Với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Lào Cai, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở, nhất là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh ở Lào Cai bước đầu đạt những kết quả tích cực.
Theo đó, hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã đã từng bước được cải thiện; nhận thức về chuyển đổi số của người dân ngày được nâng lên; tỷ lệ người dân tiếp cận, sử dụng các ứng dụng thông minh ngày càng tăng.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp chú trọng thực hiện chuyển đổi số, tăng khả năng quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm; tập huấn kỹ năng, cách thức bán hàng trực tuyến, khởi tạo các kênh bán hàng trên môi trường mạng, live stream trên các kênh cá nhân, thiết kế và quản trị vận hành nội dung trang quảng cáo, xây dựng nội dung quảng bá sản phẩm.
Thúc đẩy chuyển đối số, ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất. Hình thành các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Việc xây dựng chính quyền số cũng được triển khai đồng bộ, liên thông từ cấp tỉnh xuống cấp xã. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả tại bộ phận một cửa của 03 cấp là: 152.799 hồ sơ; trong đó số hồ sơ nộp trực tuyến là 117.468 hồ sơ (đạt 70,14%). Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 64%. Số lượng tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt 949.253 tài khoản. Tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 77,62%.
Có 114/127 xã đạt chuẩn Chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Kinh tế số từng bước được triển khai, 100% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh (sử dụng hóa đơn điện tử). Thương mại điện tử được triển khai rộng khắp và đưa 197/205 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử, đạt tỷ lệ 96%.
Xã hội số được quan tâm phát triển, 100% cấp xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục (100% các cơ sở giáo dục và 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt).
Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh của tỉnh Lào Cai đạt 75%. Tỷ lệ xã có hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ số: 29/127 xã, đạt tỷ lệ 22,8% (huyện Mường Khương: 4 xã; huyện Bắc Hà: 5 xã; huyện Văn Bàn: 4 xã; huyện Bát Xát: 2 xã; thành phố Lào Cai: 5 xã; thị xã Sa Pa: 9 xã).
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh của tỉnh Lào Cai vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Toàn tỉnh vẫn còn 6 thôn chưa có hạ tầng Internet băng rộng di động, còn 56 thôn chưa có hạ tầng Internet băng rộng cáp quang, còn 29 xã chưa được đầu tư mạng LAN đạt chuẩn.
Việc triển khai hạ tầng viễn thông tới vùng sâu, vùng xa còn khó khăn do dân cư thưa thớt, chi phí đầu tư lớn. Thiếu nhân lực phụ trách an toàn thông tin, chuyên gia về chuyển đổi số. Nhân lực có kỹ năng số trong xã hội, đặc biệt với địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai, để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.