Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Đồng Tháp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và những yêu cầu đặt ra từ thị trường đã tạo nên những thách thức không nhỏ đối với ngành nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, để giải quyết những khó khăn, thách thức của ngành thì cần thiết phải có sự đổi mới và chuyển đổi số chính là một trong những “chìa khóa” hữu hiệu.

Quá trình chuyển đổi này không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà còn giúp hàng triệu hộ nông dân Đồng Tháp tiếp cận, cập nhật kiến thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới để thay đổi, hòa nhịp xu thế phát triển mới.

W-nongsan-8.png
Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã có những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý. Tuy nhiên chỉ mang tính chất bước đầu, thiếu sự đồng bộ và quy mô còn nhỏ. Do đó, Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh vừa ban hành được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới, tự động hoá và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất.

Cùng với đó, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất (vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất) để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị; thông qua hoạt động kết nối trực tiếp trên môi trường mạng hình thành mối liên kết 4 nhà (cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất) và kết nối giữa người sản xuất với nhau góp phần tạo sự đồng thuận gắn kết phát triển bền vững.

Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi số còn giúp nâng cao hoạt động quản lý, điều hành sản xuất thông qua việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; hỗ trợ theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả; nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 có 03 giai đoạn:

Giai đoạn 1 sẽ ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý; số hóa quy trình xử lý – báo cáo – lưu trữ dữ liệu thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh (thiết bị di động, máy tính,…) từ cấp xã lên cấp huyện, cấp huyện lên cấp tỉnh. Trực quan hóa dữ liệu báo cáo của tất cả lĩnh vực dưới dạng biểu đồ, bản đồ, hình ảnh. Hỗ trợ quản lý dữ liệu sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc thuộc phân hệ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Ứng dụng công nghệ số vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong việc thiết lập, giám sát.

Giai đoạn 2 hướng đến tự động thu thập, xử lý, thống kê số liệu tiến độ sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ viễn thám. Thông qua thiết bị giám sát IoT thống kê tự động dữ liệu dịch hại trên cây trồng, chỉ tiêu chất lượng nước, giám sát lũ. Ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo AI – Artificial Intelligence dự báo, cảnh báo thiên tai, dịch hại ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Giai đoạn 3, kết hợp công nghệ GIS cùng với giải thuật trí tuệ nhân tạo dự báo sản lượng cây trồng, vật nuôi và thủy sản nhằm chủ động thị trường tiêu thụ, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng nông sản.

Đề án hướng tới tính đồng bộ, thống nhất dữ liệu từ Trung ương đến địa phương, đồng thời chia sẻ dữ liệu nông nghiệp số của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, tạo thành nền tảng nông nghiệp số quốc gia, giúp các địa phương trong vùng tối ưu hóa quá trình sản xuất, cũng như phát huy thế mạnh nông nghiệp từng tỉnh, thành.

Đinh Thanh Tuấn, Hoàng Thị Kim Duyên, Trần Thị Thu Hằng