chơi nếu không chuyển đổi số

Thái Khang

Vì việc chọn người, không để sót nhân tài

Vì việc chọn người, không để sót nhân tài

Đại hội Đảng 13 là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.