Những năm gần đây, chuyển đổi số các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trong tỉnh đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh; khai thác mạng xã hội Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử quảng bá, tiêu thụ hàng nông sản.

Nông dân Mường La livestream bán sản phẩm táo đại qua ứng dụng facebook. Ảnh: PV

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 838 HTX đang hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân, thương mại, vận tải...; có 6 liên hiệp HTX nông nghiệp.

Tổng diện tích cây ăn quả, cây sơn tra trên 84.000 ha, sản lượng năm 2023 khoảng 451.000 tấn; trong đó, một số sản phẩm có sản lượng lớn, như sắn, ngô, cà phê, chè, mận, xoài, nhãn.

Việc sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là một trong những ưu tiên của tỉnh nói chung và các HTX nói riêng, nhất là tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thương mại điện tử. 

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý HTX, chuyển đổi số trong HTX, đẩy mạnh việc tập huấn, phố biến các kiến thức, kỹ năng trong thương mại điện tử cho các HTX, người dân.

Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, đề xuất một số giải pháp xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử.

Từ năm 2022 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn cho trên 400 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh về các văn bản quy phạm pháp luật và các kiến thức cần thiết khi tham gia kinh doanh thương mại điện tử.

Phối hợp với các sàn thương mại điện tử, như Postmart, Sendo, Voso tổ chức Chương trình “Ngày đặc sản Sơn La”, Hội chợ triển lãm trực tuyến tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP. Hướng dẫn các HTX của các huyện, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu và Thành phố thực hành tạo lập gian hàng và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ 15 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, thiết kế các website; tư vẫn hỗ trợ xây dựng 3 phần mềm quản lý khách hàng phục vụ cho việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm cũng như hỗ hỗ trợ quản lý khách hàng.

Hỗ trợ cung cấp dịch vụ về đăng ký làm thành viên VIP của Cổng thương mại điện tử quốc gia ECVN cho 9 đơn vị; hỗ trợ xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến 10 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử quốc tế, như Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com và Google Adwords...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -  xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Liên minh HTX tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam vừa phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho 200 cán bộ, quản lý, thành viên các HTX và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: Lớp tập huấn tập trung vào bồi dưỡng kỹ năng tạo lập, biên tập thông tin, nội dung số, phương pháp truyền thông quảng bá hình ảnh và sản phẩm của HTX; sử dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; nâng cao nhận thức của thành viên HTX về các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất.

HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn trồng gần 100 ha thanh long theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; liên kết với hơn 100 hộ tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu trồng 100 ha thanh long ruột đỏ, sản lượng mỗi năm đạt trên 2.500 tấn.

Các thành viên HTX tích cực quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Hiện nay, các thành viên HTX thành lập nhóm Zalo, Facebook để trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc và thông tin thị trường. Hằng năm, HTX xuất khẩu 600 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Pháp, Anh, Nga, Hàn Quốc.

Còn chị Lò Thị Vân, bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, cho biết: Gia đình tôi chuyên dệt đồ thổ cẩm, đồ lưu niệm từ thổ cẩm, nhưng chủ yếu bán cho các cửa hàng quen biết truyền thống.

Tham gia tập huấn chuyển đổi số, tôi được hướng dẫn mở gian hàng, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, giúp việc bán hàng thuận lợi hơn rất nhiều.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, HTX, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá, xúc tiến thương mại truyền thông, đây là chìa khóa để phát triển nông nghiệp hàng hóa một cách bền vững; góp phần từng bước xây dựng hệ thống thương mại của tỉnh Sơn La theo hướng tiện lợi, văn minh, hiện đại.

 Theo Quàng Hưởng (Báo Sơn La)