Những năm gần đây, Hải Phòng không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Theo đó, trong sản xuất trồng trọt, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đã áp dụng mô hình tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng; sử dụng máy bay không người lái trong việc phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng. 

Ở lĩnh vực chăn nuôi và thú y, các trang trại đã áp dụng hệ thống cảm biến điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi, máng ăn tự động, hệ thống nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi, bán hàng, xuất xứ động vật trên máy tính...

Những mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nông dân và doanh nghiệp giảm chi phí lao động, khắc phục những điểm yếu trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khai thác thủy sản đã ứng dụng hệ thống giám sát hành trình, phần mềm Vnfishbase để quản lý tàu cá và hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác trên biển; một số chủ tàu đã áp dụng thiết bị dò tìm luồng cá…

Các cơ sở chế biến, kinh doanh nông sản cũng triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng tem gắn mã QR và tham gia sàn thương mại điện tử. Hiện, Hải Phòng có trên 100 sản phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng mã QR thông qua các hệ thống: traceverified.com, agricheck.net, icheck.com.vn, trace.icheck.vn, smartcheck.vn… 

nong dan 1.gif
Hải Phòng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp 

Trong kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp ở giai đoạn mới, Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ chuyển đổi số của trung ương, thành phố và của ngành; trên 50% số hộ nông dân được tiếp cận với các dịch vụ số, dữ liệu số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hải Phòng xác định xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu là hình thành một trung tâm lưu trữ, tích hợp, chia sẽ dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp; được chia sẻ, kết nối, đồng bộ với hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực này và hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố, các hệ thống cơ sở dữ liệu khác (khi cần); đồng thời tạo nguồn dữ liệu mở cho các nông dân, doanh nghiệp... khai thác và sử dụng. 

Cụ thể, Hải Phòng sẽ xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu nông sản thành phố; xây dựng trung tâm lưu trữ, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp; mô hình ứng dụng công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái trong quản lý, giám sát hoạt động sản xuất trồng trọt; diễn biến rừng; các công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn.

Trong trồng trọt và bảo vệ thực vật, sẽ tiến hành xây dựng dữ liệu và quản lý các vùng trồng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong trồng trọt. Cùng với đó, số hóa các quy trình, nghiệp vụ và cung cấp dữ liệu, dịch vụ số hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; theo dõi diễn biến tình hình sản xuất, thời tiết, khí hậu, sinh vật gây hại trên cây trồng.

Với chăn nuôi và thú y, sẽ xây dựng dữ liệu và quản lý các vùng chăn nuôi, theo dõi diễn biến tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giết mổ và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Lĩnh vực thủy sản cũng sẽ xây dựng dữ liệu và quản lý các vùng nuôi thủy sản, khu vực biển nuôi thủy sản, ngư trường khai thác thủy sản, khu bảo tồn nguồn lợi, khu vực cần bảo vệ nguồn lợi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thủy sản; các tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…

Hải Phong cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ viễn thám, cảm biến, nano, tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản, quản lý môi trường ao nuôi, thu hoạch và bảo quản sản phẩm, dự báo và tìm kiếm ngư trường khai thác thủy sản. 

Ngoài ra, triển khai nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, giám sát sản lượng, truy xuất sản phẩm thủy sản trên phương tiện điện tử; quản lý tàu cá bằng thiết bị giám sát hành trình, viễn thám; chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, giám sát các hoạt động tại cảng cá.

Đối với lâm nghiệp, sẽ xây dựng dữ liệu và quản lý diện tích rừng, đất rừng, động vật rừng, lâm sản, giám sát tài nguyên đa dạng sinh học, môi trường rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo, thiết bị thông minh trong cập nhật diễn biến rừng, giám sát phòng và chữa cháy rừng, dự báo nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng. Khuyến khích các tổ chức, các nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc giống và lâm sản, chuyển đổi số trong quản lý rừng trồng, phát triển kinh tế rừng và chế biến lâm sản.

Thời gian qua, Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê (Bộ NN-PTNT) cũng đang hỗ trợ các tỉnh xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ tạo dựng nền tảng dữ liệu. Bởi, trên cơ sở dữ liệu sẽ dự báo được thị trường nông sản, là nền tảng để người nông dân tổ chức sản xuất, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV