Nếu nói đến chuyển đổi số không thể không nhắc đến ngành ngân hàng. Bởi đây là nhóm ngành tập trung vốn, công nghệ, con người cho chuyển đổi số từ rất sớm.
Ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có thể coi là chủ trương “đầy tham vọng’, với 6 mục tiêu đặt ra với tầm nhìn đòi hỏi cao. Việc triển khai trên thực tế ở các chi nhánh tỉnh/thành phố bước đầu đã gặt hái nhiều thành công.
Các mục tiêu đó là: (1) 100% các dịch vụ công của ngân hàng nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; (2) 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; (3) 90% hồ sơ công việc tại ngân hàng nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng; (4) Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của ngân hàng nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của ngân hàng nhà nước; (5) 100% các chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của ngân hàng nhà nước được ký chữ ký số và gửi thông qua hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; (6) 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của ngân hàng nhà nước được xác thực điện tử.
Cùng với đó, Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng ký Quyết định ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của ngân hàng nhà nước Việt Nam. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số được xem là gắn liên và rất cần thiết đối với hệ thống ngân hàng nhà nước để phù hợp với quy định của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu hoạt động đối với thời kỳ mới.
Tuy nhiên tùy vào vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ được phân công khác nhau mà các đơn vị trong hệ thống ngân hàng nhà nước thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số cũng khác nhau. Dưới góc độ ngân hàng nhà nước Chi nhánh thì chỉ tham gia giai đoạn ban đầu là góp ý dự thảo thủ tục, quy trình, sau đó chủ yếu là thực thi theo các quy định, văn bản hưởng dẫn của cấp trên và góp ý sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động nếu có.
Nhằm đáp ứng mục tiêu của việc chuyển đổi số “Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của ngân hàng nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của ngân hàng nhà nước”, ngân hàng nhà nước Chi nhánh cần làm là nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ công chức và bên cạnh đó một việc rất cần thiết là phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào từng nghiệp vụ cụ thể.
Tuấn Anh, Nguyễn Hằng, Thanh Bình, Anh Dũng