Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng, vừa có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên VietNamNet xung quanh câu chuyện chuyển đổi số doanh nghiệp tại địa phương.
Những bước đi đầu tiên trên hành trình chuyển đổi số
Ông có thể cung cấp một số thông tin khái quát về hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp tại tỉnh Cao Bằng?
Hiện nay, khái niệm về chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp Cao Bằng nói chung vẫn còn khá mới mẻ. Đa số doanh nghiệp mới đang ở mức độ nhận thức về chuyển đổi số, còn về hành động mới dừng ở mức ứng dụng công nghệ thông tin (các phần mềm kế toán, quản lý bán hàng, chữ ký số, đấu thầu trực tuyến…) chứ chưa phải chuyển đổi số.
Chuyển đổi số tại doanh nghiệp tại Cao Bằng còn khá hạn chế, phải có sự vào cuộc của các lãnh đạo cơ quan liên quan cũng như sự các chính sách, cơ chế hỗ trợ về tài chính, công nghệ của Nhà nước thì doanh nghiệp mới có thể dần tiếp cận được chuyển đổi số.
Đâu là những khó khăn lớn nhất đối với hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp hiện nay?
Hạ tầng công nghệ thông tin ở Cao Bằng cũng đang chỉ ở mức độ tạm ổn thôi. Do địa hình tỉnh miền núi nhiều nơi khó đi lại. Một số huyện, xã còn chưa có sóng điện thoại và đường truyền Internet. Đây là khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi chuyển đổi số.
Khó khăn lớn nữa là vấn đề nhận thức của chính các doanh nghiệp. Rất cần tập trung tuyên truyền để thay đổi tư duy của doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp phải muốn chuyển đổi số.
Chính quyền tỉnh Cao Bằng đã có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số như thế nào?
Năm vừa rồi, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo tuyên truyền, mục đích là thay đổi tư duy của doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số. Doanh nghiệp Cao Bằng có thể tiếp cận với các công ty phần mềm cung cấp sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số, qua đó dần dần nhận thấy chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu và việc phải thực hiện.
Các doanh nghiệp Cao Bằng cũng đang có sự hưởng ứng rất tốt. Minh chứng là tham dự đầy đủ các cuộc hội thảo và cũng có những ý kiến đóng góp để hoạt động chuyển đổi số ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách nào riêng cho doanh nghiệp về chuyển đổi số. Rất mong tới đây sẽ có những chính sách như vậy dành cho các doanh nghiệp tại tỉnh Cao Bằng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp Cao Bằng chuyển đổi số?
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng hiện có khoảng 70 hội viên, hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, khai khoáng…
Chúng tôi đang liên kết với các tổ chức, hội doanh nhân trẻ ở trung ương và các tỉnh khác để đưa các chương trình ứng dụng chuyển đổi số cũng như các buổi giới thiệu các phần mềm, tập huấn đến với các doanh nghiệp Cao Bằng.
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ cũng mới chỉ ở mức độ về tuyên truyền nâng cao nhận thức thôi. Cũng chưa có được chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách cũng như về tài chính để có thể chuyển đổi số.
Chuyển đổi số cần hệ sinh thái chung. Rất mong các sở, ngành cùng phối hợp vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp. Chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Mong muốn lớn nhất của ông đối với hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp Cao Bằng là gì?
Chúng tôi rất mong đến năm 2025, các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố và địa bàn huyện đã có hạ tầng công nghệ thông tin khá ổn định rồi thì có thể thực hiện mức độ chuyển đổi số cao hơn. Bây giờ đang ở mức tiếp cận thay đổi tư duy nhưng đến năm 2025 có thể bước vào thực hiện chuyển đổi số thực sự.
Bây giờ nhiều doanh nghiệp thấy công việc kinh doanh vẫn đang hoạt động bình thường, thấy cần chuyển đổi số nhưng chưa phải là việc cần làm ngay.
Hội Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở anh em sớm tiếp cận các buổi tập huấn để mọi người thay đổi tư duy, bắt tay ngay vào việc thực hiện dần chuyển đổi số. Nếu không làm ngay thì sẽ bị tụt hậu.
Cảm ơn ông vì đã trả lời phỏng vấn!
Bình Minh